NR xin phép dùng ngôn từ chiến tranh mà thủ tướng Phạm Minh Chính và nội các của ông thường sử dụng để chỉ đạo cuộc chiến chống dịch giặc.
Theo thông lệ, khi các bên tham chiến không thể dùng quân sự kết thúc cuộc chiến, thì một giải pháp chính trị sẽ được chọn lựa đặt lên bàn đàm phán nhằm sớm kết thúc xung đột vũ trang.
Thủ tướng đã từng tuyên bố chuyển từ thế phòng ngự qua tấn công giặc dịch, quyết đánh nhanh thắng nhanh bằng phong tỏa, giãn cách, chốt chặn, kit test trên diện rộng, bao vây bằng căng dây, công sự kẽm gai, cách ly, tiêm chủng v.v…
Và gần đây nhất thủ tướng tung cả lực lượng bộ đội chính quy vào hai điểm nóng TPHCM và Bình Dương để quyết chiến, với lời cam kết của ông bộ trưởng quốc phòng Không Thắng Không Về.
Nhưng rất may là ông thủ tướng thay Ông Đam chỉ huy chiến dịch tổng tấn công vào dịch giặc, thủ tướng đã “Vi Hành” trực tiếp xuống địa bàn dân cư xem xét thực lực và khả năng chống dịch, nhờ đó ông đã nắm bắt được tình hình, đánh giá được tương quan lực lượng giữa ta và dịch, có cái nhìn biện chứng về chủ trương chống dịch như chống giặc, chuyển từ phòng ngự qua tiến công hợp lý đến đâu.
Và hình như nhờ góc nhìn biện chứng đó giúp thủ tướng nhận ra việc giãn cách đưa F0 về Zero như chủ trương của Ông Đam là bất khả, bởi chẳng thể nào tiêu diệt được virus, kể cả vaccin, vì càng tấn công virus càng biến thể nguy hiểm hơn để sinh tồn. Trên thế giới chẳng có nước văn minh nào dám ngạo mạn đưa F0 về Zero, vì việc đó chẳng khác gì đi tìm lá diêu bông.
Đó có thể là lý do thủ tướng đã chuẩn bị tìm một “giải pháp chính trị” để sớm kết thúc cuộc chiến chống dịch giặc đang giằng co bất tận, mở đường cho Bộ Quốc phòng rút quân, không để quân đội “sa lầy” vì đã lỡ tuyên bố không chiến thắng dịch giặc không về, khi cả thế giới đều không thắng được giặc dịch, nên nếu không có một giải pháp chính trị khả dĩ, Bộ Quốc phòng có thể bị sa lầy lâu dài.
Ông thủ tướng đã đi đúng đường khi tuyên bố: “Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối“.
Đó là giải pháp đúng vì cả thế giới đều đang làm và bắt đầu làm như thế. Và một khi đã chọn lựa một giải pháp chính trị sống chung với virus thì những biện pháp thời chiến như phong tỏa, cách ly, giãn cách v.v… Phải sớm bãi bỏ.
Hy vọng ngày “hòa bình với giặc dịch” sớm đến để nhân dân trở lại cuộc sống bình thường theo kiểu mới nhằm sớm phục hồi kinh tế./.
Leave a Comment