Theo số liệu ngân hàng thế giới thì số bác sĩ tính trên 1.000 dân tính trung bình cho cả thế giới là 1,7 bác sĩ/1.000 dân, trong khi đó Việt Nam chỉ có 0,8 bác sĩ/1.000 dân, ít hơn một nửa so với mức trung bình thế giới. Nước Venezuela, một nước nghèo ở Nam Mỹ mà vẫn có 1,9 bác sĩ/1.000 dân, gấp 2,4 lần Việt Nam. Thường thì số lượng bác sĩ cao thì số lượng y tá, điều dưỡng và dược sĩ cũng cao tương ứng.
Nếu hạ tầng y tế thiếu thốn thì đào tạo ra nhiều nhân lực cho ngành y thì cũng chỉ để… thất nghiệp. Việc đào tạo ra bác sỹ, y tá, điều dưỡng và dược sĩ vv.. là vấn đề của Bộ giáo dục. Trên thế giới, để đào tạo được một bác sĩ thì chi phí rất tốn kém và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nếu sinh viên ngành y không được trợ giá đào tạo thì học phí cao ngất ngưởng, mà học phí cao cũng là rào cản đối với vấn đề nhập học của những sinh viên nghèo (chiếm đa số trong xã hội Việt Nam). Được biết, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục năm 2021 chỉ có 7.128 tỷ đồng, tương đương 310 triệu đô la Mỹ, chưa bằng 1/13 ngân sách cho Bộ công an thì phát triển giáo dục thế nào được?
Để phát triển ngành y tế thì chính quyền phải thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, đồng bộ từ bộ giáo dục đến bộ y tế. Chính quyền phải trợ giá giáo dục để trường có đủ điều kiện đào tạo nhiều bác sĩ hơn và sinh viên nghèo cũng có thể tiếp cận với trường y và cũng để nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa. Vậy thì với ngân sách 310 triệu đô làm sao làm nhà nước CS được điều đó? Song song với giáo dục thì ngành y tế cũng chi ra xây nhiều bệnh viện công hơn nữa, đầu tư thêm nhiều thiết bị tốt để tiếp nhận phần nhân lực tăng lên do ngành giáo dục đào tạo ra. Với ngân sách 400 triệu đô làm sao làm những điều lớn lao như thế được?
Với ngân sách chi cho giáo dục chưa tới 1/13 ngân sách cho công an và chi cho y tế chưa tới 1/10 so với chi cho công an thì ngành y yếu toàn diện là đúng. Bác sĩ thiếu, bệnh viện thiếu, thiết bị y tế thiếu vv… đấy là điều khó tránh khỏi. Việc bệnh viện quá tải là vấn đề nan giải từ nhiều thập kỷ qua chứ không phải mới đây. Để một bác sĩ học, tốt nghiệp và hành nghề thì nhanh nhất là mất 7 năm, vậy thì chỉ cần trong 1 thập kỷ, nhà nước vừa tăng ngân sách cho y tế và giáo dục để 2 ngành này đầu tư vào đào tạo và xây dựng hạ tầng y tế đất nước thì y tế giờ này đã khác. Có thể nói rằng, y tế Việt Nam vừa yếu vừa thiếu không phải nhà nước CS không làm được mà là họ không muốn làm. Họ đặt đủ thứ sưu cao thuế nặng nhưng tiền ấy rót vào đâu? Tiền ấy chỉ để rót vào túi bọn tham nhũng, rót vào tượng đài ngàn tỷ, rót vào cổng chào trăm tỷ và rót vào công an để bảo vệ chế độ, còn y tế và giáo dục thì ăn những đồng tiền thừa ít ỏi trong khối tiền lãng phí ấy.
Vì sao ĐCS không quan tâm đến nghành giáo dục? Vì lãnh đạo CS từ trung ương đến địa phương đã có đủ tiền cho con du học Âu – Mỹ thì họ trích ngân sách để cho giáo dục làm gì? Tuy không nói ra nhưng tự trong suy nghĩ của quan chức CS họ đã xem giáo dục Âu – Mỹ là “giáo dục quý tộc” dành cho giới có quyền lớn và tiền nhiều ở Việt Nam. Giáo dục Việt Nam hiện nay được lãnh đạo CS xem như là giáo dục dành cho “thứ dân” thì họ đầu tư nhiều làm gì? Để bọn “thứ dân” nó học trong môi trường giáo dục tồi tàn với nền tảng tri thức nghèo nàn thì đảng mới dễ cai trị chứ?! Nên đảng không đầu tư, và chắc chắn trong tương lai, giáo dục cũng không cải thiện.
Vì sao ĐCS không quan tâm đến ngành y tế? Vì lãnh đạo CS từ trung ương đến địa phương đều đã chọn y tế ngoại quốc làm nơi chữa trị. Các quan chức CS khi có bệnh thì sang Singapore chữa trị, xa hơn là sang Nhật chữa trị, còn cao cấp hơn nữa là sang Mỹ chữa trị như Nguyễn Bá Thanh chẳng hạn. Bộ y tế Việt Nam chỉ quản lý ngành sức khỏe đại chúng, một loại sức khỏe của hạng “thứ dân”, còn quan chức cấp trung ương đảng trở lên thì có Ban Bảo Vệ, Chăm Khóc Sức Khỏe Trung Ương lo liệu, ban này chuyên chăm lo sức khỏe đám “quý tộc CS”. Nó sở hữu những bệnh viện tốt nhất Việt Nam và có đủ điều kiện để đưa các quan chức cấp cao ra nước ngoài chữa trị nếu cần. Khi y tế “thứ dân” và y tế “quý tộc” tách rời nhau thì không lý gì bọn “quý tộc” lại lo cho y tế “thứ dân” vì trong phần “thứ dân” không có phần “quý tộc”. Vậy nên không có chuyện đảng lo cho y tế đại chúng tốt như các nước dân chủ được, không bao giờ.
Sự kiêu ngạo, xem thường nhân dân nó đã đưa đến những yếu kém ngày hôm nay. Đại dịch ập đến chỉ làm lộ rõ hơn yếu kém vốn có của nó mà thôi chứ thực chất yếu kém ngành y nó kéo dài quan nhiều thập kỷ rồi. Những gì thuộc về “thứ dân” thì đảng chỉ có thể khai thác chứ họ tự xem họ không có trách nhiệm phục vụ. Những điều sai lầm trong những tháng ngày chống dịch vừa qua đã đẩy dân đến sự khốn cùng chưa từng có, tuy nhiên chính quyền CS vẫn không thay đổi theo những gì dân góp ý. Trước một chính quyền như thế thì cái đau khổ này không những đổ lên đầu dân mà còn đổ lên đầu những người ở tuyến đầu chống dịch. Nói cho cùng thì những người ở tuyến đầu trong mắt đảng thì cũng là “thứ dân” chứ chả phải là “quý tộc” như người của đảng. Những người tuyến đầu sẽ bị trừng phạt nếu không làm hài lòng đảng dù rằng trước đó họ đã vắt kiệt sức mình để góp phần đẩy lùi dịch./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-quyet-129-2020-QH14…
Leave a Comment