Nguyễn Hùng – VOA
Nạn nhân chính trị lớn nhất của đợt dập dịch bất thành và bị dịch dập liên hồi cho tới nay chính là Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, người đã bị Bộ Chính trị cho thôi chức từ ngày 20/8 và chính thức bị miễn nhiệm hôm 24/8.
Nhưng vị trí quyền lực nhất tại thành phố trên 10 triệu dân thuộc về ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành uỷ, một trong số 18 uỷ viên Bộ Chính trị.
Về mặt chính thức, ông Nên dường như vẫn ủng hộ vị cựu chủ tịch. Ông được trang tin VTC dẫn lời nói về ông Phong: “Khi cầm quyết định [của Bộ Chính trị điều ra giữ chức Phó trưởng Ban kinh tế trung ương] trong tay, đồng chí Tư Phong có nói – tôi rất áy náy khi phải rời thành phố vào lúc này. Tôi nói, chúng ta đã cố gắng hết sức.”
Nhưng sự “cố gắng hết sức” đó lại là chưa đủ với người dân thủ đô thương mại của Việt Nam nơi hơn 180.000 người đã nhiễm Covid và số người tử vong đang tiến gần tới 7.000, một thống kê có nhiều khả năng là không đầy đủ.
Chính ông Nên cũng đã thừa nhận có “khuyết điểm” từ cách đây gần một tháng: “16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ.”
Mặc dù có lợi thế đi sau các nước từng bị dịch hoành hành cả hơn một năm trời và vào lúc thế giới đã sáng chế ra vắc-xin, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn hoàn toàn lúng túng trước Covid. Chỉ cần họ nhìn tấm gương của các nước đi trước là đã có thể rút ra những bài học hữu ích. Tuy nhiên thành phố Hồ Chí Minh vẫn có những quyết định võ đoán khiến giãn cách xã hội không được đảm bảo và nhiều người nghèo khó bị bỏ rơi giữa đại dịch.
Sài Gòn vỡ trận
Sự vỡ trận ở Sài Gòn đã khiến lực lượng quân đội phải vào cuộc với hàng lính quân y từ Hà Nội bay vào cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, uỷ viên Bộ Chính trị. Tướng Giang được Tuổi Trẻ dẫn lời nói: “Đây là trận chiến, không thắng không về.”
Mặc dù trước đó truyền thông nhà nước đưa tin quân đội sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố Hồ Chí Minh, Tướng Giang nói: “Những gia đình có điều kiện mua đủ 10 ngày nhưng nhỡ sang ngày thứ 10 bị thiếu không đi mua được thì phường phát túi này [lương thực, thực phẩm tối thiểu] chứ không được đi mua. Ăn để sống chứ đi chợ hộ, mua siêu thị theo kiểu nhà giàu là không được. Bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong không có sức nổi vì [thành phố] rất lớn.”
Những hình ảnh binh lính bồng súng cũng như dùng tới cả chiến xa đã khiến nhiều người dân thắc mắc liệu Covid có sợ những vũ khí đó không hay chỉ làm cho người dân thêm mệt mỏi.
Hàng ngàn lính từ Sư đoàn 309 ở Biên Hoà cũng được điều về thành phố Hồ Chí Minh trong khi 200 cảnh sát cơ động được điều tới Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang và Kiên Giang.
Các diễn biến này cho thấy bức tranh có vẻ giống với chống dịch kiêm chống giặc hơn là khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” vì súng AK, xe tăng cũng như cảnh sát cơ động đâu có thể làm Covid hề hấn gì.
‘Không để dịch dây dưa mãi’
Sự thất thủ của thành phố Hồ Chí Minh trước Covid cũng khiến Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, người không đắc cử Bộ Chính trị hồi đầu năm 2021, đưa ra bình luận mà uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Nên có thể không ưa: “Lúc này chúng ta phải thực hiện kỷ luật thật nghiêm. Ai không hoàn thành nhiệm vụ thì thay thế. Tuyệt đối không được để dịch bệnh dây dưa mãi trong cộng đồng.”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có gần 350.000 ca nhiễm Covid với khoảng 8.300 người tử vong. Đây không phải là số ca nhiễm lẫn con số tử vong lớn so với thế giới nhưng thế giới đã đi trước Việt Nam xa về phòng bệnh và chữa bệnh trong khi Việt Nam mới ở giai đoạn đầu.
Nếu chỉ so trong khu vực, Thái Lan có trên một triệu ca nhiễm, gần gấp ba Việt Nam nhưng số tử vong là gần 9.600, chỉ hơn Việt Nam chưa tới 1/5. Malaysia có trên 1,5 triệu ca nhiễm, gấp hơn bốn lần Việt Nam, với trên 14.000 người chết do Covid, chưa tới gấp đôi con số của Việt Nam. Cam-Pu-Chia có gần 90.000 ca với số tử vong gần 1.800 và tại Lào con số tương ứng là gần 12.500 và 11./.
Leave a Comment