Quảng Cáo

Người thất nghiệp bỏ chạy khỏi TP HCM vào lúc Việt Nam nới lỏng các quy định phong tỏa

Quảng Cáo

Việt Tân FB

Tomoya Onishi – Nikkei Asia

Hàng ngàn công nhân nhập cư tại TP HCM đã tìm cách rời khỏi thành phố vào sáng sớm ngày 1 tháng 10, ngay sau khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng. Cuộc di cư sẽ gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, vì việc khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng của đất nước được dự kiến ​​sẽ mất nhiều tháng.

Sau hơn 120 ngày kể từ khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng vào ngày 31 tháng 5, vào ngày 30 tháng 9 các nhà chức trách đã cho biết rằng thành phố phía nam sẽ “dần dần” mở cửa trở lại lúc 12:01 sáng ngày 1 tháng 10.

Hàng ngàn công nhân nhập cư trẻ tuổi bị mất việc làm trong thời gian bị phong tỏa đã ngồi trên xe máy đợi tại các chốt kiểm soát, từ trước khuya ngày 30 tháng 9 để rời thành phố sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Các quy định phong tỏa khắc nghiệt yêu cầu các công nhân phải ngủ trong nhà máy hoặc khu nhà nghỉ tập thể được chỉ định trong bốn tháng qua và khiến nhiều người mất việc làm, đã buộc một số phải sống bằng tiền tiết kiệm.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, các nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được bật đèn xanh để hoạt động trở lại. Nhưng sự nới lỏng các quy định phong tỏa đi kèm với các điều kiện, bao gồm cả việc những người đi làm phải được tiêm chủng đầy đủ.

Quyết định của thành phố về việc nới lỏng các các quy định phong tỏa được đưa ra sau khi chính phủ thông báo hôm 29 tháng 9 rằng nền kinh tế Việt Nam trong quý 3 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy định nghiêm ngặt “ai ở đâu ở yên đó” trong thời gian phong tỏa tại TP HCM, nơi có hơn 9 triệu dân, đã góp phần đáng kể khiến tổng sản lượng quốc gia theo quý của Việt Nam suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Các nhà chức trách cho biết các quy định phong tỏa đang được nới lỏng trong thành phố vì số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong đã giảm xuống, và tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã được cải thiện do có nhiều người được xuất viện hơn. Vào ngày 1 tháng 10, TP HCM ghi nhận 3.670 trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Số người tử vong lên hơn 14.800 người, chiếm 76% tổng số người tử vong trong cả nước.

Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Lê Hòa Bình kêu gọi người lao động nhập cư ở lại thành phố với hứa hẹn rằng “những người ở lại sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng và được hướng dẫn về cách tìm việc làm”. Ông Lê Hòa Bình nói thêm các công ty xây dựng và các nhà máy sản xuất đang hoạt động trở lại, và những lĩnh vực này đang thiếu người lao động.

Nhưng hứa hẹn của ông phó chủ tịch không thuyết phục được hàng ngàn công nhân tìm cách rời khỏi thành phố.

Các phương tiện truyền thông trong nước cho biết hơn 2.000 người đang di chuyển khỏi các vùng ngoại ô của TP HCM để trở về quê nhà của họ. Một số bị mắc kẹt ở ranh giới TP HCM và các tỉnh lân cận vào sáng ngày 1 tháng 10.

Chính quyền TP HCM hôm 1 tháng 10 đã đề xuất phương án đưa công nhân đã đi về các tỉnh khác trở lại, để họ có thể làm việc khi các nhà máy hoạt động trở lại.

Trần Tuyên và gia đình 4 người của ông đã thu dọn mọi thứ, để về quê ở vùng Lâm Đồng. Nói chuyện với báo Nikkei Asia, ông cho biết gia đình ông sẽ rời thành phố ngay lập tức nếu các chốt kiểm soát được dỡ bỏ. Gia đình ông đã xài hết số tiền tiết kiệm dành dụm được sau nhiều năm làm việc ở thành phố.

Các doanh nghiệp nước ngoài không mấy lạc quan với việc các quy định phong tỏa được nới lỏng vì lo ngại về tình trạng thiếu công nhân ngày càng tăng. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Chuỗi cung ứng không thể được khôi phục trong một sớm một chiều”.

Các nhà máy ở TP HCM chủ yếu dựa vào những người lao động nhập cư từ nông thôn, nhiều người đã về lại quê nhà khi các nhà máy ngừng hoạt động. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội nhận định: “Các công ty sẽ phải chờ cho đến quý 2 năm 2022 thì mới có thể phục hồi hoàn toàn nguồn nhân lực có kỹ năng.”

Phan Thị Thảo, 27 tuổi, làm việc tại một công ty dệt may, đã rời TP.HCM vào tháng 8, chạy xe máy về quê ở Nghệ An, cách đó hơn 1.000 km. Cô cho biết hiện nay cô đang phụ giúp gia đình việc đồng áng. Cô sẽ tính chuyện trở lại thành phố sau Tết, tức khoảng cuối tháng Giêng.

Trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, được thực hiện vào cuối tháng 8, 13% thành viên cho biết họ đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động với số lượng nhân viên tối thiểu, trong khi gần 50% cho biết họ đang hoạt động ở mức 50% công suất hoặc ít hơn. Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã thúc đẩy “sự phối hợp liên tỉnh”, nói rằng các chính sách mâu thuẫn giữa các tỉnh thành cản trở sự lưu chuyển của hàng hóa và người, và cần phải được giải quyết, vì nhiều người lao động ở Việt Nam sống ở tỉnh này và làm việc ở tỉnh khác.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm này.

Ông Hồ Quốc Tuấn, một giảng viên tài chính và kế toán tại Đại học Bristol ở Vương quốc Anh cho rằng cần lạc quan một cách thận trọng với thông tin về việc mở cửa trở lại, vì nhiều nhà máy vẫn sẽ gặp khó khăn để đáp ứng các điều kiện để tiếp tục sản xuất.”

Thiếu hụt nhân sự lao động là một vấn đề chung của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang tìm cách khôi phục lại từ những thiệt hại do đại dịch gây ra.

Trong một cuộc họp hồi tháng trước Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu Alain Cany đã nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, một trong những vấn đề cấp bách nhất là cần có “hộ chiếu tiêm chủng” điện tử để cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ có thể dễ dàng di chuyển, cả ở trong Việt Nam lẫn từ ngoài vào Việt Nam. Cần có một quy trình kiểm tra nhanh chóng để các giới chức lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ có thể trở lại Việt Nam.

Việt Nam đang dự định điều chỉnh các biện pháp đối phó với COVID-19 cực đoan và học cách sống chung với virus để cho phép nền kinh tế hoạt động trở lại.

Các nhà chức trách đã được ca ngợi vì ứng phó tương đối hiệu quả với đại dịch trong năm ngoái, nhưng đã hoàn toàn thất bại với đợt dịch hiện nay bắt đầu vào tháng Tư. Ông Lê Đăng Doanh nhận xét, đại dịch đã đặt ra thách thức lớn cho hệ thống quản trị của Việt Nam, bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu. Thành công trong ứng phó với đại dịch vào năm 2020 được nối tiếp bởi sự không chuẩn bị vaccine trong năm nay.”

Sự suy giảm GDP trong quý 3 cho thấy sự chuyển biến nhanh chóng của đất nước, từ một câu chuyện thành công của đại dịch trở thành một nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6,5% mà Hà Nội đặt ra hồi đầu năm nay dường như đã không còn trong khả năng.

Theo ông Lê Đăng Doanh, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở vào khoảng từ 2,6% đến 3,0%, nếu trong quý 4 dịch bệnh được kiểm soát, phong tỏa được dỡ bỏ, các gói cứu trợ đến tay người dân và tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được giải ngân.

***

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux