Nguyễn Vũ Bình – RFA
Phong trào Dân chủ Việt Nam đã hình thành và phát triển hàng chục năm qua. Nếu tính từ khi giới trí thức miền Bắc lên tiếng phản biện, cũng đã hơn 30 năm. Từ năm 2007, bắt đầu có những cuộc biểu tình đầu tiên, đến nay cũng đã gần 15 năm. Số người tham gia vào việc phản biện, vào công cuộc đấu tranh không phải là ít, số người ủng hộ hiện nay cũng rất lớn. Tuy nhiên, phong trào dân chủ hiện nay không có những người có ảnh hưởng như các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh hồi đầu thế kỷ XX. Liệu có phải những người trí thức dấn thân ngày nay không có đủ dũng khí và trí tuệ như các Cụ thời trước, hay vì lý do nào?
Trước hết là vấn đề nhận thức, mục tiêu đấu tranh của các Cụ đầu thế kỷ XX, nổi bật là hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đó là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Đây là mục tiêu có sự đồng thuận rất cao. Một đứa bé ra đời ngay khi có nhận thức đã nhận biết được tình trạng mất nước, nô lệ của dân tộc. Lớn lên đều được chứng kiến những phận đời cực khổ của thân phận nô lệ, mất nước. Nhu cầu giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách nô lệ là nhu cầu tự nhiên, thường trực trong bản thân mỗi con người Việt Nam. Chính vì vậy, khi có những người tiên phong đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thì việc ủng hộ họ cũng là điều rất tự nhiên.
Ngược lại, công cuộc đấu tranh dân chủ trong chế độ toàn trị cộng sản lại là vấn đề khác hẳn. Với hệ thống tuyên truyền một chiều, nội dung giáo dục phản khoa học trên nền một xã hội bị kiểm soát toàn diện, nhận thức về đấu tranh và mục tiêu cuộc đấu tranh là vấn đề vô cùng khó khăn, nan giải. Những người lên tiếng, đấu tranh đã phải chống lại không chỉ với hệ thống tuyên truyền, hệ thống chính trị của chế độ mà còn phải vật lộn về nhận thức, quan điểm với người thân, gia đình và bạn bè. Đó mới chỉ là nhận thức về việc đấu tranh và mục tiêu cao nhất là đấu tranh để dân chủ hóa đất nước. Đi vào phương pháp, phương thức đấu tranh, các mục tiêu của cuộc đấu tranh, chiến lược chiến thuật… lại là một vấn đề cũng vô cùng nan giải. Việc đấu tranh và cách thức đấu tranh đều do mỗi người tự nhận thức, trên cơ sở những tri thức được giáo dục dưới chế độ cộng sản (những tri thức thiếu hụt và phiến diện) dẫn tới tình trạng tự phát và không thể thống nhất được. Vậy nên, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ XX dễ dàng nhận được sự ủng hộ bao nhiêu thì công cuộc đấu tranh dân chủ trong chế độ cộng sản lại khó khăn bấy nhiêu.
Bối cảnh xã hội nửa đầu thế kỷ XX cũng khác hẳn bối cảnh Việt Nam trong chế độ toàn trị cộng sản. Tự do ngôn luận, tự do báo chí cùng nhiều thứ tự do khác thời Pháp thuộc hoàn toàn không có trong chế độ toàn trị cộng sản. Hệ thống kiểm soát trên nhiều phương diện của con người, trải dài từ khi con người mới sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời là đặc trưng, đặc sản của chế độ toàn trị. Hệ thống này đã vận hành khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước dẫn tới sự tê liệt trong tư duy phản kháng của con người. Không những vậy, nó cũng đe dọa trực tiếp những sự ủng hộ của người dân dành cho những người phản tỉnh, lên tiếng và đấu tranh.
Cuối cùng, kinh nghiệm và sự thâm hiểm trong việc cài cắm, khống chế người đấu tranh của nhà cầm quyền trong việc gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ cũng góp phần không nhỏ khiến cho sự đồng thuận và sự ủng hộ của người dân dành cho phong trào dân chủ không được như mong muốn.
Thời gian gần chục năm qua, do sự phát triển của hệ thống Internet và hệ thống mạng xã hội, những khó khăn, hạn chế nêu trên dần được khắc phục phần nào. Phong trào dân chủ đang góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân dù gặp phải những đàn áp nặng nề từ phía nhà cầm quyền. Chúng ta hi vọng, cùng với những thay đổi về nhận thức, sự đồng thuận sẽ ngày càng tăng cao, ảnh hưởng của phong trào dân chủ và những cá nhân tiêu biểu cũng sẽ ngày càng được mở rộng, nâng cao./.
Hà Nội, ngày 15/9/2021
N.V.B
Leave a Comment