Trong bất cứ chính quyền nào đều có Ban hay Ủy ban cố vấn cho lãnh đạo cao nhất. Ban cố vấn là một nhóm chuyên gia hiểu biết và kinh nghiệm sâu đậm về một lĩnh vực nào đó bao gồm quốc phòng, kinh tế, xã hội, y tế…những lĩnh vực mà một người lãnh đạo dù có thông thái cỡ nào cũng không thể nắm hết.
Thành viên trong ban cố vấn được chọn qua sự giới thiệu từ những người thân cận của lãnh đạo hoặc được đề cử từ những người uy tín, có kiến thức và kinh nghiệm trong lãnh vực chuyên môn nào đó. Người đề cử có thể sánh ngang với người được tiến cử, bởi cái nhìn của người này quan trọng và đầy trách nhiệm, không thể hồ đồ đề cử người thân hoặc bạn bè vì hành động này có thể di hại tới một chính sách, một quyết định nào đó của lãnh đạo.
Ở Việt Nam có khác, cung cách nhiều đời Thủ tướng đã cho thấy lổ hổng của ban tư vấn qua những hành xử, phát ngôn, chính sách, nhân sự cũng như những ứng phó trước khủng hoảng, biến cố. Ban tư vấn chính phủ có thể được xem là bộ não của chính phủ ấy. Não có linh hoạt, tư duy có logic, sáng tạo thì mới có cơ may nảy sinh được chính sách hợp lý, thấu đáo và kế hoạch mới có khả năng thực hiện thành công được.
Chính phủ Việt Nam có khuynh hướng chọn người qua bằng cấp. Bằng cấp càng cao thì tư cách của thành viên ban tư vấn mới có trọng lượng. Một xu hướng rất nguy hiểm khi thật ra có bằng cấp chưa hẳn là giỏi chứ chưa nói xuất sắc và vượt trội. Thành viên ban tư vấn chính phủ ngoài bằng cấp ra cái cần nhất là kinh nghiệm hành sự, xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu và vượt trội trong ý tưởng lẫn chiều sâu của tư duy khi một vấn đề nào đó nảy sinh cần mổ xẻ.
Khuynh hướng thứ hai là Ban tư vấn thường được giới thiệu, đề cử từ người cao nhất của ban ấy. Sự chọn lựa mang tính bè phái này thấy rất rõ trong trận đại dịch đang xảy ra tại TP HCM, khi Tổ tư vấn phòng chống dịch Covid-19 do ông Nguyễn Thành Phong ký quyết định 2649/QĐ-UBND ngày 23/7/2021 thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, làm trưởng nhóm.
Nhìn qua 8 thành viên của Tổ tư vấn phòng chống dịch Covid-19 bao gồm:
1.TS Vũ Thành Tự Anh, Trường chính sách và quản lý Fulbright, tổ trưởng
2. TS Trương Minh Vũ, Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP HCM, Tổ phó
3. PGS TS Trần Hoàng Hải, Giảng viên cao cấp, quyền hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM
4. PGS TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh Tế-Luật ĐHQG TP HCM
5. TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, VNTI và Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP HCM
6. PGS TS Phạm Duy Nghĩa, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, ĐH Fulbright VN
7. Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, ĐH Fulbright VN
8. PGS TS Đỗ Văn Dũng, ĐH Y Dược, TP HCM
Người ta thấy ngay tính cách bè phái rất rõ. Có 3 người thuộc Fulbright, 2 người thuộc Khu công nghệ phần mềm, 2 người trường Luật hoặc liên quan đến luật, chỉ 1 người duy nhất từ ĐH Y Dược có khả năng hiểu biết về covid-19 nhất.
Lỗ hổng lớn nhất của Tổ tư vấn này là không một chuyên gia nào hoạt động trong lĩnh vực y tế cộng đồng, dịch tể học, và Xã hội học, những lĩnh vực cần được tư vấn nhất trong lúc dịch bệnh xảy ra ngày càng nguy hiểm. Tổ tư vấn do ông Vũ Thành Tự Anh lãnh đạo đã rơi vào những lỗi sơ đẳng khi không có bất cứ chuyên môn nào ở các lĩnh vực trên, chỉ dựa vào cung cách nghiên cứu chính sách công, luật kinh tế hay thậm chí trong lĩnh vực phần mềm dự báo để suy đoán sự lây lan và hậu quả của con Covid-19 là hoang tưởng và nguy hiểm.
Hậu quả nhãn tiền mà cả UBND TP đã chứng kiến khi trước đó vào đầu tháng 7 nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo đến đầu tháng 8-2021, dịch Covid-19 ở TP HCM chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng 8. (1)
Một khuyết điểm nữa mà những ban tư vấn thường gặp phải là không kiểm tra người được đề cử. Thí dụ như trường hợp của TS Quoc Tran, nằm trong Nhóm nghiên cứu Tech4Covid do TS Đinh Bá Tiến, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên làm trưởng nhóm. Ông Quoc Tran được giời thiệu là Principal Data Scientist, Walmart Labs, US đã có kinh nghiệm trong xây dựng mô hình dự báo có độ chính xác cao đối với dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra tại Mỹ nhưng thật ra ông Quoc Tran chỉ là Nhà khoa học dữ liệu của Công ty Walmart chuyên về Dự báo, Định giá và Lý thuyết trò chơi (Principal Data Scientist at Walmart specialized in Forecasting, Pricing and Game Theory)
Nếu nhìn lại những gì mà ông Vũ Thành Tự Anh từng làm hay nói, chắc chắn không một ai có kiến thức dù căn bản nhất cũng không dám mời ông tư vấn trong bất cứ lĩnh vực nào, bởi kiến thức sơ đẳng của một chuyên gia như ông đã bị méo mó vì một chữ “nịnh”. Không còn một từ nào khác miêu tả phát biểu của ông trong Hội thảo “Định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” ông TS Fulbright này nói như đinh đóng cột: “Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2035, sẽ có hơn 50% dân số Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu”. (2)
Chỉ có thể nói rằng do nịnh chính quyền ông mới phát biểu như thế vì trong tư cách là một TS kinh tế, ông không thể nào khẳng định một việc bất khả thi trong khi hơn 80% dân chúng Việt Nam vẫn trong tình trạng vừa vượt ngưỡng đói nghèo.
Ông Nguyễn Thành Phong tới giờ này không biết “sự nghiệp chính trị” sẽ ra sao khi bị triệu tập về trung ương với chức vụ Phó ban Kinh tế Trung ương, một chức vụ dành cho người sắp bị trảm. Không biết rồi đây trong “trảm sớ” của ông có khoản nào ghi rằng “tắc trách trong việc thành lập Tổ tư vấn chống Covid-19 khiến hàng trăm ngàn người dân chết oan và đẩy nền kinh tế TP HCM rơi vào vực thẳm” hay không?
(1) https://nld.com.vn/thoi-su/dich-covid-19-tp-hcm-da-dat-dinh-chuyen-gia-d…
(2) https://tinnhanhchungkhoan.vn/ts-vu-thanh-tu-anh-tp-hcm-can-phat-trien-t…
Leave a Comment