Ông Thuận, người có trang Facebook “Cha dà Dân tộc” với đăng tải mới nhất nêu ra sự đối chọi trong các phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam – trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – về cách chống dịch COVID-19, bị công an bắt tại nhà riêng ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, sáng ngày 30/8.
Bà Trịnh Nhung, vợ ông Thuận, xác nhận với VOA trong khi truyền thông nhà nước Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ bắt giữ này.
Theo bà Nhung cho biết, gia đình bà bị bất ngờ khi các công an “giả dạng là nhân viên y tế đến để yêu cầu khai báo y tế” vào lúc 8:30 sáng sau đó khám xét nhà và đọc lệnh bắt giữ ông Thuận.
Quyết định của Công an Tỉnh Thanh Hoá mà VOA được xem nói rằng ông Thuận bị khởi tố vì tội “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều luật thường được dùng để bắt giữ các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Ông Thuận, một giáo viên dạy hoá trước khi trở thành một blogger có tiếng ở Việt Nam, từng được báo Los Angeles Time phỏng vấn vì bị Facebook chặn tài khoản cũng như xoá các bài viết chỉ trích chính quyền, gồm loạt đăng tải về vụ tranh chấp đất đai ở làng Đồng Tâm. Trong một đăng tải về vụ việc gây nhiều tranh cãi này hồi tháng 1 năm ngoái, ông Thuận gọi các lãnh đạo nhà nước là “những kẻ cướp đất” và viết rằng “Những tội ác của các ông sẽ hằn sâu trong tâm trí tôi,” theo LA Times.
Một trong những đăng tải gần đây nhất của ông Thuận đưa ra những phản ánh của người dân về việc “thiếu ăn, thiếu đói” trong lúc TPHCM phong toả vì đại dịch và cho rằng “99% người dân Sài Gòn đang dài cổ chờ bộ đội, cán bộ đi chợ hộ.”
Bà Nhung cho biết chồng bà biết rằng sẽ có ngày bị bắt và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho việc này.
“Anh ấy biết rõ là sẽ gặp nguy hiểm vì đã lên tiếng đấu tranh thì không thể nào yên ổn được,” bà Nhung nói và cho biết tôn trọng những việc làm của chồng mình. “Nhưng (vì) lương tâm không cho phép mình im lặng, sợ hãi hay mình bỏ cuộc nên anh ấy mới làm công việc đó.”
Đây là vụ bắt giữ đầu tiên được biết tới ở Việt Nam sau khi Phó Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8. Trong buổi họp báo cuối cùng, bà Harris cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị của chính phủ Việt Nam khi gặp các lãnh đạo ở Hà Nội. Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền thúc giục bà Harris kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi thăm Hà Nội. Cùng thời gian chuyến thăm này, hai công dân Mỹ gốc Việt được Việt Nam trả tự do, được cho là do sức ép ngoại giao từ Washington.
Các cuộc trao đổi như thả tù nhân chính trị hoặc lương tâm thường được Việt Nam thực hiện trước hoặc trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Hà Nội. Các nhà hoạt động được thả thường được đưa sang Mỹ hoặc các nước châu Âu để tị nạn, bao gồm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang tị nạn tại Texas.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn nói rằng không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở đây và nhà cầm quyền chỉ bắt giữ những ai vi phạm luật pháp.
Theo nhà hoạt động Phạm Minh Vũ, một người bạn của ông Thuận, Facebooker này trước khi bị bắt nói rằng ông sẽ “không nhận tội, không xin ân xá để hưởng khoan hồng hay trao đổi với nhà cầm quyền.” Ông cũng cho biết rằng ông “không thuộc bất kỳ hội nhóm, phe phái hay tổ chức nào” và “không có nhu cầu đi tị nạn chính trị hay ra nước ngoài bằng việc trao đổi tù nhân lương tâm.”
Theo ông Vũ, “việc bắt giữ nhà giáo Bùi Văn Thuận là một hành động đàn áp những tiếng nói tri thức.”
Bà Nhung nói công an không cho biết chồng bà sẽ được đưa đi đâu và sẽ bị giam giữ trong bao lâu.
Điều 117 BLHS Việt Nam quy định mức án tù lên đến 20 năm cho những người bị kết án tội “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Leave a Comment