Ngô Nhân Dụng – VOA
Mấy tiểu bang ở Mỹ cấm các trường không được bắt học sinh đeo mạng che miệng. Họ bảo phòng ngừa bệnh dịch Covid-19 là chuyện riêng tư, phải để phụ huynh quyết định lấy. Ở Trung Quốc thì khác; chính phủ cấm trẻ em không được chơi trò điện tử (video games) ngoài những giờ ấn định. Trước khi ra lệnh họ không hỏi các phụ huynh nghĩ thế nào.
Hai hệ thống chính trị sử dụng quyền hành theo cách khác nhau. Bên Mỹ, nhà nước can thiệp vào cuộc sống của dân càng ít càng tốt. Bên Trung Quốc, nhà nước cho mình có trách nhiệm quy định cả những chuyện nhỏ nhặt trong các gia đình.
Theo lệnh mới của đảng Cộng sản Trung Quốc, từ nay “trẻ em dưới 18 tuổi” chỉ được chơi “games” ba giờ mỗi tuần, từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong ba ngày Thứ Sáu đến Chủ Nhật.
Chắc phần lớn phụ huynh Trung Quốc hoan nghênh. Nhờ ơn Đảng, con em sẽ bớt chơi games, chăm chỉ học hành. Người Việt chắc cũng vậy; vì hai nước đã sống dưới cùng một chế độ toàn trị. Nhà nước cộng sản can thiệp vào mọi chuyện, sau hai, ba thế hệ thành nếp rồi. Trước đây nhà nước vẫn quy định một tuần mỗi người được ăn mấy chén gạo, ăn mấy miếng thịt mỗi tháng, bao lâu được thay một cái quần đùi. Cả những chuyện yêu đương, cưới vợ, gả chồng cũng được Đảng góp ý kiến. Trẻ em nào được đi học, học trường nào, đều có tiêu chuẩn giai cấp rõ ràng. Bây giờ nhà nước chỉ nhúng tay vào chuyện trẻ em chơi games, không ai thấy là quá đáng.
Nhiều cuộc nghiên cứu thấy trẻ em chơi trò điện tử nhiều quá bị ảnh hưởng xấu. Nhiều em ghiền chơi games sao lãng việc học. Có em thích bạo lực, hung tợn hơn. Nhưng không thể kết luận rằng trò chơi điện tử nguy hiểm như bệnh dịch, cần cấm đoán triệt để. Chơi games không nguy hiểm chết người như từ chối đeo mạng.
Trẻ em thích các trò chơi điện tử vì nhiều nhu cầu tâm lý không thể thỏa mãn trong cuộc sống gia đình, trong trường học. Dự một trò chơi là bước vào một thế giới mới. Nhiều trò chơi đưa các em vào những cuộc phiêu lưu, gặp những khó khăn, chướng ngại. Mắt, tai, các ngón tay tập được những kỹ thuật mới. Vượt các thử thách, cảm thấy mình thành công, các em sẽ tự tin hơn.
Có những trò chơi điện tử đòi các em phải liên kết thành đội, với người lạ. Các em tập thói quen hợp tác và tranh đua, biết mình đang tiến bộ, chia sẻ vui mừng với các bạn đồng ngũ. Đó đều là những điều bổ ích cho tính khí lúc các em đang trưởng thành.
Trò chơi còn đáp ứng nhu cầu tâm lý của những em nhút nhát hoặc phải sống trong hoàn cảnh bất thường. Nhiều trẻ em đến trường bị bắt nạt, đe dọa, mà không dám nói. Nhiều em sống với cha hoặc mẹ không hiểu biết, hoặc cha mẹ bất hòa thường xuyên, các em không được ai chú ý tới. Gặp những lúc buồn bã, đau khổ, sợ hãi hay nổi giận, các em đành chịu đựng một mình. Những tình tự này không có chỗ giải thoát có thể mang thương tích tâm lý lâu dài. Chơi games là những giờ phút các em có thể quên các nghịch cảnh đó; được trốn vào những thế giới khác.
Cho nên nhà nước ấn định những giờ chơi games để cấm đoán trẻ em chưa chắc đã là một điều tốt. Chính quyền các nước Á Đông khác, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan không ban ra những lệnh cấm tương tự. Chắc vì người ta không thấy chơi games nguy hiểm đến mức phải can thiệp.
Nhưng Tập Cận Bình có chủ ý khác. Ông sẽ dạy cho 268 triệu trẻ em ở Trung Quốc tập một thói quen ngay từ lúc “chưa lớn khôn!” Các em tập sống với hình ảnh một đảng Cộng sản lúc nào cũng ở trên đầu mình! Nhìn lên trời là thấy Đảng ngự trị!
Điều này, Tập Cận Bình cũng muốn tất cả 1,400 triệu dân Trung Hoa học thuộc lòng không bao giờ quên. Vì vậy, thấy bất cứ cái gì có thể cấm được nhà nước Trung Cộng cấm ngay!
Tiêu biểu nhất là những lệnh cấm tất cả mọi người không được đề cao tên tuổi các “ngôi sao” trong các lãnh vực điện ảnh, truyền hình, ca nhạc. Trong tháng trước, có lệnh các mạng lưới phải ngưng không được cho công chúng góp ý kiến xếp hạng các tài tử, ca sĩ nữa. Dân lên mạng không được phê phán, bỏ phiếu bầu các nghệ sĩ coi ai hơn ai kém. Điều đáng ngạc nhiên nhất là mệnh lệnh đó do “Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương” (中央纪律检查委员会) đưa ra. Nhiệm vụ của ủy ban này đúng ra là lo giữ kỷ luật trong đảng; quan trọng nhất là chống tham nhũng, hối lộ. Bây giờ Ủy ban lo ngăn không cho các nghệ sĩ được đề cao nổi bật lên, chỉ vì quần chúng hâm mộ. Trong mấy ngày, bỗng nhiên hai “siêu sao” Triệu Vi (Vicki Zhao, 赵薇) và Trịnh Sảng (Zheng Shuang, 郑爽) biến mất trên bầu trời internet. Cô Sảng đã bị tố tội trốn thuế. Cô Vi quan hệ với công ty Alibaba nhưng cũng dính líu đến một vụ xung đột giữa mấy ông lớn trong đảng.
Ngoài lãnh vực nghệ thuật Cộng sản Trung Quốc cũng mở chiến dịch tiêu diệt các “ngôi sao” trong giới kinh doanh. Đảng Cộng sản ra lệnh điều tra công ty Didi, được coi là Uber của Trung Quốc. Người sáng lập Alibaba, một đảng viên cộng sản, đã lặn biến trong ba tháng, sau đó không giao tiếp với báo chí nữa, trong khi công ty “Amazon của Trung Quốc” tiếp tục bị điều tra. Vụ cấm trẻ em chơi games cũng cốt đánh vào Tencent, công ty làm giàu nhờ trò chơi điện tử. Báo chí của Đảng nhắc lại cuộc chiến tranh Nha phiến vào thế kỷ 19, ví căn bệnh ghiền chơi games như ghiền thuốc phiện. Thị trường chứng khoán đoán được ý của Đảng, nhiều người bán cổ phiếu Tencent. Trong 24 giờ, giá trị công ty Tencent mất tất cả $60 tỷ mỹ kim, giảm 10%.
Những chiến dịch tấn công giới kinh doanh và các nghệ sĩ đều nhắm bảo vệ vai trò đảng Cộng sản trong xã hội. Không một tập thể hay một cá nhân nào có thể được nhiều người yêu, được kính trọng, hay được khâm phục, khiến dân chúng quên rằng Đảng mới đáng yêu, đáng kính, đáng phục.
Không ai được phép qua mặt Đảng. Dù đó là các nhà kinh doanh hay các nghệ sĩ, tài tử. Đây không phải là chuyện danh vọng hoặc uy tín cá nhân; mà là một vấn đề định chế. Đảng, lãnh tụ Đảng, phải được tôn thờ như các giáo chủ.
Các chế độ độc tài xưa nay vẫn như vậy. Năm 1946. Thi sĩ Anna Akhmatova được mời đến đọc thơ tại trường Bách Khoa ở Mátx Cơ Va. Nhiều sinh viên, công nhân, thuộc lòng các câu thơ của bà, vừa nghe vừa đọc theo. Khi bà chấm dứt, cử tọa đứng dậy vỗ tay. Ngày hôm sau, Stalin hỏi Andrei Zhdanov, viên cán bộ đứng đầu văn hóa, “Đứa nào tổ chức vụ đứng lên vỗ tay vậy?” Ở Liên Xô, Stalin là người duy nhất được đứng dậy vỗ tay! Akhmatova sống lưu đầy ở Leningrad tới sau khi Stalin chết.
Khi Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đấu tố ở Hà Nội thời 1956, 57, có người mạnh mẽ kết án Thi sĩ Trần Dần đã viết hoa chữ “Người” trong một bài thơ. Viết “Người” mà chỉ để nói về một người bình thường, là “phạm húy!” Vì chữ “Người” viết hoa chỉ được dùng để nói về Hồ Chí Minh thôi.
Đứa nào tổ chức cho Trần Dần viết chữ “Người” phạm húy? Đứa nào tổ chức cho Alibaba đưa Mã Vân lên hàng tỉ phú? Đứa nào tổ chức cho Tencent mời khách đầu tư thế giới mua cổ phần? Đứa nào tổ chức cho hàng trăm triệu khán giả theo Triệu Vi trên mạng mà không đọc Sách Tập Cận Bình? Đằng sau các chế độ độc tài là một khối ngã mạn lớn và cứng như đá! Nhưng ách chuyên chế nào cũng có ngày tàn, các bạo chúa cũng biến thành cát bụi!
Leave a Comment