Diễm My – (VNTB) – Lời xin lỗi có làm cho hơn 15.000 người sống lại?
Trong chương trình nghệ thuật trực tuyến “Nối vòng tay lớn” tối 26/9, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM – mong được đồng bào lượng thứ về những mất mát trong dịch bệnh sau khi nhận những thiếu sót và hứa sẽ rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Thừa nhận thiếu sót là điều hiếm hoi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID khi mà hơn cả một năm qua cả nước đã lên đồng với lối xác nhận ngông nghênh đầy tự hào rằng thành công chống dịch mà Việt Nam đạt được là nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng. Đến giờ thừa nhận thiếu sót, hoá ra lại là đảng lại chẳng còn tài tình sáng suốt hay sao?
Nhưng sự thừa nhận muộn màng đó có làm cho cục diện được thay đổi?
Gần 2 vạn mạng người đã bị cướp đi vì cái thiếu sót của chính quyền!!! 1.500 trẻ mồ côi vì chính sách chống dịch sai lầm. Kinh tế kiệt quệ và hàng triệu người lâm vào cảnh đói khổ cũng chỉ vì chính sách chống dịch cực đoan. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Lời xin lỗi có làm cho hơn 15.000 người sống lại? Nụ cười của thân nhân những nạn nhân COVID và những đứa trẻ mồ côi liệu có nở được nổi trên môi một khi phong toả vì COVID qua đi và mọi thứ quay trở lại bình thường mới?
Ừ có thể số người tử vong cho tai nạn giao thông, do ung thư sẽ cao hơn nhiều so với số người tử vong vì COVID. Nhưng tử vong vì COVID là những cái chết đã được báo trước và không phải là không có cách phòng ngừa. Những cái chết đến quá nhanh làm cho ai cũng bàng hoàng và nỗi đau, sang chấn tâm lý vẫn chưa có đủ thời gian để ngấm đủ vào những ai có thân nhân bị COVID cướp đi chỉ vì sự cao ngạo của giới cầm quyền và sự tắc trách của Bộ Y tế.
Cứ bắt dân đi xét nghiệm không đem lại kết quả gì mà sẽ ngày càng tạo ra hiệu ứng ngược, tức sự phản kháng trong dân khi nỗi lo dịch bệnh, thiếu đói ngày càng chồng chất khiến cho tâm lý của người dân ngày càng bị thương tổn.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên hồi tháng Tám đã có lời nói làm bao nhiêu người nức lòng: “ TPHCM mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ”.
Đã có ai trong chính quyền thống kê bao nhiêu người dân ngoại tỉnh đã được tiêm vắc xin và được hỗ trợ? Hay chỉ thấy những người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu hay đăng ký, không phải hộ gia đình từ 3 người trở lên được nhận trợ cấp; hay những gia đình, cá nhân không thuộc những ngành nghề được trợ cấp dù thành phố đã cho trợ cấp đến đợt thứ ba? Lời mời của ông Nên đã được thực hiện bao nhiêu phần trăm?
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nói “ gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân”. Ngó bộ gia tài đó đang tỉ lệ thuận với hậu quả chống dịch cực đoan quá mức và với những gì đã hứa nhưng đều thất lời.
Nếu không có những cá nhân, hội nhóm bỏ tiền túi hay nhận quyên góp từ các cá nhân trong và ngoài nước thì số người chết vì đói ở thành phố sẽ góp thêm bao nhiêu vào số 15.000 người ở thành phố chết vì COVID?
Rất nhiều người trong số họ đáng ra sẽ không chết nếu được tiêm vắc xin từ tháng 3 tháng 4. Nhưng không, số vắc xin đó phải được sử dụng để tiêm cho công an, bộ đội, cho cán bộ công nhân viên chức còn trẻ khoẻ hay thậm chí là cho lực lượng giáo viên đang giảng dạy online mà không ưu tiên cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Biết bao nhiêu người đã len lỏi, sử dụng quan hệ đặc biệt để nẫng tay trên số vắc xin đáng ra phải được dành cho những người yếm thế?
Rất nhiều người trong số họ nếu không bị ép đi vào khu cách ly tập trung để bị biến từ người khoẻ mạnh thành người thiên cổ. Rất nhiều người trong số họ sẽ không bị thiệt mạng nếu như không phải liên tục bị điệu đi xét nghiệm COVID đến nỗi bị lây nhiễm chéo. Rất nhiều người trong số họ lẽ ra sẽ sống nếu được tiêm vắc xin từ sớm.
Ai là người đã ký giấy ngưng tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi? Ai là người ra quyết định ưu tiên cho 11 đối tượng rất tào lao? Ai là người ra quyết định không đặt mua vắc xin khi dịch chưa bùng phát? Ai là người ra quyết định truy quét, bóc tách hết mọi F0 ra khỏi xã hội? Ai là người ra quyết định gom hết F0 lẫn F1 đi cách ly? Ai là người quyết định nhốt toàn bộ dân Sài Gòn trong nhà và đẻ ra lực lượng “đi chợ hộ”? (xin mở ngoặc chỗ này, cụm từ “đi chợ hộ” là cụm từ miền Bắc nên có thể hiểu ngay người đề xuất không phải là người Sài Gòn). Đây mới phải là nhóm người phải cúi đầu tạ tội với người đã khuất và những khó khăn, đau khổ mà người dân thành phố đã phải chịu trong bốn năm tháng trời qua.
Ai cũng biết thành phố đang kẹt tiền chống dịch vì ngân sách cạn kiệt, trung ương không chịu rót tiền mà thực chất là thối lại tiền mà thành phố đã đóng góp vào ngân sách để nuôi những tỉnh thành không làm ra tiền nhưng chuyên xài sang, phá nát ngân sách. Nhưng hhông hiểu chính quyền thành phố có cảm thấy vui vẻ gì khi cho tổ chức đêm nhạc “Nối vòng tay lớn”, hát xướng trong tang thương chỉ để mong người dân lượng thứ và để gây quỹ chống dịch?
Trong lúc này cách làm đẹp lòng dân và an lòng người ra đi không phải là hát xướng rộn ràng. Nhà hàng xóm có đám tang, thì chẳng ai nỡ lòng nào mở loa kéo để hát karaoke dù đó là hát bài “Nối vòng tay lớn”.
Những oan hồn tháng bảy âm lịch vẫn vất vưởng ở nhiều nơi trong thành phố mà không được về nhà hay dẫn độ siêu thoát vẫn luôn là nỗi đau còn quá mới cho người còn ở lại. Chính quyền thành phố có thể làm một việc nhân văn hơn trong lúc này đó là để tang và làm lễ cầu siêu cho nạn nhân COVID. Đó mới là lời tạ tội phần nào cho người chết oan vì sự sai lầm trong chống dịch cũng như làm an lòng thân nhân của họ.
Giờ chẳng ai cần hát xướng. Cái họ cần cần làm lúc này là chính quyền thực hiện cho đúng lời hứa trợ cấp đến tận tay, tiêm vắc xin tốt cho dân chứ không phải ép dân chích vắc xin Trung Quốc, mau chóng có kế hoạch cụ thể mở cửa lại nền kinh tế để dân bớt đói, bớt khổ.
An dân trước rồi mới tính được chuyện tiếp theo!
Leave a Comment