Xét nghiệm đại trà làm tiêu hao hàng núi tiền ngân sách và gây lãnh phí nhân lực ngành y một cách ghê gớm, nhốt dân trong nhà để loại bỏ sức tiêu thụ người dân làm cho nền kinh tế đìu hiu như buổi chợ chiều, chặn lưu thông hàng hóa làm đứt gãy chuỗi cung ứng làm mạch máu nền kinh tế bị tắt nghẽn, áp dụng mô hình “3 tại chỗ” đè thêm gánh nặng cho doanh nghiệp làm nội lực nền kinh tế đất nước yếu đi nhanh chóng. Liên tục áp dụng chính sách như thế trong 3 tháng bất chấp mọi lời khuyên của chuyên gia. Cách chống dịch của ĐCS Việt Nam được ví như trò tự phế võ công bản thân vậy, những kinh mạch lần lượt bị đứt và cơ thể nền kinh tế Việt Nam cứ lịm dần trong tình cảnh nội lực đang cạn kiệt.
Thành phần đầu tiên chịu tác động chính sách là thành phần lao động, họ tháo chạy khỏi TP. HCM trong nỗi kinh hoàng. Tiếp theo là những doanh nghiệp làm trong ngành Logistics thấm đòn phải giảm quy mô hoặc ngưng hoạt động hoặc giải thể. Hiện nay cảng Cát Lái – Cảng lớn nhất Việt Nam chỉ còn 10% lực lượng lao động làm cho hoạt động logistics qua cảng này như bị chôn chân một chỗ. Doanh nghiệp sản xuất thì đuối dần vì “mô hình 3 tại chỗ”. Doanh nghiệp thương mại cũng bị chết đứng vì chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng cấp thì không thể tới và hàng xuất thì không thể đi. Kinh tế Việt Nam cứ càng ngày càng vụn nát. Ban đầu những mảnh nhỏ bung ra, trong 8 tháng đầu năm có 85.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ rời khỏi thị trường. Tiếp theo là những doanh nghiệp lớn cũng không thể chịu nổi. Doanh nghiệp FDI hầu hết là những doanh nghiệp lớn mà họ cũng bắt đầu lên tiếng vì khả năng chịu đựng của họ đang cạn.
Sức đề kháng của doanh nghiệp FDI bao giờ cũng mạnh hơn sức đề kháng của doanh nghiệp trong nước. Ấy vậy mà họ cũng đến hồi thấm đòn và phải ra tối hậu thư. Đầu tiên là Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản –JCCH đe dọa rút lui nếu tiếp tục áp dụng chính sách chống dịch cực đoan như thế. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cảnh báo “nếu chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam”. Hiện nay, 12 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đang tính đường rút khỏi Việt Nam vì ngành sản xuất không còn đáp ứng như cầu của họ thêm vào đó là hoạt logistics thì bị tê liệt. Một hệ quả xấu nhãn tiền, các chuyên gia phải liên tục lên tiếng khuyên chính quyền nên dừng xét nghiệm diện rộng.
Ngoan cố, đợi đến khi những vết loét của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hoại tử thì có vẻ như chính quyền CS mới chịu nới lỏng kiểm soát. Tuy nhiên, vì bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, nên trung ương nhận ra cái sai thì chưa chắc gì địa phương nhận ra. Chính vì vậy nên mới xảy ra trường hợp “trên bảo dưới không nghe” và kết quả là việc nới lỏng kiểm soát vẫn thực hiện một cách chậm chạp.
Ý dân chính là những lời phản biện có tâm, tuy nhiên đảng không nghe. Ý dân là những lời kiến nghị của giới trí thức và ý kiến của các chuyên gia, tuy nhiên đảng vẫn không nghe. Cho đến khi, đảng bắt dân phải trả thật đắt, đảng bắt doanh nghiệp phải trả giá thật đắt thì đảng mới rục rịch chuyển ý. Sự vô minh và cái tính ù lì cố hữu của ĐCS là vô cùng tai hại, nó bất chấp tất cả mọi hậu quả để đi theo lối mòn như một con lừa. Bị cái chủ nghĩa độc hại dẫn hướng, ĐCS Việt Nam đang lôi tương lai đất nước này đi về nơi vô định. Không loại bỏ CS, thì dân tộc Việt Nam mãi mãi như là con thuyền vô định giữa đại dương bao la mà thôi. Tương lai dân tộc này mịt mờ tăm tối./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vneconomy.vn/nhan-luc-lam-viec-tai-cang-chi-10…
https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-doanh-nghiep-fdi-lo-dut…
https://vneconomy.vn/gian-doan-chuoi-cung-ung-o-viet-nam…
Leave a Comment