Quà tặng, đó là tâm tình của người này muốn gửi gấm đến người kia với lòng biết ơn, trân trọng tình cảm hay đáp trả lại ân tình mà người nhận quà đã từng làm. Quà tặng nói lên tính cách của người trao và qua đó người khác sẽ nhận ra nhiều khía cạnh mà người trao thể hiện.
Đối với tập thể trao quà cho cá nhân thì quà tặng có giảm nhẹ bớt tinh thần mà tập thể ấy gửi gấm, tuy nhiên, phẩm tính của món quà không hề thay đổi ý nghĩa mà nó mang đến cho người nhận. Người ta không thể chê bai món quà không có giá trị cao nhưng người ta cũng không thể im lặng khi món quà trao cho người nhận với những ẩn nghĩa có tính cách xem nhẹ, khinh thường, hoặc thậm chí biếm nhẽ người nhận.
Việt Nam có truyền thống sĩ diện rất cao nên mỗi khi nhận một món quà thì người ta xăm soi hết mực. Ngay đến trẻ con cũng không thoát ra cái hủ tục ấy. Nhận một món quà, chúng thường mở ra xem ngay và trầm trồ hay sụ mặt xuống tùy theo món ấy có phù hợp sở thích của chúng hay không nói chi đến người lớn, khi mà một món quà sẽ vẽ lên được tính chất quan hệ, tình cảm, lòng kính trọng cũng như địa vị xã hội mà người nhận đang có.
Nói đến quà mà nhà nước mang đến cho dân, người ta nghĩ ngay tới hàng chục ngàn lá cờ tổ quốc được trao cho ngư dân như một món quà khi ra khơi đánh cá. Cờ tổ quốc rõ ràng là quan trọng nhưng mang cờ cho ngư dân để khuyến khích lòng yêu nước của họ đối với giặc Tàu ở biển Đông mà không bảo vệ họ bằng sức mạnh quân sự là một việc làm tắc trách và nhẫn tâm. Dư luận đã phản ánh rất nhiều về việc này và người ngư dân cũng đã phản ứng. Có người thẳng thắn: họ cần tàu tuần duyên của nhà nước chứ không cần cờ.
Tặng cờ cho ngư dân dù sao cũng có thể hiểu được sự lúng túng của nhà nước, nhưng đem ảnh bác Hồ tặng cho người khiếm thị thì không ai có thể biện bạch được, nếu có thì cũng chỉ là ngụy biện và cả vú lấp miệng em.
Người tặng là bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, người nhận là Cao Văn Thành, Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam. Sau khi bị dư luận lên án, ông Thành lên tiếng bênh vực và cho rằng tuy bức tranh không phải là bức tranh nổi dành cho người mù nhưng ông cảm nhận được hình ảnh bác Hồ và ông cho rằng đây là việc bình thường.
Càng nói thì người dân càng thấy rõ tính chất bầy đàn, ngụy biện, bao che trong hệ thống. Ông Thành bị mù từ nhỏ, chưa bao giờ thấy được hình ảnh con người trong trí óc làm sao Bác Hồ “nhập” vào để ông cảm nhận cho được?
Quà tặng nếu không khéo còn đi xa hơn nữa, thậm chí xa tới mức phản lại hoàn toàn ý nghĩa mà người trao muốn người nhận hiểu.
Hôm 1 tháng 9 trong cuộc gặp mặt với 70 nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực chống dịch Covid-19 vừa qua, Thủ tướng đã tặng mỗi người một cái hũ sành và việc này ngay lập tức nổi sóng trên không gian mạng. Hầu hết bình luận đều cho rằng trong lúc này mà Thủ tướng tặng hũ cho các nhà khoa học phải chăng là biểu thị của sự bất bình vì các người được gọi là nhà khoa học này đã thất bại hoàn toàn trong công tác chống dịch mà nhà nước giao phó. Mỗi người ôm một chiếc hũ có chiều cao hai gang tay, rất gần với kích thước của một chiếc hũ tro cốt mà hàng ngàn nạn nhân Covid-19 đang nằm bên trong. Món quà này ngoài ý nghĩa đó ra thì còn ẩn nghĩa nào khác?
Giống như mọi lần khác khi có một vấn đề khủng hoảng nào đó xảy ra, nhà nước lập tức nhảy vào chụp mũ cho người phản biện. Lần này trang tin của Đảng bộ TP HCM có bài cho rằng bọn phản động đang đánh phá công cuộc chống dịch của nhà nước. Tác giả Trung Ngôn viết:
“Đối với những kẻ rắp tâm phá hoại và mang đầy tâm địa đen tối thù hằn thì bất cứ chuyện gì họ cũng có thể xuyên tạc. Chẳng hạn nếu Thủ tướng tặng tranh cho các nhà khoa học, họ sẽ nói tranh để trang trí bàn thờ. Nếu Thủ tướng tặng hoa có lẽ họ sẽ nói hoa để cúng. Nếu tặng cây viết có thể học sẽ xuyên tạc rằng tặng viết để… viết điếu văn v.v… Lấy vài ví dụ nêu trên để muốn nói rằng những kẻ rắp tâm chống phá thì họ sẽ có muôn vàn luận điệu suy diễn nhằm đạt được mục đích. Có điều, hẳn nhiên nhiều người hùa theo các luận điệu xuyên tạc hoặc bình luận dưới những bài viết về sự việc trên chắc chắn bị tin theo và bị mê hoặc bởi những luận điệu xuyên tạc đầy ngụy biện ấy”.
Đúng ra Trung Ngôn đang xuyên tạc Thủ tướng khi ngụ ý rằng sao không tặng những thứ như tranh, hoa hay một cây viết thì lại tặng hũ? 70 chiếc hũ được gọi là “bình gốm” ấy không đủ chiều cao để chưng cây cảnh, lại quá lớn để cắm hoa trong phòng khách. Nó không có nắp để ngâm các loại đồ chua hay nuôi con mẻ…tóm lại nó là một món quà vô nghĩa vì không dùng được vào bất cứ việc gì.
Nó chỉ có tác dụng duy nhất: thay cho tấm giấy chứng nhận rằng ông A bà B khi có món quà này trong nhà, nếu ai đó trông thấy sẽ biết ngay trách nhiệm của chủ nhân trong khi chống Covid-19: Một thất bại thảm hại và không thể bào chữa./.
#chínhphủtặngquà
Leave a Comment