Cơn bão “Sao Kê”
Những tuần qua, cộng đồng mạng Internet Việt Nam đặc biệt là mạng Facebook rầm rộ, nổi lên cơn kích động với những yêu cầu “sao kê” tài khoản, công khai, minh bạch các khoản tiền từ thiện mà bá tánh đã giúp đỡ các nạn nhân bão lụt thời gian qua thông qua lời kêu gọi của một số cá nhân.
Một số ca sĩ, nghệ sĩ và một số người nổi tiếng đã là trung tâm cho những cơn kích động dữ dội này. Cơn bão “sao kê” đã tràn qua không chỉ một, hai mà nhiều cá nhân đã bị vạch mặt, chỉ tên với muôn vàn đồn đoán từ khoản thu, khoản chi cho đến những điều cần làm rõ, những khoản tiền cần được công khai…
Tất cả cứ chuyện nọ dắt dây chuyện kia, làm nháo nhào mạng xã hội và thỏa mãn những người hóng chuyện trong những ngày rỗi rãi cả nước bị nhốt như trại tù để chống dịch.
Sở dĩ có chuyện đó, cũng bắt nguồn từ một số ca sĩ, “hài sĩ” đã bị lôi ra ánh sáng về sự thiếu minh bạch trong cuộc vận động cứu giúp những người dân Miền Trung trong hoạn nạn do thiên tai, bão lụt năm qua.
Người ta còn nhớ: Cuối năm 2020, cả Miền Trung Việt Nam bị nhấn chìm trong những cơn lũ lụt liên tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh và nhiều thảm họa đổ xuống những người dân Miền Trung. Những hình ảnh liên tiếp được truyền đi trên mạng Internet cho cả thế giới thấy một Miền Trung Việt Nam trong thiên tai với những cảnh màn trời, chiếu đất giữa mênh mông biển nước. Người ta thấy cuộc sống cơ cực của những người dân Miền Trung trong những ngày đó mà không khỏi xúc động, cảm thương và muốn chia sẻ.
Oái oăm thay, khi trời làm lụt lội, cũng là khi mà tại Việt Nam, đảng cầm quyền đang ngày đêm lo lắng cho cuộc đại hội của mình.
Mà để đi đến cái gọi là “Đại hội” nghĩa là sự chia chác, sắp xếp lại những chiếc ghế quyền lực, những chiếc ghế đem lại quyền hạn vô biên và qua đó có nhiều lợi ích béo bở, bởi cái thể chế “đảng cầm quyền lãnh đạo tuyệt đối”. Những khi đó, những cuộc chạy việt dã trong bóng tối, những cuộc đấu đá khi âm thầm, khi công khai nhằm hạ bệ, tranh thủ, lôi kéo, đạp đổ lẫn nhau vào hồi kịch tính nhất.
Cái kết quả của đại hội kia, những người được chọn vào đại hội, vào cầm quyền kia, không bằng các tiêu chí là đã phục vụ nhân dân đến đâu, đã làm được gì cho nhân dân, cho quần chúng… mà ngược lại, việc được vào đại hội, chiếm được những chiếc ghế làm “đầy tớ” béo bở kia, lại phục thuộc vào những cuộc chạy bằng tiền, bằng mưu đồ, bằng sự nham hiểm, thủ đoạn.
Vì thế, những cán bộ của đảng đã tự nhảy vào nhận nhiệm vụ lãnh đạo đất nước vào những lúc đó, lo lắng chạy lên, chạy xuống từ Trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài… nhưng không phải vì lụt bão đang hồi khẩn cấp, thiên tai đang lúc ngặt nghèo mà là vì đại hội đảng đang đến sát nút, vì những chiếc ghế đang lung lay.
Cũng vì vậy mà đảng và các lãnh đạo đất nước được sinh ra từ đảng đã không hề đoái hoài gì đến hàng triệu con dân Miền Trung đang ngụp lặn trong mưa bão và giá rét, bao tài sản và tính mạng của họ đang mặc sức cho hà bá và thiên tai định đoạt.
Mặt khác, người dân Việt Nam có một kinh nghiệm truyền đời qua bao nhiêu trận lũ lụt, thiên tai địch họa. Rằng những khi đó, là khi mà cán bộ, cơ quan nhà nước có thêm một cơ hội để kêu gọi, xà xẻo và ăn chặn những tấm lòng, những tình cảm của người dân dành cho nhau trong hoạn nạn. Biết bao nhiêu vụ việc đã xảy ra với những trận lũ lụt thiên tai trước đây với nhưng con số cụ thể, với những con người cụ thể đã lợi dụng tấm lòng trắc ẩn của người dân như một cơ hội kiếm chác. Vì thế, những cuộc kêu gọi, phát động nếu có, cũng đã làm cho người dân lánh xa bằng sự khinh miệt và sợ hãi.
Thế nên, đó cũng là cơ hội cho những tiếng kêu gọi từ thiện bởi những người nổi tiếng đến với nhiều người dân và được hưởng ứng.
Người ta hưởng ứng bởi hình ảnh cô ca sĩ Thủy Tiên nhỏ bé lặn sông bơi nước đến với bà con Miền Trung đã khác hẳn với hình ảnh các quan chức béo tốt, bụng bự, mặt nung núc đang di chuyển hết chỗ này qua chỗ khác để phát biểu những lời vang dội “vì hạnh phúc của nhân dân” nhưng lánh xa vùng lũ lụt bởi sợ bẩn giày của mình. Những hình ảnh tương phản đó đã phần nào kích động đám đông quần chúng cảm thông và chia sẻ cho các nạn nhân qua những tài khoản được công bố.
Không chỉ Thủy Tiên, mà nhiều ca sĩ, kịch sĩ, hài sĩ khác cũng xông vào công việc kêu gọi cứu trợ, giúp đỡ người dân “khi ngặt chứ không phải khi nghèo” với lời hứa như đinh đóng cột rằng “chúng tôi sẽ chuyển đến bà con Miền Trung kịp thời, không thiếu một cắc”.
Phong trào cứu trợ Miền Trung trong bão lũ không qua các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quốc doanh đã được triển khai rầm rộ từ Nam đến Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, thể hiện tình liên đới và nghĩa đồng bào sâu nặng ở nền văn hóa Việt Nam trong thiên tai.
Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi, cơn bão lũ cũng dần dần lùi xa với những hậu quả của nó để đồng bào Miền Trung và nhiều nơi khác bắt đầu một cuộc sống, gây dựng lại những cái đã mất đi.
Thế rồi bỗng dưng câu chuyện lại trở lên ầm ĩ bởi người ta phát hiện ra rằng có những khoản tiền mà một số hài sĩ, ca sĩ, kịch sĩ đã hô hào, đã nhận về tài khoản, nhưng rồi đã đắp chiếu nằm im từ đó đến nay. Người ta đặt câu hỏi chính đáng khi mà người dân đã qua cả lúc “ngặt” lẫn lúc “nghèo” thì những đồng tiền đó để lại tài khoản cá nhân rồi im lặng, nghĩa là gì?
Và rồi “hài sĩ” kia đã phải lên mạng công khai rằng là tôi vẫn giữ, rằng là không thiếu, không mẻ đi một cắc… Và rồi anh ta chuyển khoản tiền đó cho Mặt Trận Tổ Quốc, cái hành động mà người dân đã kiêng kỵ từ bao nhiêu năm nay. Bởi nếu chỉ có vậy, họ đâu quyên góp làm gì.
Có lẽ chỉ cần như thế, cả mạng xã hội dậy sóng, và rồi không chỉ một ca sĩ, hài sĩ đã từng mạnh miệng, mà cả những cá nhân đã để lại những hình ảnh đẹp đã không thoát khỏi những dị nghị, những yêu cầu minh bạch.
Và cơn bão “Sao kê” đã bắt đầu với hàng loạt ca sĩ, cá nhân buộc phải sao kê tài khoản để chứng minh khoản tiền được chuyển đến cho lời kêu gọi từ thiện là chính xác và công khai.
Mèo tha miếng thịt thì đòi
Thiết nghĩ, điều đó cũng chẳng có gì lạ, cũng là bình thường. Bởi nguyên tắc công khai, minh bạch là hết sức cần thiết khi mình muốn thật sự làm những việc nghĩa, những đồng tiền ân tình và nghĩa hiệp cần được chuyển đến những nơi cần nó cách kịp thời nhất và đầy đủ nhất. Việc ăn chặn, nếu có, là những hành động bất nhân nhất cần được lên án kịp thời.
Chỉ có điều, trong quá trình đó, nhiều người nổi tiếng đã không chú ý, hoặc do vô tình, hoặc do cố ý nên đã tạo ra sự nghi ngờ có lý trong dân chúng.
Những ca sĩ, nghệ sĩ, cá nhân đã bị phát hiện, đã bị nêu danh, yêu cầu với làn sóng dữ dội trên mạng, họ đã và sẽ phải làm mọi điều để đáp ứng những sự minh bạch cần thiết, nếu họ còn muốn để danh tiếng của họ tồn tại nếu nó thật sự trong sáng. Cũng đồng thời có nghĩa là danh tiếng họ đã từng “Mua danh ba vạn” sẽ nhanh chóng được bán danh, dù không chỉ ba đồng, mà có thể là một số tỷ đồng nào đó, nhưng chưa phải là con số lớn lao đến mức người ta có thể hy sinh tất cả vì nó.
Những đồng tiền mà bá tánh đã góp cho các ca sĩ, những người nổi tiếng kia qua những đợt quyên góp, cũng là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, cũng là máu thịt của người dân. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả mạng sống, là cuộc đời, là tính mạng và tài sản của họ.
Đó là những khoản tiền họ có thể bỏ ra để làm từ thiện, có thể rất quý giá, rất vất vả mới kiếm được, nhưng dù sao thì đó cũng chưa phải là tất cả tương lai và vận mệnh của cộng đồng, của dân chúng mà nếu thiếu nó, thì những người bỏ ra sẽ không thể tồn tại.
Thế nên, người ta thấy và khâm phục, cổ vũ cho việc đòi hỏi sự công bằng, minh bạch qua những đồng tiền từ thiện đã mà cộng đồng đã sôi sục đã đóng góp hoặc họ không đóng góp.
Và điều đó, cũng đáng được khuyến khích. Bởi sự minh bạch, sự công khai nhất là với những tấm lòng, những đồng tiền tình nghĩa là điều hết sức cần thiết.
Còn đó, chuyện hổ tha con lợn
Nhưng, điều mà người ta đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc sau cơn bão “sao kê” lại không phải là ở những ca sĩ đã minh bạch hóa tài khoản và con số tiền bạc. Mà với những chính những người dân đã đòi hỏi ráo riết sự minh bạch, đã đòi hỏi những cá nhân, tập thể đã tham gia vào quá trình thiện nguyện vừa qua phải minh bạch, phải “sao kê”.
Rằng vậy thì với những cá nhân, những tập thể đã tự nguyện, tình nguyện đi kêu gọi lòng trắc ẩn, từ thiện, bằng sự tự nguyện của nhiều cá nhân để giúp đỡ đồng bào hoạn nạn phải minh bạch, phải công khai, phải chi tiết rõ ràng… là điều phải lắm.
Nhưng, còn với những kẻ, những thế lực không chỉ kêu gọi bằng sự tự nguyện, mà bắt buộc người dân nộp đủ các thứ tiền thuế, phí, tự nguyện, nghĩa vụ… để rồi thi nhau “vén tay đốt nhà táng” vào những trò vô bổ như “đại hội đảng”, “bầu cử Quốc hội” hay đủ mọi trò gian tham, xà xẻo, cướp phá ngân sách… qua các dự án, các tượng đài.
Họ nặn những đồng cắc của người dân dù đã giấu ở đâu, bằng mọi cách để rồi chia chác nhau phá hoại để vinh thân, phì gia
Và họ cũng không chỉ có vài lời hứa hẹn kêu gọi trên mạng theo kiểu “Kêu gọi giúp đỡ lúc ngặt chứ không kêu gọi giúp đỡ khi nghèo”… Mà có cả hệ thống tuyên truyền, lừa bịp đi kèm với súng đạn và nhà tù để bằng mọi cách cướp, trấn lột hoặc moi tiền của dân.
Cả xã hội đã thấy những lời kêu ca, oán thán rằng “Một quả trứng gà mang trên mình 14 loại thuế và phí từ nhà nước”, hoặc là người dân mua một chiếc ô tô để đi, thì trước đó phải mua thêm 4-5 chiếc cho đảng, chính phủ, mặt trận và đoàn thể trước đã, thì họ mới được sử dụng một chiếc xe ô tô. Thuế má ở Việt Nam cao khủng khiếp chính là một trong những cách bóc bằng hết những đồng tiền từ túi người dân để “Xây dựng đất nước”.
Người ta cũng đã thấy những trận tấn công của công an, quân đội và nhiều lực lượng khác vào những khu dân cư, cướp đất đai bao đời mà người dân đã khai khẩn, xây dựng và ở đó cho đến ngày đảng và nhà nước tự định nghĩa rằng nó là “sở hữu toàn dân” và nhà nước “thu hồi” bằng vũ lực.
Và biết bao nhiêu trò cướp bóc, trấn lột khác nữa mà cả đất nước đã chứng kiến dai dẳng mấy chục năm nay.
Thế nhưng, người dân chỉ biết bị trấn cướp, bị thu, bị lấy ngang nhiên, nhằm để xây dựng đất nước hay để xây dựng đảng hay xây biệt phủ cho quan chức đảng, là điều bí mật.
Người dân chỉ thấy những cuộc đốt tiền như lá rừng cho những trò vô bổ như Đại hội đảng – một hoạt động của một tổ chức tự xưng của dân, nhưng hoạt động theo kiểu Mafia, hội kín – hay những cuộc “đảng cử, dân bầu” hoặc các dự án tượng đài quan chức, lãnh tụ cộng sản nhằm kiếm chác, xà xẻo hoặc chia chác cho quan chức cộng sản bằng các quyền lợi vật chất, tinh thần…
Và người dân biết, bất cứ một dự án, một hành động, một sự chi tiêu nào đó từ đống tiền dân này, thì ở đó đều có sự hà lạm, sự lãng phí, tham ô và đủ mọi sự xà xẻo theo đúng lời của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Ăn của dân không trừ một thứ gì”.
Mà cái sự ăn đó, không chỉ đơn giản là sự hà lạm hay lợi dụng, xà xẻo, bớt xén, mà là “ăn quá dày” theo lời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Và không chỉ tiền moi móc từ túi người dân, mà còn là từ khoáng sản, tài nguyên của đất nước được huy động tối đa bằng mọi cách, mọi thủ đoạn.
Và cũng không chỉ có vậy, ngoài ra còn là những khoản vay, là sự chấp nhận mất dần lãnh thổ của Tổ Quốc để vay tiền, để tự đút đầu vào rọ của kẻ thù dân tộc nhằm có tiền, để rồi sau này con cháu sẽ trả.
Ấy vậy, nhưng cả đất nước, cả xã hội Việt Nam đã im phăng phắc không ai dám đòi hỏi sự minh bạch, đòi hỏi phải “sao kê”.
Một số không nhiều những người dám mở miệng lên tiếng, lập tức được đàn áp, được hưởng sự tù đày.
Thế rồi cả dân tộc lại sợ hãi mà ngậm miệng.
Thế rồi đảng lại tha hồ vung tay đốt nhà táng là chuyện thường ngày.
Đến đây, ta mới thấy điều cha ông từ xưa đã từng dạy đang diễn ra trong thực tế xã hội Việt Nam:
Mèo tha miếng thịt thì đòi
Hổ tha con lợn, mắt coi trừng trừng
28/9/2021
Leave a Comment