Người ta ví CS như là anh mù nhưng lại thích thể hiện, ngoan cố không chịu nghe ai khuyên bảo, không chấp nhận bất kì ai chỉ đường. Không có mắt nhưng lại thích xung phong “đi tắt đón đầu”. Vậy nên anh mù liên tục bị lọt hố hoặc va phải cây hoặc đập đầu vào đá. Cứ mỗi lần sụp hố lại phải bỏ công sức để gắng gượng mò lên miệng hố hô khẩu hiệu “đảng ta đã thực hiện được thắng lợi”. Khi va phải đá ngã sấp mặt thì lại phải cố dồn sức đứng dậy và lại cũng hô khẩu hiệu “đảng ta đã làm nên thắng lợi nối tiếp thắng lợi”. Và cứ thế mà đảng ta cứ “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chính vì quá nhiều cái “thắng lợi” như thế mà đảng đã làm hoang phí nỗ lực của toàn dân từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Đấy là tính ngoan cố với sai lầm của người CS. Cái gọi là “cải cách” năm 1986 của Nguyễn Văn Linh thực chất là hành động sửa sai cho đường lối kinh tế cực đoan kiểu ngăn sông cấm chợ, loại bỏ kinh tế tư nhân trong thời gian dài trước đó. Tức đó chỉ là hành động nỗ lực để leo lên miệng hố hay là hành động đứng dậy sau cú ngã sấp mặt thôi chứ chẳng phải là sáng tạo gì ráo. Nhưng rồi thì sao? ĐCS lại tung hô chính sách sửa sai ấy là một “thắng lợi rất vĩ đại đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói”. Ủa? Vậy chứ ai đã đưa toàn dân đến với nghèo trước đó?! Là đảng, tuy nhiên ĐCS lại lờ đi. Gian manh và khôn lõi đến thế là cùng.
Thực ra cái việc làm gọi là “tiên phong” của ĐCS Việt Nam ấy cũng là một hình thức bắt chước. Nguyễn Văn Linh bắt chước mô hình “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” của Đặng Tiểu Bình, và cho đến nay, hễ Trung Quốc làm gì thì Việt Nam làm theo y hệt như thế. Luật an ninh mạng và luật đặc khu là hai đạo luật được Trung Cộng thực hiện bên Trung Quốc, với độ trễ từ 2 đến 5 năm thì nó được triển khai ở Việt Nam. Và cho đến hôm nay, quy trình chống dịch cũng bê nguyên xi từ Trung Quốc áp vào Việt Nam. Ngay cả quy trình cấp giấy đi đường cũng bê nguyên xi từ Trung Quốc.
Sự bắt chước khác với sự học hỏi là hoàn toàn khác nhau. Bắt chước là hành động của con khỉ, con vẹt. Nó chỉ thấy thế nào là làm theo thế đấy chứ không biết dùng não để loại bỏ những thứ không phù hợp với mình. Học hỏi là nhìn những gì người ta làm, sau đó là dùng não để phân tích và chọn lọc. ĐCS nói chung và lãnh đạo CS nói riêng đều mang đầu óc loài khỉ-vẹt, vậy nên họ chỉ biết bắt chước mà không biết học hỏi. Người khác thành công cũng cho ta bài học và người khác thất bại cũng cho ta bài học. Rút ra bài học từ cả lúc thắng lẫn lúc bại là phong cách của người có trí tuệ, còn nhắm mắt làm theo như loài khỉ – vẹt cộng với thói hung hăng ưa vũ lực thì đó cách hành xử của loại võ biền mà thôi. ĐCS là nơi quy tụ một đám võ biền làm lãnh đạo. Động chút là vung súng ống bắt bớ mà không biết suy xét điều người ta nói đúng hay sai.
Không tự tin với trí tuệ nó sinh ra thói quen bắt chước. Bắt chước nếu mang lại thành công thì tự vỗ ngực nói rằng “ta sáng suốt, ta tài tình”, nếu thất bại thì đổ lỗi cho thằng dẫn đầu. Đấy là phong thái của kẻ vừa hèn, vừa ngu dốt vừa cơ hội. Lãnh đạo CS hầu hết là loại như thế. Với chính sách xét nghiệm toàn thành phố và đặt ra đủ thứ giấy đi đường đã đưa TP. HCM đến với tình trạng tan hoang rõ như ban ngày. Kinh tế kệt quệ, doanh nghiệp giải thể hàng loạt, dân bị bỏ đói phải tháo chạy một cách bất chấp, y tế quá tải lo không xuể nên đẩy tỷ lệ tử vong lên cao ngất ngưởng. Chính sách dập dịch của TP. HCM cuối cùng lại tạo môi trường lý tưởng cho dịch bùng phát. Kết quả, không những không dập được dịch mà ngược lại thành phố bị dịch dập cho tơi tả. Đã thế mà Hà Nội lại còn bắt chước thì có thể nói là không thể hiểu nổi tại sao con người CS lại khỉ-vẹt đến như vậy?!
Với vai trò người ra chính sách chống dịch cho thành phố, ông Chu Ngọc Anh có 2 lựa chọn hoặc là lặp lại sai lầm của lãnh đạo TP. HCM hoặc ra chính sách mới hoàn toàn. Nếu đi theo vết xe đổ của TP. HCM thì chắc chắn thất bại. Ông Chu Ngọc Anh đang đặt bánh xe của cỗ xe TP. Hà Nội dẫm đúng vết xe của cỗ xe TP. HCM đã đi qua. Hãy dừng ngay, bây giờ vẫn chưa phải là quá muộn. Đừng ngoan cố để rồi dân Hà Nội phải trả giá bằng cái đói và bệnh dịch ập đến cùng lúc.
Về phần dân, thì đừng hy vọng sự làm khác trong con người CS mà hãy biết áp lực thật mạnh để buộc họ làm theo ý. Đoàn kết thật mạnh và phải làm cho thật dữ. Với trí tuệ khỉ – vẹt thì ĐCS không thể có tư duy học hỏi được. Ngay từ ngày giành lấy độc quyền cai trị, ĐCS Việt Nam đã cho thấy nó chỉ biết bắt chước, bắt chước và bắt chước mà thôi. Với một nhà nước ngoan cố với những sai lầm cố hữu như thế mà dân chỉ biết ngoan hiền thì đừng hòng họ thay đổi. Nếu dân không áp lực thật mạnh thì chính dân sẽ gánh chịu “từ khổ cực này đến khổ cực khác” mà thôi. Để có được sự phục vụ, dân Việt phải biết làm dữ. Không biết làm dữ thì cả dân tộc không xứng đáng được hưởng sự phục vụ của chính quyền. Vậy thôi, số phận của một dân tộc thì do dân tộc đó tự chọn./.
-Đỗ Ngà-
Đọc thêm:
https://vnexpress.net/ha-noi-xet-nghiem-toan-bo-dan-cu…
https://kenh14.vn/anh-un-tac-tai-chot-kiem-soat-vung-do…
https://www.youtube.com/watch?v=HsBLq0gnEXk
https://www.youtube.com/watch?v=TKkH-tJYkKc
https://www.youtube.com/watch?v=Rx5ilkRo94I
#csvnchốngdịch #ChuNgọcAnh
Leave a Comment