Ngô Nhân Dụng – VOA
Một nhà kinh tế học thú nhận, “Nếu muốn tả con voi như thế nào thì tôi chịu thua, nhưng trông thấy con voi thì tôi biết liền.” John Maynard Keynes lấy con voi làm thí dụ, chắc vì ông nghĩ đến câu chuyện cổ tích “thầy bói sờ voi” của Ấn Độ. Mấy ông thầy bói không thể nhìn thấy tất cả con voi như Keynes, họ sờ được chỗ nào thì biết chỗ đó.
Chúng ta nhiều khi cũng lâm vào tình trạng các ông thầy bói, hoặc tệ hơn. Có nhiều thứ không thể “nhìn thấy” được, cũng không thể sờ mó được. Nhiều thứ người này cho là hiển nhiên, người khác cho là bịa đặt. Người này cho là khôn ngoan, người khác thấy là dại dột.
Trên thế giới, và ở nước Mỹ, khi nói đến vaccine và mạng che miệng, mũi, có hai khuynh hướng kình chống nhau kịch liệt. Một bên, những người chống đeo mạng, chống vaccine coi việc các công ty và các học khu, các ngôi trường bắt buộc ai nấy phải đeo mạng và chích ngừa là xâm phạm vào quyền tự do tối thiểu của các công dân. Ai cúi đầu chịu khuất phục trước cường quyền đều là “ngu dốt tập thể.” Bên kia cũng suy nghĩ như vậy, theo hướng ngược lại. Chỉ có một cách giải hòa, tránh cảnh bắn chết nhau vì bất đồng ý kiến, là coi sự thiếu hiểu biết cũng là một quyền tự do cá nhân. Anh bảo tôi thiếu hiểu biết, nhưng theo hiến pháp ai cũng có quyền như vậy. Đó là một quyền hiến định.
Tình trạng gay go một phần vì các cơ sở truyền thông thúc đẩy cho lập trường hai phe cứng rắn hơn. Một hiện tượng ai trong giới truyền thông cũng biết nhưng người bình thường thì không để ý. Là các đài, các báo thường loan những tin tức và hình ảnh nào lôi cuốn nhiều khán giả, độc giả nhất. Việc lựa chọn tin nào, hình nào nên được loan truyền nhiều lần, đều do máy móc phụ trách. Máy vi tính có thể đếm chính xác số người theo dõi các chương trình, rồi theo một “thuật toán” (algorithm) mà đề nghị các tin tức, hình ảnh nên đưa ra. Vì vậy, khán giả thích coi loại tin nào thì báo, đài hết sức chiều ý. Người ta coi đài không phải để biết “tin tức” mà để thấy lập trường của mình được ủng hộ, kiên cố hơn!
Những ai đã chích ngừa rồi sẽ thấy mình thật khôn ngoan và may mắn khi coi hình ảnh ông nghị viên 45 tuổi ở một thị xã Texas, mới qua đời vì Covid-19, sau năm ngày vào bệnh viện. Ba tháng trước, ông từng hăng hái chống đeo mạng và chích ngừa, ông đưa ra giấy mời của một tiệm rượu ở Cincinnati kêu mọi người đến dự một buổi “đốt mạng.” Rồi đến những tin tức về mấy người làm phát thanh hay truyền hình vẫn kình chống, chế nhạo những người “ngu dốt” đi chích ngừa, rồi chính họ mắc bệnh và qua đời.
Ngược lại, những người kiên trì chống đeo mạng và chích ngừa cũng nức lòng tin tưởng vào ý kiến của mình khi coi các đài ti vi chiếu cảnh dân chúng Paris, Berlin và Athens bên Hy Lạp đang biểu tình chống đeo mạng và chích ngừa đang hỗn chiến với cảnh sát. Nhân dân toàn thế giới vùng lên chống ách độc tài bắt người dân đeo mạng!
Còn thấy cả những tin tức nguy hiểm về phòng chống Covid không rõ từ đâu ra. Cơ quan Y tế Tiểu bang Mississippi báo động rất nhiều người gọi khẩn cấp vì đau bụng, nôn ọe mà 70% trong số đó đã dùng loại thuốc “ivermectin” chuyên trị bịnh ký sinh trùng cho bò, ngựa. Vì họ nghe nói thuốc này có thể ngăn ngừa Covid-19! Số người bị Covid đang tăng lên, Trung tâm Y tế Đại học Mississippi phải mở thêm phòng điều trị trong bãi đậu xe mới đủ chỗ. Vì thế nên nhiều người vội lo tìm thuốc đề phòng, nghe ai nói cũng tin.
Cơ quan Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm (CDC) phải vội vã “tuýt” ra lời khuyên: “Quý vị không phải là ngựa! Không phải là bò! Xin ngưng ngay lập tức!”
Cơ quan CDC bị mất tin tưởng. Nhiều người chỉ trích CDC gây hoang mang, nay nói thế này, mai nói khác. Lúc đầu, khi Covid mới xuất hiện, họ nói người bình thường không cần đeo mạng; nên để dành cho nhân viên y tế. Vì lúc đó họ tưởng loài vi khuẩn chỉ truyền qua những bụi nước bọt của bệnh nhân. Khi biết rằng giống vi khuẩn mới có thể còn “bay” trong không khí, họ mới báo động ai cũng cần đeo mạng!
CDC cũng không biết chắc các vaccine hiệu quả đến mức nào. Tháng Năm, họ nói ai đã chích ngừa rồi thì khỏi cần đeo mạng. Tháng Bảy, họ nói ngược lại, chích hay không chích, ai cũng phải đeo mạng. Hai tuần lễ sau, CDC mới cho biết lý do tại sao! Vì họ đã thấy chứng cớ tại Provincetown nơi nhiều người đã chích vaccine rồi vẫn bị bệnh, dù bị nhẹ thôi.
Ngày 21 tháng Bảy, Bác sĩ Anthony Fauci báo động Biến thái Delta nguy hiểm gấp bội, khuyến cáo mọi người nên đeo mạng. Ngày hôm sau, Bác sĩ Rochelle Walensky, tân giám đốc CDC lại nói việc đeo mạng hay không là tùy ý thích cá nhân. Ngày 25, Bác sĩ Fauci lập lại mối lo, báo trước việc đeo mạng có thể sẽ thành bắt buộc. Ngày 27, Bà Walensky lại nói rằng Delta nguy hiểm quá, CDC sẽ khuyên ai chích ngừa rồi cũng vẫn phải đeo mạng!
Đáng lẽ các vị có trách nhiệm không nên vội vã đưa ra những khuyến cáo, thì công chúng bình tâm hơn. Tin tức bất nhất, gây hoang mang, chỉ vì CDC có những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhưng hầu như thiếu người chuyên môn về truyền thông!
Một điều mà các nhà chuyên môn nên “giáo dục” công chúng ngay từ đầu, là chúng ta không biết rõ về các loài vi khuẩn. Cần nói trước rằng phương pháp nghiên cứu y học luôn luôn đi từng bước một, phải mất thời gian mới biết các vi khuẩn sẽ biến thái thế nào!
Lời khuyến cáo đầu tiên, tốt nhất, là mọi người nên hết sức đề phòng. Trong khi tìm hiểu loài virus nó tinh quái ra sao thì thà rằng mình đề phòng nhiều quá còn hơn ít quá!
Nghiên cứu sinh học khó hơn, chậm chạp hơn nghiên cứu trong nhiều khoa học khác, vì đối tượng là những vật sống. Tìm hiểu các virus phải dò dẫm, mỗi ngày biết thêm một chút, không phải chuyện nhanh chóng, dễ dàng. Khi bệnh H.I.V xuất hiện, phải 15 năm sau y khoa mới nhận dạng ra hai loại proteins mà loài virus dùng để gây bệnh. Biết rõ, mới tìm ra một cách điều trị, sau đó còn bị tra hỏi, thử thách, một hai năm biết chắc nhiều phần, rồi mới công bố.
Phần lớn chúng ta không biết như vậy. Các chuyên gia thì tưởng ai cũng biết phương pháp của họ phải đi từng bước như thế nào rồi. Vì thế những khuyến cáo của họ cứ thay đổi gây hoang mang cho công chúng.
Nhiều người đổ lỗi cho các nhà chính trị. Họ chính trị hóa cơn bệnh dịch để mị dân, tranh giành lá phiếu. Nhưng không ai có thể “mị dân” nếu dân được thông tin đầy đủ và rõ ràng để hiểu biết những điều căn bản về phương pháp khoa học. Nói cho cùng, những cuộc tranh cãi phí thời giờ cả năm qua về những chuyện nhỏ nhặt như chích ngừa, đeo mạng, tất cả chỉ vì người dân không biết rõ cách làm việc của giới nghiên cứu y khoa. Những người có trách nhiệm phải giúp cho dân chúng biết rõ hơn! Hiểu biết cũng là một quyền hiến định quan trọng hơn quyền thiếu hiểu biết!
Leave a Comment