Lê Tự Do – (VNTB) – “Tôi không cần hỗ trợ, chỉ cần cho tôi đi bán lại, dù ế vẫn có đồng ra đồng vô là tôi mừng rồi.”
Trải qua gần hai năm dịch Covid-19 ở Việt Nam, có thể nói, nhiều người đã quá ngán ngẩm với con virus đến từ Vũ Hán, Trung Quốc này. Càng thấy rõ hơn nữa trong đợt bùng dịch lần này với khoảng thời gian liên tục giãn cách, liên tục chỉ thị ở TP.HCM, người có chút “của ăn của để” còn phải “xính dính” thì nói chi đến những người lao động bình dân, những người nghèo khó, bán vé số, lượm ve chai…
Một thực tế đã cho thấy, với việc siết chặt quy định nhằm hạn chế người dân ra đường, không ít người phải lâm vào cảnh khốn đốn ngay chính quê hương, nơi mình đang ở.
Quá rõ ràng, chính phủ không tuyên bố lệnh khẩn cấp quốc gia về dịch bệnh, người dân có quyền tự do đi lại theo quy định của Hiến pháp, song vì một hai câu nói của một người trong tổ chức chính phủ, từng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đẩy biết bao hoàn cảnh đã khó nay càng khó thêm.
Không biết rằng ông ấy đã đi được bao nhiêu căn nhà? Ông đã thắp được bao nhiêu cây nhang cho những người đã mất vì nhiễm bệnh Covid-19 mà đến bệnh viện không được vì đi lại quá khó khăn? Ông đã tiếp xúc được bao nhiêu người bệnh đang có trên mình vết mổ hở? Ông đã thử một lần làm người khó khăn, đi kiếm từng đồng chưa? Vì sao ở Hà Nội mới có 45 ngày, đã có người lên tiếng, còn ông ở Sài Gòn biết bao nhiêu ngày, tiếp xúc với biết bao nhiêu con người, nếu có tấm lòng, sao ông không đề xuất gì sáng sủa cho thành phố, cho đời sống mưu sinh của người nghèo?
“Chia sẻ khó khăn với chính quyền, tôi không cần hỗ trợ, chỉ cần cho tôi đi bán lại, dù có ế đi chăng nữa, vẫn có đồng ra đồng vô là tôi mừng rồi”, một người bán cơm trong con hẻm ở Sài Gòn chia sẻ.
Kể từ những ngày quận Gò Vấp thực hiện chỉ thị 16, toàn TP.HCM thực hiện chỉ thị 15 hay lúc 9-7 cả thành phố theo chỉ thị 16, có lẽ, người dân cũng khó có thể ngờ rằng, cái chuỗi ngày giãn cách đó kéo quá dài, dài đến tận lúc thành phố thay chủ tịch, mà vẫn còn.
Liên tục thực hiện những chỉ thị, dù hết lòng cùng chung tay với chính phủ, chính quyền thành phố chống dịch, theo ghi nhận thực tế, không ít người phải “lực bất tòng tâm”. Thời gian từ 7-9 đến 15-9, nếu thành phố tiếp tục siết chặt giãn cách, quy định người đi đường, có thể nói, dẫn đến nhiều hệ lụy ‘xấu xí’ nữa sẽ diễn ra.
Người khó khăn tiếp tục khó khăn; người trữ sẵn tiền, đồ ăn sẽ khó khăn vì tiền hết, đồ ăn cạn, tiệm vàng, ngân hàng chưa mở cửa; doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải chịu ảnh hưởng do chưa thể vận hành trở lại; buôn bán tiếp tục đình trệ; các hội nghị, cuộc họp ngoại giao, với sự tham gia của quốc tế sẽ tiếp tục hoãn…
“Sáng nay mình thấy một người dân đi bộ đoạn đường gần nhà, bị công an với bộ đội bắt lại, kiểm tra giấy tờ tùy thân và sau đó mời đi về nhà. Có vẻ như vẫn còn gắt gao trong việc kiểm soát người. Không biết mấy ngày tới sẽ như thế nào?”, một cư dân ‘vùng xanh’ kể như vậy với người viết.
Mong chờ nhiều lắm vào tín hiệu tốt, sáng sủa sau đợt siết chặt giãn cách 2 tuần với sự tham gia của lực lượng vũ trang. Hy vọng nhiều lắm, sắp tới đây người dân sẽ có thể ra đường, chí ít là có thể mua được thêm đồ ăn, mua được thêm thuốc men hay cũng có thể “nhặt nhạnh” thêm gì đó để ngày “hòa bình trở lại” còn có chút gì để mưu sinh.
Thực phẩm cho đến gạo dự trữ, giờ cũng đã cạn kiệt; còn đó những người bệnh nền, những người còn mang trên mình vết mổ hở, vật tư y tế chuẩn bị cũng đã xài hết rồi. Liệu rằng người đi chợ hộ, đi mua thuốc giùm, có biết mà mua hay không? Có phân biệt được người bệnh xài gạc số mấy không, xài dây oxy bao nhiêu không?… đủ mọi vấn đề có thể xảy ra, mà có lẽ, ngay cả nhân viên y tế phường, nếu không chuyên, cũng không biết mà giải quyết.
Đúng là an toàn dịch bệnh đặt lên hàng đầu, song cũng mong, xin đừng quá tàn nhẫn với người dân, nhất là với người nghèo và người bệnh…
Leave a Comment