Tôi nhớ, từ hồi sinh viên có đọc được câu của K. Marx, đại ý: Những con ong với việc xây dựng cái tổ của chúng làm cho nhiều kiến trúc sư phải hổ thẹn. Nhưng sự khác biệt giữa một kiến trúc sư tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi. Đó là năng lực HÌNH DUNG TRƯỚC KẾT QUẢ CỦA HÀNH ĐỘNG. Để có khả năng đó thì trí tuệ của con người phải phát triển qua nhiều giai đoạn với sự tiến bộ về chất, trở nên người TRƯỞNG THÀNH.
Quan sát việc chống dịch covid-̣19 vừa qua thấy có nhiều việc làm của các cấp quản lý hầu như không có sự HÌNH DUNG TRƯỚC KẾT QUẢ CỦA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH HÀNH ĐỘNG.
- Một số ví dụ
– Hà Nội yêu cầu những người có giấy công vụ của đơn vị cấp, nhưng vẫn phải có GIẤY CỦA PHƯỜNG mới được lưu thông trong thành phố. Vậy là người ùn ứ ở Phường. Rồi lại huỷ quyết định đó.
– Hà Nội dựng BỨC TƯỜNG bằng tôn “không cho con covid chui qua” từ hè phố này sang hè phố đối diện… Được 48 giờ, phải phá đi luôn…
– Nhiều nơi quy định phải có GIẤY TEST âm tính mới được lưu thông; Giấy lại chỉ có giá trị ba ngày. Gây ùn tắc ở các chốt kiểm giấy tờ; người lao động không thể lưu thông vì không có tiền Test ba ngày /lần; Giấy CN Test giả xuất hiện, công an vào cuộc điều tra…
– Việc khai báo DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ tại các chốt đã khiến giao thông ùn tắc, Công an mệt nhoài, lại phải bãi bỏ để tính phương án khác…
– Việc tuyên bố “giãn cách một cách tuyệt đối”, đã khiến dân ngoại tỉnh ở Sài Gòn chạy náo loạn; khiến dân ùn ùn chen nhau vào siêu thị vét hàng…
– Việc bắt đi CÁCH LY FO, F1 cả trẻ con, người lớn ở Bình Dương, tp HCM lúc dịch đã bùng phát khiến những điểm cách ly như trại tập trung hỗn độn, gây nên bao nhiêu bức xúc. Rồi phải thay đổi lại…
– Việc “ngăn sông cấm chợ” làm rối loạn hệ thống CUNG – CẦU ở tp HCM và các tỉnh liên quan…
– Đặc biệt việc quyết định cho BỘ ĐỘI ĐI CHỢ GIÚP DÂN được thử nghiệm mấy ngày thì phải cho 25 ngàn Shippers hoạt động trở lại…
Nhiều lắm, không thể kể hết những hành động không được hình dung trước kết quả sẽ ra sao. Trong đó có những tình huống bất định, không ngờ trước được; nhưng phần lớn là những việc có thể hình dung trước.
- Thử phân tích nguyên nhân
a- Chẳng lẽ trí tuệ chưa trưởng thành?
Có nhiều lý thuyết về phát triển trí tuệ. Theo L X. Vygotsky, sự phát triển trí tuệ có thể chia ra 2 giai đoạn chính:
Trí tuệ bậc THẤP: là những phản ứng trực tiếp, tức thời khi sự vật hiện tượng tác động lên các giác quan…
Trí tuệ bậc CAO: tư duy bằng ngôn ngữ với các thao tác trí óc.
Tư duy bậc thấp cũng có nhiều mức, ví dụ “tư duy bằng tay”: đứa trẻ 5- 6 tuổi, bảo cộng 4 với 5 là mấy, nó phải dùng que tính hay bấm đốt ngón tay; đứa nào khá hơn có thể lẩm nhẩm trong mồm; nhưng nếu lấy cái đũa ngáng qua miệng không cho lẩm bẩm thì chịu. Vậy là chưa có thao tác “cộng” thuần túy bằng trí óc.
Mức cao hơn là “Tư duy trực quan hành động”, nghĩa là phải nhìn thấy các sự vật, hiện tượng đang diễn ra, tác động trực tiếp lên các giác quan thì mới có suy nghĩ và hành động đáp ứng … Có người gọi là “tư duy hành động thực tiễn”, “Tư duy kinh nghiệm cảm tính”… Tư duy bằng cách THỬ và SAI nhiều lần rồi thành kinh nghiệm định hình, khó thích ứng với hoàn cảnh đã thay đổi…Người ta hay lấy ví dụ vui bằng những câu chuyện về “Cái lý của người Mèo”…
Bậc cao của trí tuệ là tư duy bằng các khái niệm, tri thức khoa học với các thao tác trí óc phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, khái quát hóa, cụ thể hoá, đưa ra các phương án và cân nhắc lựa chọn. Khi Quyết định hành động, trước hết phải qua khâu “Định hướng hành động”: Làm cái gì? Tại sao cần làm cái đó? Làm thế nào? Tại sao lại làm như vậy mà không làm khác? Hình dung trước hành động sẽ diễn ra thế nào và đem lại kết quả gì?…
Chẳng lẽ cán bộ “cấp chiến lược” lại không có khả năng đó?
b- Do sự thoái hoá của trí não?
Có người đã từng có năng lực thiết kế và tổ chức hành động tốt, nhưng do tuổi tác hay bệnh tật đã khiến lú lẫn, mất khả năng phản ánh thực tiễn sinh động và tư duy nhạy bén… Cũng có thể do cơ chế không khuyến khích độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, chỉ cần “quán triệt” chỉ thị, lâu ngày đã làm thui chột năng lực tư duy …
c- Hay do thói quen “phải một mình” và không phải chịu trách nhiệm?
Những người làm cha mẹ, các thủ lĩnh cộng đồng, những nhà lãnh đạo có quyền lực … quen đưa ra các quyết định không cần phản biện và không sợ trách nhiệm về hành động của mình thường hay có những lý lẽ “phải một mình” và những quyết định điên rồ…
d- Do quen thừa hành máy móc?
Những người thừa hành máy móc, quen phục tùng mệnh lệnh cấp trên một cách mù quáng cũng hay có những hành động ngu ngốc, bất chấp hậu quả. Họ có thể hành động vô lý, thậm chí độc ác một cách vô cảm; nay làm, mai phá một cách “hồn nhiên”…
TÓM LẠI, con người có nhiệt tình, nhưng thiếu tri thức, trình độ tư duy thấp kém, không hình dung trước được kết quả của hành động sẽ rất tai hại./.
Leave a Comment