Nguyễn Hùng – VOA
Giữa trăm nỗi khổ thời Covid-19, nỗi khổ mới nhất của người dân tại Việt Nam là tiêm vắc-xin rồi nhưng hệ thống lại báo chưa tiêm. Hoặc có người đã tiêm hai mũi nhưng hệ thống báo có mỗi một.
Vậy làm sao để tình trạng này không xảy ra?
Thứ nhất có giải thích trên báo chí là một số người dùng một số điện thoại di động để đăng ký tiêm cho nhiều người nên hệ thống chỉ đăng ký có một. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại dùng số điện thoại chứ không phải là số chứng minh thư nhân dân hay số hộ chiếu. Ngoài ra có những thông tin cá nhân khác khó trùng lặp như ngày, tháng, năm sinh và quê quán có thể được dùng thay vì số điện thoại.
Những giải thích khác về sai lệch thông tin tiêm chủng Covid-19 được nêu ra với báo Thanh Niên là các thông tin không khớp nhau sau khi được tổ hợp lại trong Cổng thông tin tiêm chủng; địa điểm tiêm, một trong những nội dung cần có để lấy chứng nhận điện tử, cũng không khớp do dịch vụ tiêm lưu động đi qua nhiều nơi khác nhau.
Nhưng sao lại cần tới địa điểm tiêm để lấy chứng nhận? Địa điểm tiêm có gì quan trọng mà bắt người dân điền vào cho vừa tốn công, vừa quá tải hệ thống lại vừa dễ nhầm lẫn. Đây là một ví dụ nữa về chuyện giới hữu trách ở Việt Nam thường đưa ra những đòi hỏi để “hành là chính” chứ không phục vụ bất kỳ mục đích gì.
Để so sánh, tôi thử tải về chứng nhận đã tiêm hai mũi vắc-xin tại Anh. Sau khi tải app của hệ thống y tế Anh, có tên NHS, tôi phải điền họ tên đầy đủ, ngày/tháng/năm sinh và nơi ở. Họ cũng đòi có địa chỉ thư điện tử để gửi mã an ninh qua đó cho tôi điền vào và tương tự với số điện thoại di động.
Sở dĩ tôi phải điền nhiều thông tin như vậy vì lâu ngày tôi quên luôn số NHS của chính mình. Ở Anh, ai cũng có số NHS, từ đứa trẻ mới sinh ra tại Anh tới người nhập cư vào vương quốc này. Và do không nhớ số NHS, họ đòi tôi phải chụp trang hộ chiếu rồi thu vài giây video rõ mặt để họ so với ảnh trên hộ chiếu. Chỉ vài phút sau họ đã so sánh xong và thông báo luôn cho tôi số NHS mà tôi quên.
Trừ hai lần tiêm vắc-xin gần đây, lâu lắm tôi không dùng dịch vụ gì của NHS nên đây là lần đầu tiên tôi tải về app của hệ thống y tế Anh. Mục đích tải về cũng không phải để dùng dịch vụ mà là lấy thông tin viết bài hầu quý vị.
Tải app xuống mới thấy có thể xem và đổi hẹn với bác sỹ, xem các thuốc mình đã được kê đơn và xem hồ sơ sức khoẻ lưu tại phòng khám mà tôi đăng ký. Vào phần các cuộc hẹn tôi thấy thông tin tôi đã được y tá Judith Arthur tiêm mũi vắc-xin đầu tiên trong cuộc hẹn kéo dài năm phút bắt đầu lúc 3:40 chiều 1/4/2021 và y tá Jade Bolton tiêm mũi thứ hai lúc 2:10 hôm 15/6. Quả thực tôi không nhớ tên hai y tá này nếu không vào app.
Khi tới phần ‘Your health’, tức ‘Sức khoẻ của quý vị’, ngay đầu trang là đường dẫn tới nơi tải về chứng nhận đã tiêm hai mũi vắc-xin Covid-19 có mã QR đi kèm. Họ cho tải về điện thoại và cũng cho nhận qua thư điện tử. Tôi chọn cả hai và kèm ở đầu bài này ảnh chụp bản chứng nhận mà tôi đã xoá mã QR. Trên bản chứng nhận ghi rõ tên vắc-xin, số hiệu lô vắc-xin và trung tâm phụ trách tiêm chủng, chứ không phải nơi tôi tiêm. Thêm một ví dụ nữa cho thấy nơi tiêm không có ý nghĩa gì mà phải đòi hỏi người ta nhớ.
Tôi hiểu Việt Nam có lẽ còn cách xa Anh nhiều thập niên về chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân nhưng không khó gì chuyện cấp cho mỗi người một số chăm sóc sức khoẻ. Mỗi một số độc nhất vô nhị cho mỗi người cộng với hệ thống lưu trữ điện tử sẽ khiến cho thông tin về sức khoẻ của người dân vừa dễ cập nhật lại vừa dễ truy cập mỗi khi cần tới. Tại Anh tôi không thấy các nhà lãnh đạo hô 4.0 nhiều lắm. Họ chỉ làm thôi.
Leave a Comment