Cánh Cò – RFA
Đó là câu hỏi sát sườn dành cho nhà nước cần phải đặt lên bàn làm việc ngay bây giờ, khi mà dịch bệnh đã tương đối chững lại tại nhiều khu vực, nhất là TP HCM nơi sản xuất chính của cả nước trên nhiều lĩnh vực nhất là gia công. Là mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau khi nhiều quốc gia rời bỏ Trung Quốc để đến Việt Nam trong thời gian trước dịch.
Những cảnh báo từ các nước có đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã tỏ ra nóng lòng và tỏ ý không còn kiên nhẫn chờ Việt Nam lập lại trật tự trong sản xuất. Những cơ hội đang lừng lững tới cho doanh nghiệp nước ngoài qua các ngày nghĩ lễ quan trong như Thanksgiving hay Giáng Sinh sẽ vực dậy nhiều tập đoàn bán lẻ. Thời gian không còn nhiều và vì vậy cuộc chạy đua với thời gian là kẻ thù của Việt Nam khi toàn xã hội vẫn bị khóa tay và chưa thấy một quyết định “cơi nới” nào dành cho sự trở lại của công nhân trong các khu công nghiệp.
Chính sách phong tỏa cho thấy hai mặt khác nhau trên một đồng tiền. Mặt trước là tạm thời yên ắng, gây tâm lý ổn định trong chính phủ và tạo dễ dàng hơn cho ngành y trong khi chống dịch. Mặt trái của vấn đề là đóng băng sản xuất, toàn xã hội bị trói tay, không một đồng bạc nào được tạo ra từ sản xuất và nhà nước phải rút ruột chi phí cho các cơ quan chính phủ, các lực lượng chống dịch, và từng bước phải hỗ trợ người dân trong vùng bị phong tỏa. Bao nhiêu hoạt động là bấy nhiêu tiền bạc. Bao nhiêu tiền bạc chi ra là dấu hiệu cạn kiệt sẽ tới gần….mọi tuyên truyền cho người dân, thậm chí chính quyền cấp thấp yên tâm đều vô ích bởi ngân sách nhà nước không thể nào che chắn bằng các mỹ từ.
Biện pháp “ba tại chỗ” đang bị chính doanh nghiệp chống đối, mà tác hại nhất những doanh nghiệp áp dụng biện pháp này hầu hết là của nước ngoài. Sự lên tiếng chống đối của họ làm cho chính quyền địa phương lúng túng và từ đó dẫn tới những biện pháp nửa vời, chắp vá khiến cho cục diện càng rối rắm hơn.
Thời gian gần đây thế giới đang dần dần trở lại sinh hoạt bình thường mặc dù còn chậm chạp. Đối với Việt Nam diễn tiến này đáng ra là cơ hội cho việc chuẩn bị hội nhập bằng những biện pháp thông thoáng, hiệu quả ngay từ bây giờ thì ngược lại chính quyền thành phố xem ra chưa sẵn sàng bắt tay vào những việc cần làm. Thời điểm này mà TP HCM kêu gọi người dân đóng góp ý kiến để tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo thì thật vô ích và mông muội.
Ngay khi thời khắc dịch chưa chấm dứt nếu chính quyền có tầm nhìn xa chuẩn bị cho những việc làm sắp tới mới chứng tỏ được tầm viễn kiến về kinh tế mà bất cứ chính quyền nào cũng cần chú ý. Ngay bây giờ TP HCM cần có chính sách hỗ trợ trước cho công nhân quay trở lại từ các tỉnh thành khác bằng các quyết định mạnh mẽ và dám đối diện với những nguy cơ để tạo tiền đề vực dậy nền kinh tế gia công trước khi chuyển động các ngành khác trong toàn xã hội.
TP HCM cần khoanh vùng cho ngành nghề nào cần khởi động lại. Với thông tin từ Mỹ và EU cho thấy các mặt hàng như giày dép, quần áo thể thao sản xuất tại Việt Nam đang đứt gãy và nguy cơ các nhà máy như Nike hay Adidas có khả năng rút đi tìm nơi khác cho kịp đợt hàng vào mùa lễ năm nay là thử thách lớn nhất cho Việt Nam. Từ thông tin này chính quyền cần khoanh vùng các nhà máy này trước, kêu gọi công nhân trở lại, ưu tiên chích ngừa cho họ cũng như các nhà trọ chung quanh nhà máy trước để tạo yên tâm cho công nhân. Cung cấp lương thực và dịch vụ y tế một cách hiệu quả cho họ cũng như dần dần khoanh những khu vực sản xuất khác.
Bắt đầu từ đây, ngay cả khi dịch bệnh chưa hoàn toàn rút đi, biện pháp khoanh vùng này sẽ giúp thành phố từ từ trở mình trong một trạng thái hưng phấn. Nếu không làm gì cả mà chỉ chạy theo những vuốt ve không cần thiết như vụ tôn tạo tượng Đức Thánh Trần cho tới khi dịch bệnh chấm dứt thành phố sẽ kiệt quệ và khó lòng tự mình đứng dậy.
Leave a Comment