Một câu hỏi đặt ra: Có bao nhiêu doanh nghiệp và cá mập bất động sản Việt Nam đang là sân sau của Trung Quốc? Và, khi tất cả các mũi nhọn kinh tế Việt Nam bị đóng băng do giãn cách, giới nghiêm thì việc gì sẽ xảy ra? Liệu có bàn tay cố vấn hay chỉ đạo nào từ Trung ương Cộng sản Trung Quốc trong việc thiết lập mô hình giãn cách tại thành phố Sài Gòn (rất giống với mô hình Vũ Hán năm 2020, cũng đầy chết chóc và rên xiết) rồi sau đó mang y mô hình này ra siết chặt thủ đô Hà Nội?
Bởi, nếu không giải quyết ba câu hỏi này, chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc một sớm một chiều. Việt Nam khác hẳn với Đài Loan, mặc dù Đài Loan là quốc gia bị Trung Quốc công khai ghép vào lãnh thổ, đưa vào cơ chế quản lý hành chính nhưng Đài Loan không bị thao túng kinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh địa ốc, gần như sạch bóng Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, một quốc gia độc lập nhưng lại bị phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc và đặc biệt, lĩnh vực địa ốc bị dính câu Trung Quốc quá nặng.
Trong khi đó, những ngày Sài Gòn bị bó gối, kinh tế đang có xu hướng kiệt quệ, Hà Nội cũng bắt đầu mỏi sau gần hai năm đối phó với dịch, 61 tỉnh thành còn lại, chỉ có Cao Bằng tuyên bố chưa có ca nào vì Cao bằng giữ giãn cách ngay từ đầu và kinh tế Cao Bằng thì hình như không có ảnh hưởng gì mấy đến nền kinh tế quốc gia. Các thành phố trọng điểm, nói như cựu Thủ tướng Phúc là “các đầu tàu kinh tế” đang có nguy cơ suy sụp.
Từ đầu năm đến nay, theo tổng hợp từ các báo nhà nước, đã có đến hơn 85.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã chính thức đóng cửa và chạm nguy cơ tuyên bố phá sản nay mai do ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội. Và, khi các doanh nghiệp tự thân, các “tư bản dân tộc” này đóng cửa thì liền sau đó, có những doanh nghiệp mà doanh nhân chủ chốt của nó được cho là sân sau của Trung Quốc bắt đầu nổi lên với hai hoạt động chính là làm từ thiện và ra sức công phá các nhóm nghệ sĩ đã làm từ thiện. Song song với việc này là ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát giao thông hàng hải trên Biển Đông. Có thể nói rằng hiện tại, quốc gia đang lâm nguy với hai mũi ngoại công và nội kích.
Thử đặt câu hỏi: Ai đang đứng sau những kế hoạch giãn cách, cách ly xã hội mà trên thực tế là siết chặt giới nghiêm và đẩy thành phố Sài Gòn đến chỗ như đang thấy hiện tại? Và, tại sao không phải là các thành phố khác mà Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương là những nơi bị vỡ trận nặng nề do Covid-19 bùng phát (sau khi người ta tổ chức đón lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, rồi sau đó là một kì bầu cử hết sức vô nghĩa, phi lý ngay giữa lúc dịch đang hoành hành mà lẽ ra, kỳ bầu cử này phải được bầu bằng điện tử hoặc có thể dời lại một, hai năm nữa sau khi mọi thứ đã ổn định)? Và, hai cái lễ kia có phải là bước đệm cho kỳ bầu cử đầy tai ương mà sau đó chưa đầy một tháng, ngày 31 tháng 5, thành phố Sài Gòn phải đóng cửa, siết chặt giới nghiệp cho đến hôm nay?
Liệu có bàn tay nào từ Trung ương Cộng sản Trung Quốc đứng sau cuộc bầu cử kia hay không? Và liệu có bàn tay nào từ Cục Tình báo Hoa Nam đứng sau những đòn đánh thẳng vào giới showbiz Việt, một giới được xem là có khả năng chi phối giới trẻ Việt Nam mạnh nhất, có thể động viên, kêu gọi hoặc chi phối giới trẻ Việt Nam ở các thế hệ 19x, 20x? Liệu khi các ngôi sao này bị khán giả quay lưng, khi nền kinh tế bị đổ vỡ, khi đời sống nhân dân bị kiệt quệ, và các nhà doanh nghiệp sân sau Trung Quốc nổi lên như một cứu tinh quốc gia thì chuyện gì sẽ xảy ra? Và trong Ban Cố vấn chống dịch, liệu có một bàn tay nào đó đang thao túng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động bấy lâu nay?
Và điều đáng sợ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (và cả một số ngân hàng) đều phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ việc giao thương hàng hóa cho đến tín chấp bất động sản vay vốn. Giả sử các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản thì các tín chấp có dính đến yếu tố Trung Quốc sẽ được giải quyết ra sao? Trả nợ bằng cách nào khi nền kinh tế sụp đổ? Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã nợ Trung Quốc bao nhiêu tỉ USD? Và còn bao nhiêu công trình xã hội, công trình nhà nước, công trình phúc lợi xã hội của Việt Nam đang nợ vốn Trung Quốc? Khi nền kinh tế Việt Nam không còn khả năng trả nợ thì Việt Nam giải quyết các khoản nợ này như thế nào với Trung Quốc? Liệu, luận điệu “phải cứu nền kinh tế Việt Nam” bằng cách tăng cường các mối quan hệ với quốc gia đàn anh, tăng cường giao lưu kinh tế, xuất khẩu nông sản để tồn tại có phải là cái cớ để người Trung Quốc có cơ hội làm mưa làm gió trong tư thế chủ nợ tại Việt Nam?
Và nếu tình trạng này xảy ra, thì người Việt khoan vội vui mừng khi Hoa Kỳ thuê đất 99 năm để xây Đại Sứ Quán tại Hà Nội. Bởi lúc đó, không chừng quĩ đất này cũng sẽ bị chuyển nhượng để trả nợ cho Trung Quốc, thu các khoản chi phí của người Mỹ là người Trung Quốc. Bởi ngay lúc này, nếu Việt Nam bị động, yếu ớt, rệu rã về kinh tế và hỗn loạn chính trị, thì ngay tức khắc, đây sẽ là miếng mồi ngon cho cả Mỹ và Trung Quốc, bởi chúng ta đã rơi vào luật chơi của đại dương trong tư thế của cá cơm, cá ngừ trước sự gờm nhau giữa cá mập và cá voi.
Với tình trạng hiện tại, khi mà quân đội phải chi phối quá nặng cho việc “an dân” ở các thành phố lớn, đời sống kinh tế ngày càng lụn bại, mũi nhọn chủ chốt lúc này là nông nghiệp đang bị khóa chặt do đại dịch, các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu chỉ nhỏ giọt, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ… Thì nguy cơ nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ đang đến rất gần.
Đáng tiếc là trước đây Việt Nam từng được xếp trong nhóm đầu bảng xếp hạng phòng chống dịch của thế giới, lúc đó, New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới theo xếp hạng của Viện Nghiên cứu Lowy của Australia thì đến nay, con số do Nikkei ASIA tuyên bố, Việt Nam rơi vào vị trí 121 trong bảng xếp hạng các quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới. Một bước nhảy lùi cả thế kỉ, thật đáng sợ!
Nhưng, dường như các hành xử chủ quan, duy ý chí không những giảm bớt mà còn tăng cường, nặng nề hơn. Từ việc phân vùng xanh, vùng đỏ, chặn dân và hành xử hổ báo ở một số nơi, thậm chí bất chấp mọi thứ quyền của con người, xông thẳng vào nhà, đập vỡ cửa bắt chủ nhà đi cách ly khi nghi người đó là F1 (trường hợp xảy ra ở Nghệ An). Và đáng sợ hơn cả là chính sách tuyên truyền đầy sắc máu, thù hận, biến những người nhiễm bệnh trở thành thần chết, bóng ma ôn dịch và có thể bị chính người thân, cộng đồng của mình xua đuổi, hất hủi (ngay trong chỉ thị 16 qui định “người cách ly người”, một kiểu pháp điển hóa bóng ma ôn dịch ở người thân, người trong gia đình, làm cho người xa lánh người).
Chưa đủ, thêm chuyện giấy tờ đi đường, đủ các loại giấy tờ, đủ các kiểu tiêu cực trong giấy tờ và hầu hết các loại giấy tờ ban hành đều có chung một xu hướng là khóa ở mức cao nhất các hoạt động kinh tế trong nước. Như vậy, nhà nước, chính phủ đã đi đến hai kết quả thấy rõ: Người dân quay mặt với cộng đồng bởi bóng ma ôn dịch và thỏa hiệp với các hoạt động bắt bớ, khủng bố tinh thần, biến nạn nhân bị nhiễm dịch thành kẻ nguy hiểm của xã hội. Khóa chặt các hoạt động kinh tế và đưa quân đội vào cuộc để một mặt phòng chống các thế lực dân chủ nổi dậy, phòng chống tình trạng nhân dân nổi dậy cướp kho thóc vì đói, bức bách. Và quản lý, điều hành các vùng theo kiểu chuồng trại.
Tôi tin rằng nhà nước, chính phủ không cố tình đẩy nhân dân, đất nước đến tình trạng hiện tại, và cũng chẳng có nhà nước, chính phủ nào đủ dại dột để đạp đổ nền kinh tế, phá nát lòng dân. Bởi làm vậy, chết trước tiên sẽ là nhà nước, chính phủ. Nhưng, sự lo lắng về một thứ âm mưu nào đó đã lồng ghép trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam để đẩy dần đất nước đến chỗ bệ rạc, phụ thuộc và cuối cùng là nô lệ cho Trung Quốc không phải là không có cơ sở!
Chỉ có một cách duy nhất để cứu căn nhà đang cháy của chúng ta: Rút bỏ ngay tức khắc các ống nước chữa lửa vốn chứa hóa chất gây cháy và thay ngay các vòi nước được lấy từ sông ngòi, ao hồ, thậm chí cả những thau nước cộng hưởng để chữa cháy, để cứu căn nhà đang dần lớn lửa và có nguy cơ thiêu rụi nếu gặp gió. Nếu không kịp thời làm vậy, mối nguy nô lệ Trung Quốc đang rình rập chúng ta!
Leave a Comment