Thời sự chính trong hai tuần qua của truyền thông Mỹ là chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng của nước Mỹ bị ảnh hưởng thế nào bởi phong tỏa tại Việt Nam và các công ty Mỹ sẽ rút đi đâu. Trong ảnh là chương trình ngày 16-9 của đài CNBC.
Các thương hiệu giày dép hàng đầu thế giới vẫn đang cảm thấy nhức nhối từ việc các nhà máy ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Kể từ tháng 7, các nhà máy tại Việt Nam, nhà cung cấp giày dép lớn thứ hai cho Hoa Kỳ sau Trung Quốc, đã phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng COVID-19. Việc đóng cửa kéo dài đã 9 tuần, đây là điều đặc biệt đáng quan tâm đối với các thương hiệu giày và quần áo thể thao khi mùa mua sắm và các dịp nghỉ lễ cuối năm đến gần.
Các nhà kinh doanh giày và trang phục quà tặng thể thao đang hết sức lo âu về doanh số bán hàng.
Theo nhà phân tích về “sức khỏe và lối sống” của công ty nghiên cứu thị trường BTIG, Camilo Lyon, chuyên gia theo dõi mảng kinh doanh của Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor’s Hoka thì đây chính là những công ty có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng nhất từ việc ngừng hoạt động của nhà SX tại Việt Nam.
“Chúng tôi nghe nói rằng giày thi đấu đã bị chậm trễ nghiêm trọng nhất và có nguy cơ bị hủy hợp đồng ngày càng cao cho mùa xuân năm 22”, Lyon cho biết.
Kể từ khi hai nhà cung cấp giày Nike tại Việt Nam ngừng sản xuất vào tháng Bảy, công ty đã có gần 2 tháng không có đơn vị sản xuất nào trong khu vực giao hàng. Việt Nam trước đây chiếm 51% sản lượng giày dép của Nike và 30% đơn vị may mặc vào năm ngoái.
Do gãy chuỗi cung ứng, BTIG đã hạ hạng Nike. “Mặc dù NIKE thường được tổ chức cực kỳ tốt để quản lý những gián đoạn như vậy, nhưng chúng tôi e rằng vấn đề này quá bất ngờ, quá lớn để kiểm soát, dù NIKE là thương hiệu thể thao mà mạng lưới kinh doanh chạy tốt nhất trên thế giới, chúng tôi vẫn hạ bậc của Nike xuống mức trung bình cho đến khi Nike có thể quay trở lại lịch trình sản xuất và giao hàng bình thường như trước kia.”
Cổ phiếu của Nike đã giảm 1,3% sau khi bị BTIG hạ cấp.
Adidas thì đang phân bổ lại sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở khu vực khác và hiện đang phải sử dụng đường hàng không cho các sản phẩm giá cao.
Các nhà máy ở Việt Nam thông báo là có thể sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15 tháng 9. Các hãng giày lớn vẫn nêu một hi vọng cuối cùng: “Một khi các nhà máy ở phía Nam mở cửa trở lại, chúng tôi dự kiến sẽ dần dần xây dựng lại công suất sản xuất tối đa đạt 50% vào cuối năm và sau đó sẽ tăng hoàn toàn trở lại 100% vào năm 2022”.
Hai kỳ lễ và mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday tháng 11 và Giáng sinh tháng 12 là cơ hội để ngành hàng tiêu dùng nhanh và đồ gia dụng trở ngược thế cờ và quyết định lợi nhuận của năm. Bỏ lỡ thì coi như “chết tại chỗ”!
Thêm vào đó là cước tàu biển cao và nạn khan hiếm trầm trọng container càng làm các nhà bán lẻ xứ cờ hoa sốt ruột.
Thị trường lớn đó sẽ khó chấp nhận chuyện “xin thêm hai tuần” nữa.
Quá tam ba bận. Chứ đằng này có đến bảy lần rồi, khách khó chịu thấu!
(Có tham khảo thông tin của Ricky Hồ)
Leave a Comment