Bi bô về ‘bình thường mới’ và sự kinh hoàng mới!

- Quảng Cáo -

Thiên Hạ Luận – VOA

Trân Văn

Hôm qua (30/9/2021) nhiều người Việt lại nẫu lòng khi chứng kiến đồng bào của mình – những người từ nhiều vùng khác nhau đến TP.HCM kiếm sống – lũ lượt dắt díu nhau rời TP.HCM thêm một đợt nữa (1).

Sau bốn tháng bị giam lỏng trong các phòng trọ, không việc làm, không thu nhập, không được hỗ trợ, sống nhờ cứu trợ, họ đã hoàn toàn kiệt quệ cho nên TP.HCM vừa nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại là họ lập tức lên đường…

- Quảng Cáo -

Sau đủ loại tuyên bố, từ… Việt Nam đã chiến thắng dịch bệnh khiến cả thế giới thán phục, đến… phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh, các viên chức hữu trách bắt đầu bi bô về việc thiết lập trạng thái… “bình thường mới” và đã tạo ra sự kinh hoàng mới!

***

Báo chí Việt Nam gọi dòng người tháo chạy khỏi TP.HCM là… những người về quê tự phát và bởi vài giờ trước khi chính quyền TP.HCM nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – gửi công điện hỏa tốc, ra lệnh: Phải tiếp tục kiểm soát người ra – vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (2) nên những hình ảnh video clip ghi lại cảnh nạn dân hối hả rời bỏ TP.HCM đã khiến một số người như Vinh Thuy, buột miệng rủa trên trang facebook của Nguyễn Đạo Đoàn Duy: Công sức người ta chống dịch có thể vì bọn này mà toang, tui nó về quê lây gia đình, lây cộng đồng, dưới quê đủ sức tiếp nhận tui nó không? Tao chưa thấy ai chết vì đói chỉ thấy chết vì COVID

Những ý kiến kiểu như thế đã bị chỉ trích cũng ngay trên trang facebook vừa kể. Chẳng hạn Lê Khắc Tuấn vặc lại Vinh Thuy: Những đứa mở miệng chửi người ta là không có lương tâm! Tao tính sơ chi phí khi ở Sài Gòn mà kg có việc làm bốn tháng nay: Với người độc thân, tiền trọ bình quân hai triệu đồng/người chưa kể điện nước, tiền ăn 100.000/ngày là 3 triệu/tháng, chưa kể các khoản phát sinh khác như thuốc men hay cho bất trắc gì đó. Hãy đặt mình vào vị trí người taTrucc Lyy góp thêm: Tôi chỉ một mình mà ba tháng thất nghiệp, chi tiêu tiết kiệm cũng hết 12 triệu rồi. Những người có gia đình, có con nhỏ thì bao nhiêu nữa... Cứ nghe hỗ trợ mà có thấy đồng nào đâu! Tony Phú nhận định: Nếu an sinh xã hội tốt thì dân sẽ không chạy như vậy. Đừng trách họ (3)!

Xem tường thuật của các cơ quan truyền thông chính thức về tình trạng dân chúng bị chặn lại ở các cửa ra, hướng về Long An, Bình Dương (4),… Công an thức trắng đêm vừa chặn nạn dân, vừa thuyết phục họ chờ địa phương lên kế hoạch đón về nhưng không thành công (5), nạn dân chấp nhận ăn bờ, ngủ bụi trước các trạm kiểm soát người ra – vào, Chanh Tam bình: Một chút niềm tin cũng không còn những người bé mọn ấy nên họ phải tháo chạy ngay cả khi dịch giã đã dịu bớt. Đó là thất bại kép (6)! Chu Hồng Quý đặt vấn đề: Đến nông nỗi nào mà những cha mẹ trẻ không nghe lời khuyên của các anh công an tốt bụng, nhiệt tình, chu đáo để đưa con nhỏ vào khu cách ly tạm thời? Vinh Nguyễn trả lời: Bị lừa nhiều rồi. Ngu gì để bị lừa tiếp. Ở lại lấy đâu ra tiền ăn, dịch thì trở đi trở lại. Nhốt lần nữa thì c… chả có mà ăn,nói gì đến các thứ khác (7).

Trong số những video ghi lại tình trạng tắc nghẽn vì bị chặn đường về quê, có cảnh hàng trăm người quỳ xuống, lạy công an gác trạm ở phía Long An khiến thiên hạ thảng thốt. Có người như Hai Ha bảo: Nếu là công an, chứng kiến cảnh dân lạy sống mình như vậy, tôi sẽ đào ngũ dù phải đi tù (8)!

Nếu một Lê Hoài Anh ngậm ngùi: Tương lai bấp bênh. Tiền hết, bị bỏ đói trong những xóm trọ tồi tàn, sống lay lắt bằng thực phẩm cứu trợ của người hảo tâm, chẳng may dính cúm thì cả gia đình bị đưa đi cách ly mỗi người một ngả, không tin tức, có khi trở về trong hũ đựng tro. Bảo sao họ không tìm cách bỏ về. Suốt ngày lôi ra ngoáy mũi, hở tí là chốt chặn, kéo rào kẽm gai làm sao họ kiếm sống! Chưa mở đã hù dọa nếu ra ngoài không có lý do chính đáng thì phạt nặng Lạy các bố, không nuôi nổi dân thì cho họ đi đi. Về quê ít nhất họ cũng còn thấy mặt người thân, không phải trả tiền nhà trọ, để gia đình họ đùm bọc lẫn nhau, đỡ khổ hơn ở thành phố rất nhiều (9) thì một Lê Anh Đủ mỉa: Long An cố lên. Chặn hết. Bít hết. Không thắng không phát lương! Anh Trần góp thêm: Mạnh lên! Không là anh Chính lại… gọi tên trước lớp (10)!

***

Hoàng Tư Giang – một nhà báo – vừa tâm sự trên facebook về chuyện Phía sau những phận người cùng khổ: Nguyễn Thị Thu ôm đứa con gái 22 tháng tuổi cùng chồng ngồi vật vạ ở vỉa hè cả đêm qua ở cửa ngõ Sài Gòn. Họ đã thất nghiệp ba tháng và về quê là con đường sống duy nhất. Nhưng họ, cũng như hàng ngàn người khác không thể vượt qua khỏi các trạm gác tối qua, giống như những đoàn người cố rời thành phố trước đây.

Câu chuyện của những người khốn khổ, bơ vơ, đói khát và không được thừa nhận như Thu và con thật day dứt và ám ảnh.

Song, vượt lên trên những số phận cá nhân của họ còn là một câu chuyện lớn hơn nhiều lần của nền kinh tế: Đứt gãy chuỗi lao động – điểm mạnh nhất nền kinh tế thâm dụng lao động như Việt Nam.

Thống kê của thành phố cho biết, chỉ “một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ” là hoạt động, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc.

Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng, lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ.

Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Luật cho biết, từ làn sóng dịch lần tư , tuyệt đại đa số trong số 288.333 doanh nghiệp với 3.240.000 lao động tại TP.HCM phải ngừng hoạt động. Chỉ có 715 trong tổng số 1.527 doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp còn duy trì hoạt động với khoảng 65.000 người lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 người lao động.

Ở quy mô toàn quốc, lực lượng lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.

Những số liệu khô khốc này cho thấy một thực tế kinh hoàng: số người thất nghiệp cao kỷ lục và đứt gãy chuỗi lao động đang diễn ra trên diện rộng mà khắc phục nó phải là hàng năm. Thâm dụng lao động – điểm cạnh tranh nhất của nền kinh tế – đã trở thành điểm dễ tổn thương nhất.

Không phải đơn giản mà Nikkei Covid-19 Recovery Index xếp VN ở hạng bét 121/121 liền trong hai tháng qua.

Điều này đừng lấp liếm đổ lỗi chỉ cho Covid (11).

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/nguoi-ve-que-va-vat-o-cua-ngo-tp-hcm-4365543.html

(2) https://tuoitre.vn/thu-tuong-kiem-soat-nguoi-ra-vao-tp-hcm-dong-nai-binh-duong-long-an-20210930164301907.htm

(3) https://www.facebook.com/groups/2433033536765491/posts/4460511317351026/

(4) https://tuoitre.vn/dem-cho-doi-o-mot-cua-ngo-thanh-pho-20211001003520026.htm

(5) https://tuoitre.vn/cong-an-trang-dem-thuyet-phuc-nguoi-dan-khong-tu-y-ve-que-cho-dia-phuong-len-ke-hoach-don-20211001064120571.htm

(6) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3979480775491493

(7) https://www.facebook.com/ChuHongQuy/posts/4279756578806865

(8) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/5010295518986512

(9) https://www.facebook.com/christiana.le.35/posts/4110203062422946

(10) https://www.facebook.com/leanhdudu/posts/4873331582678854

(11) https://www.facebook.com/hoang.t.giang.58/posts/10161266350508098

- Quảng Cáo -