Bề ngoài là tổ chức đấu thầu nhưng thực chất là chỉ định thầu, đấy là hình thức gian lận đấu thầu ở các quốc gia tham nhũng. Đấu thầu trong nước, người ta thường nghe đến từ “chân gỗ” hoặc “quân xanh quân đỏ”. Chân gỗ là những bộ hồ sơ dự thầu chỉ để diễn cho có vẻ “đấu” chứ thực chất là những bộ hộ sơ chân gỗ lập ra chỉ để nâng điểm cho bộ hồ sơ chính. Ngoài Bắc thì dùng từ “quân xanh” thay cho từ “chân gỗ”, quân xanh là quân diễn trò, còn “quân đỏ” là quân giật thầu.
Đấu thầu quốc tế thì khác, hồ sơ năng lực của các nhà thầu rất khủng và cũng chẳng ai chịu làm chân gỗ cho ai, vì thế CS nghĩ ra cách khác. Vậy là cách gì? Cách “Vua Hùng kén rể”. Như mọi người biết Vua Hùng thứ 18 đã có ý chọn Sơn Tinh nhưng vẫn bày trò dâng lễ vật để có vẻ công bằng. Vua ra điều kiện sính lễ là “một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao mỗi thứ một đôi” ai mang đến trước thì rước Mỵ Nương. Rõ ràng là Vua Hùng thứ 18 chơi đểu, ông ta ra sính lễ toàn là sản vật của núi rừng thì làm sao Thủy Tinh có được? Phải chi ông ta giao sính lễ toàn hải sản thì Thủy Tinh đã có được Mỵ Nương.
Vâng! Ngày nay các doanh nghiệp nhà nước CS chọn nhà thầu quốc tế bằng cách y hệt như vậy, y như ông vua đểu cán Hùng Vương thứ 18 kia vậy. Vẫn trên danh nghĩa là “đấu thầu công khai”, tuy nhiên phía chủ đầu tư đưa ra điều kiện một cách thiên vị như “đo ni đóng giày” cho nhà thầu mà họ đã chọn trước. Cuối cùng, các nhà thầu khác hoặc bỏ cuộc hoặc mất điểm để một nhà thầu được trúng thầu.
Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – PV POWER làm chủ đầu tư được tổ chức đấu thầu quốc tế, đây là gói thầu EPC. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1 tỷ đô la và công suất dự kiến của nhà máy là 1.500MW. Hiện có 3 nhà thầu muốn tham gia đấu thầu gói cung cấp tua bin khí là: GE của Mỹ, Mitsubishi Power của Nhật, Siemens Energy của Đức. Tuy nhiên, phía PV POWER đã đưa ra điều kiện trúng thầu là loại tua bin khí 9000HL – 50Hz do nhà thầu chào cho dự án phải đã được cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại.
Với điều kiện đó, Siemens Energy bị loại vì tua bin khí 9000HL – 50Hz của Siemens là công nghệ mới, dự kiến đưa vào vận hành thương mại năm 2022 nên họ chưa có tổ máy nào vận hành thương mại trước đó để đáp ứng điều kiện mà PV POWER đưa ra. Xem như Siemens Energy rớt đài và Mitsubishi Power cũng chịu chung số phận. Thế là nhà thầu GE thành kẻ độc diễn.
Thật ra các nhà thầu của Nhật và Đức họ là những nhà thầu lừng danh thế giới chứ chẳng phải tay mơ. Nếu GE có lợi thế này thì Siemens Energy và Mitsubishi Power lại có lợi thế khác. Nếu Sơn Tinh có tài dời non lấp bể thì thủy tinh cũng có tài hô mưa gọi gió. Cho nên, để công bằng thì nên liệt kê hết mọi ưu điểm của các nhà thầu và quy ra điểm số hoặc quy ra điều kiện tương đương để chọn “rể” sao cho công bằng thay vì ra điều kiện ưu ái người này mà cố ý loại bỏ ưu điểm người kia khiểu Vua Hùng thứ 18. Đó cũng là thông lệ của các chủ dự án đã làm trên khắp thế giới để đảm bảo có sự cạnh tranh công bằng mang lại cái lợi về giá cho phía chủ đầu tư nhưng PV POWER lại không chịu áp dụng. Vậy PV POWER có ý đồ gì?
Ai cũng biết, có cạnh tranh thì khách hàng mới có lợi. Nếu PV POWER ra điều kiện cho cả 3 nhà thầu đấu nhau thì chính PV POWER có lợi về giá tại sao họ không làm? Để biết nguyên nhân hãy tham chiếu những công trình tương tự trên khắp thế giới và trong khu vực trong những năm gần đây thì sẽ rõ:
Công trình thứ nhất, dự án Syr Darya Oblast, Uzbekistan. Hợp đồng EPC ký vào năm 2021, công suất 1.500MW nhưng có giá xây dựng 5 tỷ Yuan tương đương 777 triệu USD, loại tuabin khí của Mitsubishi. Tính ra suất đầu tư của công trình là 518 ngàn USD/MW;
Công trình thứ nhì, nhà máy nhiệt điện Java 1, Indonesia. Hợp đồng EPC ký vào năm 2018, công suất 1.760MW nhưng có giá xây dựng là 900 triệu USD, loại tuabin khí của GE. Tính ra suất đầu tư là 511 ngàn USD/MW;
Công trình thứ ba, nhà máy Komotini, Hy Lạp. Hợp đồng EPC ký năm 2021, công suất 877MW nhưng giá xây dựng là 375 triệu EURO tương đương 443 triệu USD, loại tuabin khí của Siemens. Tính ra suất đầu tư là 505 ngàn USD/MW;
Công trình thứ tư, Alor Gajah, Malacca, Lalaysia. Hợp đồng EPC ký năm 2017, công suất 2.242MW và có giá xây dựng 890 triệu USD, loại tuabin khí của GE. Tính ra suất đầu tư là 397 ngàn USD/MW;
Công trình thứ năm, Fujairah F3, UAE. Hợp đồng EPC ký năm 2020, công suất 2.400MW trị giá 750 triệu bảng Anh tương đương 977 triệu USD, loại tuabin khí Mitsubishi. Tính ra suất đầu tư 407 ngàn USD/MW;
Cuối cùng là công trình Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4. Vẫn là hợp đồng EPC, công suất 1.500MW trị gá 1 tỷ USD, PV POWER ưu ái chọn buabin khí GE. Tính ra suất đầu tư lên đến 667 ngàn USD/MW. Cao nhất trong các dự án tham chiếu. Suất đầu tư này cao hơn 29% so với công trình JSyr Darya Oblast của Uzbekistan và cao hơn 68% so với công trình Alor Gajah của Malaysia.
Đấu thầu là để tìm giá tốt và cung cấp dịch vụ đạt yêu cầu. Việc PV POWER mời thầu kiểu Vua Hùng thứ 18 chọn rể đã lộ rõ ý đồ. Đây thực chất là cách chỉ định thầu trá hình của PV POWER chứ chẳng phải đấu thầu gì cả. Mà chỉ định thầu thì nhà thầu sẽ có cơ hội độc quyền về giá. Và đó là lý do tại sao suất đầu tư Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 cao ngất ngưởng như vậy. Việc ưu ái để nhà thầu được trúng thầu giá cao thì mục đích là gì? Là để được lại quả. Bởi vì, nguồn vốn này của nhà nước mà? Dại gì không tìm cách móc cho vào túi?
Khi dự án xây dựng với giá đắt đỏ thì tất nhiên nhà nước sẽ bán điện cho dân với giá cao để sớm hoàn vốn. Vậy thì khác nào bọn PV POWER dùng thủ thuật này để móc túi dân? Tất cả đều là dân phải gánh chứ không ai khác./.
-Đỗ Ngà-
https://vtc.vn/bo-cong-thuong-de-nghi-pv-power-giai-quyet…
https://www.seetao.com/details/56026.html
https://www.thejakartapost.com/…/ge-samsung-granted…
https://www.marketscreener.com/…/Motor-Oil-Hellas…/
Leave a Comment