Quảng Cáo

Rất lo cho Hà Nội

Quảng Cáo

Nguyen Ngoc Chu

  1. ẨN CHỨA NHIỀU NGUY CƠ

Việc Thủ tướng đi thị sát “vùng dịch nóng” Thanh Xuân Trung cho thấy những điểm yếu trầm trọng của bộ máy Hà Nội trong phòng chống dịch Covid -19. Còn nhiều vùng nữa tương tự như Thanh Xuân Trung mà chưa bộc lộ.

Xâu chuỗi những sự kiện từ đầu, từ các quyết định vừa phát ra đã phải thu lại cho đến sự việc ở Thanh Xuân Trung, có thể nói – việc tổ chức phòng chống dịch Covid -19 ở Hà Nội đang ẩn chứa nhiều mối nguy.

Việc ngăn cản sự lây lan của Covid – 19 trong hai đợt giãn cách vừa qua chưa thuyết phục được về tính hiệu quả, và đang đối mặt với quyết định kéo dài giãn cách mới. Hà Nội không thể cứ kéo dài giãn cách liên tục cho đến 3 tháng và hơn nữa như TP HCM, trong khi không ngăn cản được số lượng lây lan. Nếu mức độ lây lan Covid -19 ở Hà Nội mà đạt phạm vi tương tự như TP HCM thì tình hình sẽ còn bi đát hơn.

Hà Nội là Thủ đô với rất nhiều các cơ quan đầu não trung ương đồn trú – không thể để rơi vào tình cảnh bị tê liệt. Với Hà Nội cần có các biện pháp khẩn cấp củng cố bộ máy quản lý thành phố và thiết lập các cơ quan phòng chống dịch hiểu quả. Nếu để nguyên như trong tình trạng hiện nay, sẽ không tránh khỏi hoàn cảnh tồi tệ.

  1. ĐỀ XUẤT

1/. Học tập tình thế chiến trường để thay đổi nhân sự.

Khâu đầu tiên là nhân sự. Những nhân sự nào không đáp ứng được nhiệm vụ phải thay đổi tức thì.

Tiếc thay, quy trình thay đổi nhân sự hiện nay rườm rà phức tạp, qua nhiều khâu, tưởng là kỹ, nhưng thực chất chứa nhiều lỗ hổng và không hiệu quả. Nó không đáp ứng được yêu cầu quản lý “phản ứng tức thời”. Vì nó “chia sẻ quyền lực” cho các đại diện – mà đa phần thì đồng thuận về bề ngoài, nhưng mâu thuẫn ở bên trong. Qúa trình thoả hiệp dẫn đến kéo dài thời gian mà kết quả của sự lựa chọn là nhân sự trung dung, không có trí quyết đoán của người chỉ huy trước tình thế hiểm nghèo.

2/. Thành lập một “Tổng hành dinh” của Chính phủ bên cạnh bộ máy lãnh đạo Hà Nội.

Thủ tướng phải chỉ huy chống dịch trên toàn quốc. Thủ tướng không thể đi thị sát khắp mọi nơi. Mà vị thế của Thủ đô thì rất quan trọng. Cần một đại diện tối cao của Thủ tướng đặc trách về Hà Nội – để tăng cường cho “mặt trận” chống dịch ở Thủ đô. Thực tế đã thể hiện, nếu để nguyên cho một mình bộ máy Hà Nội vận hành thì sẽ “vỡ trận”.

Người đứng đầu “Tổng hành dinh” của Chính phủ bên cạnh lãnh đạo Hà Nội phải là một người giỏi, không nhất thiết đang có chức vụ cao. Giỏi là quan trọng nhất. Đại diện của Chính phủ – tức khắc sẽ sinh ra uy lực.

Mục đích không phải đẻ thêm bộ máy cồng kềnh. Mục đích không phải chia sẻ hay giảm bớt quyền lực. Mục đích là tăng trí tuệ, phương tiện, vật lực cho Hà Nội chống dịch.

3/. Thành lập một ‘Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch’ bên cạnh lãnh đạo TP Hà Nội.

Hội đồng bao gồm 5-7 chỉ các nhà chuyên môn y học, chủ yếu là các nhà miễn dịch học, dịch tễ học, các bác sỹ có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm trong chống dịch. Các thành viên hội đồng này không được có lãnh đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội. Đây là một “bộ óc” chuyên môn mới, độc lập hoàn toàn.

Việc thành lập ‘Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch’ phải do Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn các thành viên, chứ không phải lãnh đạo TP Hà Nội hay Sở Y tế Hà Nội tuyển chọn các thành viên. Quyền của lãnh đạo TP Hà Nội là chọn Chủ tịch Hội đồng.

Có ‘Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch’ độc lập với các tổ chức chống dịch hiện có, chắc chắn sẽ giúp cho lãnh đạo thành phố Hà Nội có những quyết định khoa học và hiệu quả hơn trong phòng chống dịch.

4/. Rút ra bài học từ thực tiễn của TP HCM.

Thực tiễn của TP HCM cho Hà Nội những bài học thực tế quý giá. Sau đây là một số điểm cần lưu ý.

1.1. Không thể triệt tiêu lây nhiễm. Không thể giãn cách mãi.

1.2. Không thể giãn cách cứng nhắc. Không giãn cách bằng những biện pháp thời công xã. Phải giãn cách và chống dịch dựa trên khoa học và công nghệ.

1.3. Giãn cách mềm. Thế nào là giãn cách mềm cần đề cập ở một bài riêng.

1.4. Giảm tỷ lệ tử vong là mục tiêu số 1.

Lo tập trung cách ly nhưng để tử vong cao là thất bại. Phải chú trọng vào cứu chữa để giảm tỷ lệ tử vong.

1.5. Khi số lượng lây nhiễm tăng phải thay đổi chiến lược cách ly và chữa bệnh. Lấy cách ly tại nhà và chữa bệnh tại nhà (cở sở) là pha 1. Các biện pháp cách ly tại nhà và chữa bệnh tại nhà phải theo đề xuất của các nhà chuyên môn, trong đó có trách nhiệm của ‘Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch’.

1.6. Thành lập chỉ 2 pha chữa bệnh: tại nhà (tại cơ sở) và bệnh viện. Nhiều pha sẽ làm chậm thời gian, trong khi bệnh tiến triển nhanh, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao khi chuyển tuyến. Nhiều tầng lớp bao giờ cũng chậm trễ.

1.7. Tăng nhanh tốc độ tiêm vaccine. Đây là “vũ khí” chủ lực.

  1. CHIA SẺ

– Còn nhiều điều khác nữa mà chưa thể đề cập hết ở đây. Một phức hợp các biện pháp chống dịch phải được đề xuất từ các chuyên gia miễn dịch , dịch tễ học giỏi.

– Thiếu các nhà miễn dịch học, dịch tễ học và các bác sỹ giỏi, trong tư cách ‘Hội đồng khoa học tham mưu chống dịch’ hay ‘cố vấn riêng’ cho lãnh đạo Hà Nội – sẽ là một tổn thất lớn trong thiết lập kế hoạch phòng chống dịch ở Thủ đô. Dựa vào Sở Y tế là chưa đủ. Cậy vào Bộ Y tế cũng chưa đủ. Cậy vào tham mưu của các cán bộ hành chính và chính trị càng không thể đủ.

– “Bảo bối”: “ Chưa đổi được nhân sự thì tăng cường nhân sự”.

– Rất lo cho Hà Nội./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux