Ngày 21/9, chính quyền CS Việt Nam ký Nghị quyết mua 20 triệu liều Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm – Trung Quốc. Việc mua không đáng chú ý, nhưng điều đáng chú ý là ràng buộc hợp đồng hoàn toàn có lợi cho phía trung Quốc. Tranh chấp được giải quyết theo luật pháp của Trung Quốc. Nếu luật trung Quốc không giải quyết được, thì xử lý cấp cao hơn do Uỷ ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết. Nói chung, trong quan hệ mua bán này chính quyền Trung quốc đóng vai trò “Luật là tao, tao là luật” đối với chính quyền CS Hà Nội.
Nếu nói chính quyền CS Việt Nam đối xử với dân bằng luật chơi “luật là tao, tao là luật” một cách cưỡng ép, thì họ sang Bắc Kinh lại chấp nhận luật chơi “luật là tao, tao là luật” do Bắc Kinh áp đặt. Tư tưởng nô lệ của lãnh đạo CS nó thể hiện nay trong những điều khoản ký kết với đàn anh như thế. Cho dù chúng ta không thấy báo chí tung hô “4 tốt, 16 chữ vàng” nữa thì tư tưởng phục tùng vẫn còn đó chứ không mất đi đâu cả. Đây là nỗi bất hạnh lớn của dân tộc này.
Vừa qua nước Úc và nước Pháp gặp khủng hoảng ngoại giao tồi tệ, nguyên nhân là Úc hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ đô la đã ký với Pháp từ năm 2016. Vì sao nước Úc đã đi đến một quyết định “động trời” như thế? Vì ngày nay nước Úc cần tàu ngầm hạt nhân để lặn sâu và đi xa nhằm phòng vệ từ xa vùng bờ biển nước Úc, họ không cần tàu ngầm Diesel thông thường nữa, bởi vì mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng cường độ đòi hỏi Úc phải chọn giải pháp an toàn hơn. Đấy là lý do chính mà ông thủ tướng Úc Scott Morrison đi đến quyết định hủy hợp đồng và sẵn sàng chịu đền bù theo quy định, còn lý do nhà thầu Pháp chậm tiến độ và đội giá chỉ là lý do phụ. Hủy hợp đồng với Pháp, Úc đã quay sang đặt hàng Anh – Mỹ đóng cho họ tàu ngầm hạt nhân hiện đại hơn. Trả lời trước dư luận quốc tế, Thủ tướng Úc nói rằng “Tôi hiểu sự thất vọng của Pháp về vấn đề này, song lợi ích quốc gia của Australia được đặt lên trên hết”. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Thủ tướng Anh thời đệ nhị thế chiến từng nói “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh mãi mãi, chỉ có quyền lợi quốc gia là trên hết”. Đấy là chân lý. Trong trường hợp này, thủ tướng Úc đã hành động vì “quyền lợi nước Úc là trên hết” chứ không kiêng nể bất kỳ một cường quốc nào. Và quyết định này của ông Scott Morrison không gây phản ứng bất kỳ đảng nào trong quốc nội. Ông đã quyết định hợp lòng dân.
Trở lại chuyện hợp đồng mua vaccine của CS Việt Nam với người anh em “tự xưng” của nó cho thấy, ĐCS không vì quyền lợi quốc gia mà là vì quyền lợi của người anh em của nó mà thôi. Ngay trong “chính sách 4 không” cũng nói lên sự phục tùng rồi. Một chính sách hoàn toàn bất lợi cho đất nước và mang lại rất nhiều lợi thế cho Bắc Kinh nhưng ĐCS Việt nam vẫn kiên định. ĐCS Việt Nam làm vậy để được gì? Để được người “anh em” cho nó những bài học “quý báu” về cách trừng trị người dân. Luật đặc khu, luật an ninh mạng, cách chống dịch vv… là những thứ mà “người anh em” của nó vẽ ra và nó bê nguyên si tròng lên đầu dân Việt.
“Quyền Huynh Thế Phụ” là một tư tưởng phong kiến, nó cho phép anh cả sẽ thay cha dạy dỗ em út. Đấy là quan hệ huyết thống, áp đặt luật đó cũng ổn, không vấn đề gì. Tuy nhiên, trong thế giới CS, mối quan hệ giữa các ĐCS với nhau cũng theo nguyên tắc như vậy. Cuối thập niên 80, Liên Xô – cha đẻ chế độ CS hấp hối, ĐCS Việt Nam đã ôm chân Tàu và nhờ anh cả Tàu thay cha Liên Xô chỉ bảo thằng em út ĐCS Việt Nam. Trong mối quan hệ với ngoại tộc thì điều cần thiết phải là “quyền lợi quốc gia là trên hết” chứ không thể có tư tưởng phục tùng kiểu “quyền huynh thế phụ” thì nguy. Tư tưởng “quyền huynh thế phụ” trong quan hệ quốc tế là một tư duy nô lệ rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao ĐCS Việt Nam luôn nhường hết lợi thế cho “huynh trưởng” là thế./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/…/chinh-phu-dong-y-mua-20-trieu…
https://vov.vn/…/thu-tuong-australia-ly-giai-nguyen…
#trungcộngviệtcộng
Leave a Comment