Nếu sau ngày 15-9-2021 ở TP.HCM vẫn tiếp tục ‘đóng băng’ như hiện tại của yêu cầu giãn cách, rất có thể Intel sẽ phải rời Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỷ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỷ đồng tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn hiện có gần 44.000 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động. Trong đó, lao động đang làm việc tại 1.881 doanh nghiệp trong khu công nghiệp là 610.000 người. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đã có 184 doanh nghiệp giải thể và 257 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa.
Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, đã có 70 doanh nghiệp với 10.455 lao động ngừng hoạt động; 256 doanh nghiệp giảm lao động với 6.574 công nhân. Hiện Đồng Nai có 3 công ty có số lượng công nhân đông nhất phải tạm thời cho nghỉ việc gồm: Công ty TNHH giày Pouchen với 17.000 công nhân, Công ty Taekwang Vina với gần 14.000 công nhân; Công ty Changshin Việt Nam với 42.000 công nhân.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Đồng Nai, theo ông Dũng là việc triển khai phương án “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp phải chi nhiều chi phí để duy trì được sản xuất. Lây nhiễm chéo trong các doanh nghiệp còn nhiều; việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vắc xin còn hạn chế khi mới chỉ có 800.000 liều trên tổng số 2,2 triệu người cần tiêm.
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 22/31 khu công nghiệp có F0. Đến ngày 25-8-2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 19,7 ngàn ca dương tính với Covid-19, trong đó có hơn 8,1 ngàn ca đã bình phục và gần 12 ngàn ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Hiện Đồng Nai vẫn đảm bảo cho công tác điều trị các ca nhiễm bệnh và cách ly các trường hợp F1. Tuy nhiên, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca nhiễm bệnh tăng cao thì tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu bệnh viện dã chiến để điều trị, thiếu thiết bị y tế, thiếu bác sĩ, nhân viên y tế và thiếu kinh phí hỗ trợ cho người dân bị mất việc làm.
Hiện các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang hy vọng đến ngày 1-9-2021, tỉnh kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và hết giãn cách xã hội. Như vậy, nhiều doanh nghiệp đang tạm dừng sản xuất, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất nhưng chỉ giải quyết cho 30-70% lao động có thể khôi phục lại sản xuất bình thường.
Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 giảm giảm 17,3% so tháng trước và giảm hơn 13% so cùng kỳ năm 2020, hầu hết các ngành công nghiệp đều có chỉ số sản xuất giảm so tháng trước.
Những gì đang diễn ra ở Đồng Nai về đời sống kinh tế cũng là bức tranh chung của cả nước.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 khó khăn lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là: thiếu hụt dòng tiền; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng; lưu thông hàng hóa bị cản trở; tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp; khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ nhiễm Covid-19 rất cao, chỉ sau TP.HCM, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và phải dừng hoạt động, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thống kê của Cục Hải quan Bình Dương về số lượng tờ khai hải quan từ ngày 15-7 đến 15-8 cho thấy sự sụt giảm tới 42% và kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm trên 32% so với tháng trước đó. Hàng năm, có trên 2.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động, làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương. Tuy nhiên, theo thống kê, trên 600 doanh nghiệp trong số này phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 7.
Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính từ ngày 10-6-2020 đến nay, tại 14 tổ chức tín dụng lớn, có khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu tính trên toàn hệ thống, số dư nợ còn lớn hơn rất nhiều. Nhiều khoản nợ giải ngân từ thời điểm đó đến nay có khả năng bị chuyển thành nợ xấu.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang trong tình trạng kiệt quệ, đứt nguồn tiền, bởi thiệt hại quá lớn. Chỉ riêng chi phí xét nghiệm thôi cũng rất khủng khiếp. Chẳng hạn, một công ty có 150 lái xe, hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Việc này ước tính gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày cho các doanh nghiệp thành viên hiệp hội.
Ở TP.HCM, nơi có nhà máy của hãng Intel, đang đảm nhận sản xuất các sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10, và doanh nghiệp Mỹ này hiện chiếm 64% kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2021, cũng đưa ra thông báo là nếu sau ngày 15-9-2021 ở TP.HCM vẫn tiếp tục ‘đóng băng’ như hiện tại của yêu cầu giãn cách, rất có thể họ sẽ phải rời Việt Nam./.
#coronavirus #csvnchốngdịch #doanhnghiệpFDI
Leave a Comment