Cuộc bầu cử vừa chấm dứt hôm 26.9.2021 với một kết quả mà người ta có thể phỏng đoán từ hai tháng qua. Nền chính trị Đức đứng trước tình huống không dễ dàng để đưa ra một thỏa hiệp chính trị giữa các đảng phái để thành lập chính phủ. Dù chỉ là tạm thời, nhưng kết quả sau đây chắc hẳn không có gì thay đổi đáng kể. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lên nắm quyền sau 16 năm độc bá của Liên minh Cơ Đốc (CDU/CSU) thuộc Angela Merkel.
Về các đảng lớn truyền thống:
Điều rõ ràng nhất từ kết quả này là: Dù Angela Merkel rất nổi danh trên các vấn đề quốc tế, nhưng trong nội bộ nước Đức, dân chúng đã thất vọng và không còn đặt cược số phận của mình cho các đảng lớn, như họ đã từng tin tưởng hơn 50 năm qua. Trong hơn nửa thế kỷ đó, CDU/CSU hoặc SPD, dù chưa bao giờ đạt được đa số tuyệt đối, nhưng họ cũng thay phiên nhau chiếm được số phiếu đủ cao để có thể thành lập chính phủ với một đảng nhỏ nào đó, hoặc là Dân chủ Tự do (FDP) hoặc Đảng Xanh (Grüne). Với CDU/CSU, đi từ thắng lợi rực rỡ của Helmut Kohl với 48,8%, đến Angela Merkel với 32,9% vào nhiệm kỳ cuối cùng, và bây giờ Armin Laschet chỉ đạt 24,1%. Đảng cầm quyền của Angela Merkel bị giảm mất 8,8% chứng tỏ rằng, ngoài khả năng tranh cử quá kém của Armin Laschet, nguyên nhân lớn nhất vẫn nằm ở chính quyền Angela Merkel, trong thời gian qua đã thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu của dân chúng. Một vài nguyên nhân nổi bật có thể nhận thấy là:
1) Cơ cấu quản lý nhà nước không đạt hiệu quả cao để đối phó những cuộc khủng hoảng bất chợt xảy đến. Đại dịch COVID và thảm họa thiên nhiên vừa mới đây đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, dù chuyên gia có thể phát họa được con đường giải quyết khủng hoảng, nhưng sức ì của hệ thống quan liêu phức tạp đã làm cho các biện pháp xử lý không đạt được tốc độ nhanh chóng cần thiết. Hiệu quả quản lý rõ ràng chưa đạt đến mức độ mong muốn so với nguồn lực đang có. Hai tháng sau thảm họa bão lụt ở vùng biên giới Bỉ mà vẫn còn có gia đình phải sinh sống tạm bợ cho qua ngày. Tiền thì nhà nước không thiếu, nhưng hệ thống quan liêu rườm rà đã làm cho những cố gắng hỗ trợ từ mọi phía trở thành vô dụng.
2) Cơ cấu hạ tầng về kỹ thuật số không đủ độ phủ sóng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của dân chúng và công nghiệp. Trong một nước giàu như Đức, mà vẫn còn một số người dân ở vùng quê chưa tiếp cận được hàng ngày với Internet. Sự phát triển mạng truyền thông cấp cao (thí dụ 5G) vẫn còn ì ạch, trong lúc các nhu cầu của công nghiệp rất lớn. Mặc dù về công nghệ, các định chế tư nhân đã có đủ lời giải tối ưu vốn đã được giải quyết trong phạm vi thử nghiệm, nhưng để biến chúng thành ứng dụng thực tế thì gặp phải trở ngại về cơ cấu hạ tầng. Tất cả các công ty dịch vụ mạng đều ở trong tay tư nhân, nhưng điều đó không thể xem là lý do để biện hộ cho sự yếu kém của hệ thống luật pháp vốn dĩ là vai trò quan trọng hàng đầu của nhà nước Đức.
3) Chiến lược phát triển của nhà nước có vẻ không hoàn chỉnh để đối phó với những thách thức lớn lao của thời đại. Một vài lĩnh vực sau đây vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải: Dân số ngày càng già, tỉ lệ lao động trong dân chúng ngày càng thấp, trong lúc hệ thống an sinh xã hội phục vụ cho người già đã đến ngưỡng quá tải. Nếu chính sách nhập cư của Đức không tiến hành hợp lý, vị trí của Đức trên trường quốc tế sẽ suy giảm trong vài thập kỷ tới; Về biến đổi khí hậu, người ta chỉ nghe nói nhiều về năng lượng tái tạo, nhưng một giải pháp tổng thể vẫn còn mơ hồ. Việc ngưng sử dụng năng lượng hạt nhân và than nâu là những lời giải cục bộ, trong lúc việc truyền tải năng lượng từ các vùng phát điện tái tạo ở miền Bắc xuống vùng dân cư đông đúc và công nghiệp dày đặc ở miền Nam, sau 5 năm bàn cãi vẫn chưa có một lời giải dứt khoát. Đấy là chưa kể, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của các quốc gia riêng lẻ, mà là vấn đề toàn cầu. Tiếng nói của Đức trên quốc tế dường như còn quá yếu để có thể ảnh hưởng được điều gì. Về bất bình đẳng xã hội, nội các chính phủ trong 16 năm qua vẫn không tìm được một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn xu hướng ngày càng tồi tệ: hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, trong lúc nhà nước bất lực trong việc huy động tài sản của những người siêu giàu cho các dự án xã hội cần thiết.
4) Về công nghiệp xe hơi, vốn dĩ là cột xương sống của nền công nghiệp quốc gia, nuôi sống hàng triệu người lao động và hàng chục ngàn công ty cung cấp linh kiện, thì dường như nhà nước khoán trắng cho tư nhân như những đứa con rơi. Các tập đoàn xe hơi lớn như VW, BMW, Mercedes, AUDI vốn không thua kém ai trong suốt cả 100 năm qua, và luôn luôn là những công ty tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ về các đòi hỏi công nghệ mới, thì giờ đây họ bỗng nhiên lu mờ trên thị trường quốc tế, thí dụ trong lĩnh vực xe hơi chạy điện. Cả bốn tập đoàn nói trên đã có sẵn lời giải trong hộc tủ, họ chỉ cần một khung pháp lý phù hợp, nếu được hỗ trợ thêm một ít tài chính thì càng tốt, họ sẽ nhanh chóng chiếm lại ưu thế đã mất, hoặc nuốt chửng hoặc đánh bạt luôn cả Tesla cũng không phải là điều không thể. Nhà nước Đức đã bất lực thời gian qua để đưa ra khung luật pháp cần thiết để thúc đẩy xu hướng thời đại trong công nghiệp xe hơi.
5) Sự thay đổi tư tưởng và lối sống của giới trẻ: CDU/CSU và cả SPD, đều có một lượng cử tri rất đông đảo thuộc thành phần trên 60 tuổi, chiếm gần 25%. Trong lúc đó, thế hệ trẻ của Đức hoàn toàn khác với các thế hệ cha ông của họ. Để xây dựng tương lai, họ đã trở nên xa lạ với truyền thống ăn chắc mặc bền, đổ hết tiền vào các qũy tiết kiệm, hoặc khá hơn là đầu tư vào bất động sản, mà ngôn ngữ Đức gọi là Beton Gold (nhà cửa là vàng). Giờ đây, gần một nửa giới trẻ trong lứa tuổi dưới 40 có xu hướng đầu tư vào các sáng kiến mới đầy rủi ro, nhưng cũng đầy cơ hội vàng chờ đón. Công ty vắc-xin BioNTech là một thí dụ, họ lỗ lã suốt 10 năm qua, bây giờ thành công lớn trong vòng vài tháng. Trong lúc đó thì mặc dù nguồn lực không thiếu, khung pháp lý của Đức vẫn chưa thể hiện tư duy mới của chính phủ để hỗ trợ các Start-Up. Chỉ cần nhìn quanh trên thế giới, có biết bao nhiêu lời giải hay: Mỹ có độ uyển chuyển cao, Bắc Âu có chính sách ủng hộ đầu tư kinh doanh kết hợp với chính sách xã hội tiến bộ. Không đáp ứng được đòi hỏi mới của giới trẻ, các đảng lớn truyền thống sẽ dần dần biến mất trên sân khấu chính trị Đức chỉ trong vòng vài nhiệm kỳ tới.
Về phía các đảng nhỏ:
Có những thay đổi lớn trong hoạt cảnh các đảng nhỏ.
Trước hết, đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland – Chọn lựa khác cho nước Đức) giảm hơn 2% sau thắng lợi huy hoàng cách đây bốn năm. Mặc dù AfD vẫn chiếm tỉ lệ cao ở hai tiểu bang, xu hướng chung trên liên bang không hề thuận lợi cho tư tưởng cực hữu. Rất có thể AfD sẽ rơi vào tình trạng của đảng cực hữu Republikaner vào thập niên 1990, đã vươn lên huy hoàng trong 10 năm, rồi dần dần rơi vào quên lãng không để lại một dấu vết nào. Xu hướng chung hiện nay cho thấy, rất có thể AfD cũng theo lộ trình đó. Hai nhiệm kỳ bầu cử sắp tới sẽ chứng minh rõ hơn.
Sau nữa, Đảng Tả (Die Linke) không vượt qua được rào cản 5%, cho nên ngoại trừ vài ba đại biểu trúng cử trực tiếp, trong quốc hội không còn điều gọi là phái đoàn Đảng Tả để có thể ảnh hưởng lên các chính sách quan trọng. Di sản của Đông Đức (DDR – Cộng hòa Dân chủ Đức) dường như chỉ còn le lói ở vài tiểu bang phía Đông, và rất có thể sẽ rơi vào quên lãng trong thập niên tới.
Cuối cùng, hai đảng nhỏ còn lại, Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh (Die Grüne), với bề dày kinh nghiệm chính trị hơn nửa thế kỷ, trở nên những đảng quan trọng, không những có thể ảnh hưởng đến quá trình thành lập chính phủ trong vòng vài tuần tới, mà còn sẽ quyết định mạnh mẽ lên chương trình nghị sự của nội các sắp tới. Đa số cử tri ủng hộ hai đảng này thuộc thành phần trung lưu và trẻ dưới 40 tuổi. Nếu các đảng lớn truyền thống không cải cách triệt để, một ngày nào đó sẽ bị thay thế bởi hai đảng FDP và Đảng Xanh.
Liên minh nào sẽ thành hình?
Theo kết quả ở trên, chính phủ Đức nhiệm kỳ tới có thể là một trong ba liên minh sau đây:
– Liên minh SPD + CDU/CSU: liên minh này không được dân chúng ưa chuộng (ít hơn 15%), ngoài ra cả hai vị thủ lãnh đều xem đây là giải pháp xấu nhất, chỉ thực hiện trong điều kiện “chẳng đặng đừng”.
– Liên minh SPD + FDP + Đảng Xanh
– Liên minh CDU/CSU + FDP + Đảng Xanh
Đây là tình huống vô cùng khó khăn cho nền chính trị Đức. Trong quá khứ, hai đảng FDP và Đảng Xanh vốn xem như „không thể ngồi chung“ trên bàn nghị sự. Cách đây bốn năm, một liên minh tay ba như thế không thể thỏa thuận được, cuối cùng đưa đến đám cưới bất đắt dĩ giữa CDU/CSU và SPD. FDP thì nghiêng về kinh tế và chống việc tăng thuế, Đảng Xanh thì chú trọng việc bảo vệ môi trường cho dù phải hy sinh quyền lợi giới công nghiệp.
Sẽ vô cùng gay go, chưa chắc một liên minh có thể được thành lập trước cuối năm. Đảng nào, SPD hay CDU/CSU, sẽ được phép cử người làm Thủ tướng? Thật khôi hài, điều đó không tùy thuộc vào chính hai đảng đó, mà hoàn toàn tùy thuộc vào cách hành xử của hai đảng nhỏ còn lại, FDP và Đảng Xanh.
Nếu có thỏa hiệp tay ba, thì đây là lần đầu trong lịch sử nước Đức có một nội các ba thành phần. Dù khó khăn, liên minh đó cũng khá hơn là tổ chức lại một đám cưới của hai người đã tuyên bố ly hôn: SPD và CDU/CSU.
Đố có ai dám quả quyết liên minh nào sẽ ra đời?
Nguyễn Phú Lộc
Nguồn: https://diendankhaiphong.org/bau-cu-duc-tuong-lai-nao-se-den/
Để hiểu hệ thống bầu cử của Đức, xin xem bài viết súc tích của TS Nguyễn Tường Bách: https://www.diendan.org/the-gioi/hallo-deutschland-lich-su-sang-trang
Leave a Comment