Tân Phong – Việt Tân
Mới đây, một số tờ báo Việt Nam cho biết “TP.HCM xin hỗ trợ khẩn 28.000 tỷ đồng, 142.200 tấn gạo.” Tờ Tiền Phong đăng tải hôm 17 tháng Tám.
“…Chiều 17/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành văn bản kiến nghị gửi thủ tướng chính phủ, Bộ Tài Chính và Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, để người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP.HCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, UBND TP.HCM kiến nghị thủ tướng chính phủ, bộ trưởng Bộ Tài Chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP.HCM với số tiền hơn 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo…
Số tiền và gạo này sẽ được phân phát hỗ trợ cho 1.580.100 hộ gia đình (số lao động nghèo là 4.749.330 người). Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người…”
Ngoài ra, TP.HCM cũng cho biết sẽ hỗ trợ vô điều kiện cho 2,5 triệu người trong diện khó khăn ngay trong tuần sau với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người và 10 kg gạo… Có thể nói rằng đây là những thông tin tích cực đối với những người trong hoàn cảnh khó khăn ở thành phố HCM.
Đối với những cây bút đấu tranh quyền lợi của những nhóm dân cư yếu thế, đã lên tiếng phản đối những sai lầm, bất cập trong cách thức phòng chống dịch phi khoa học, vô lương của nhà cầm quyền CSVN thì đây có thể được coi như một sự khích lệ nhỏ bé khi những cảnh báo, chỉ trích giới cầm quyền trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả. Trước mắt, giới chức cộng sản tạm bỏ chiếc “mũ phớt” xuống để nhìn xung quanh chuyện gì đang diễn ra. Người viết xin trích dẫn lại một cảnh báo, với những số liệu cụ thể trong bài viết “Những thay đổi đã quá muộn màng” đăng tải trên trang Việt Tân ngày 7 tháng Tám:
“…Thực tế, nhà cầm quyền CSVN khi thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã hoàn toàn không chuẩn bị các kế hoạch về cứu trợ nhân đạo cho ít nhất 4 triệu dân nhập cư nghèo ở TP.HCM, chưa kể Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… Chính sách bất nhân này dẫn đến việc hàng triệu người nghèo nhập cư bị mắc kẹt lại vì lệnh phong tỏa phải đối diện với thảm kịch ‘chết đói’ ngay giữa thành phố lớn nhất Việt Nam.”
Rõ ràng, những thông tin mà mạng xã hội phản ánh, các cảnh báo, phân tích trên cơ sở khoa học và dự báo về hậu quả các chính sách sai lầm trong phòng chống dịch bệnh, điều hành kinh tế xã hội của nhà cầm quyền CSVN mà Việt Tân liên tục đăng tải thời gian qua là chính xác, sớm hơn nhiều mọi dự báo của các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu phi chính phủ trong nước đăng tải.
Đề xuất của thành phố HCM đã xác nhận tình trạng khó khăn cùng cực của hàng triệu người nghèo, người lao động nhập cư trong thời gian qua như chính lời ông Bí Thư Nguyễn Văn Nên phải công nhận “Hàng trăm nghìn người rời thành phố về quê, trong đó có lý do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào.” UBND thành phố HCM có lẽ đã nhận thấy những bất cập của việc áp dụng Chỉ Thị 16 trong khi không đảm bảo hệ thống hậu cần an sinh và cứu trợ nhân đạo nên đã “ngầm” gỡ bỏ những qui định về “3 tại chỗ” với doanh nghiệp, nới lỏng việc đi lại cũng như giảm bớt các thủ tục khai báo di dân trong nội thành. Việc cứu trợ khẩn cấp là một việc làm đáng ghi nhận của giới chức thành phố.
Con số 1.580.100 hộ gia đình (số lao động nghèo là 4.749.330 người) trong đề xuất cứu trợ khẩn cấp của thành phố HCM đã cho thấy một thực trạng thê thảm đằng sau những thành tựu và tăng trưởng kinh tế hào nhoáng “cao nhất thế giới.” Với dân số khoảng 10 triệu người, lao động nghèo đã chiếm hơn 47% dân số thành phố được coi là giàu có nhất Việt Nam. Đây là một con số trần trụi, trung thực nhất cho cái gọi là những thành tựu kinh tế vượt bậc của nhà cầm quyền CSVN sau 46 năm thống nhất về mặt địa lý.
Điều đáng nói là thành phố HCM suốt nhiều thập kỷ qua vẫn luôn là đầu tàu kinh tế quan trọng nhất của đất nước, đóng góp 1/3 thu ngân sách, 25% GDP và 60% lượng kiều hối. Thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP là 6.328 USD/người theo thống kê năm 2020. Nhưng gần 50% dân số thành phố là những lao động nghèo, họ không hề có tích lũy và là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thành phố bị phong tỏa và không còn kế sinh nhai. Với con số này có thể thấy sự phân hóa giàu nghèo quá lớn và “con bò sữa” HCM đã bị vắt kiệt đến như thế nào.
Vấn đề ở đây là Ba Đình liệu có chấp thuận đề nghị của thành Hồ hay không khi mà số tiền mà thành phố đề nghị (28.000 tỷ đồng) đã hơn gấp đôi số tiền mà trong hơn 6 tháng qua nhà cầm quyền chi cho phòng chống dịch bệnh (12.700 tỷ đồng). Nên nhớ, ngay cả khi dân Saigon chết như rạ không kịp thiêu thì số lượng vaccine mà thành Hồ được nhận cũng ít hơn nhiều số lượng vaccine phân bố cho Hà Nội và dân Saigon cũng chỉ được “ưu tiên” xài vaccine Tàu thay vì Pfizer hay Moderna mà dân Hà Nội được tiêm.
Trước khi cơn đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát và trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất của thế giới trong suốt 100 năm qua, Việt Tân đã cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn về các thảm họa môi sinh, xã hội đối với miền Nam Việt Nam vì thực trạng hạ tầng của miền Nam quá thiếu thốn, xuống cấp, không được đầu tư đúng mức trước các thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và y tế. Đây là hệ quả của chính sách “đào Nam, đắp Bắc” của Hà Nội áp dụng trong nhiều thập kỷ, khi gần như toàn bộ nguồn thu của thành phố đều phải nộp về trung ương. Thành phố HCM chỉ được giữ lại 18% thu ngân sách để sử dụng và số tiền này không đủ để nuôi một bộ máy quan liêu cồng kềnh, nhũng lạm. Đầu tư vào hạ tầng mới vô cùng thấp. Nếu như so sánh giữa Hà Nội và thành Hồ thì giờ đây có thấy rõ sự tụt hậu về hạ tầng xã hội ở hai thành phố này. Những cảnh báo của Việt Tân đã hoàn toàn chính xác và cơn đại dịch Covid-19 bộc lộ những yếu kém của hạ tầng xã hội, hệ thống an sinh và quản trị công…
Những thảm kịch đã, đang và sẽ diễn ra ở miền Nam Việt Nam sẽ đều có chung một nguyên nhân sâu xa từ sự yếu kém, bất lực của hệ thống chính trị, chính sách cai trị đầy bất công và phân biệt vùng miền của nhà cầm quyền CSVN. Lời cầu cứu của ủy ban nhân dân thành phố HCM vừa qua cũng đã cho ta thấy một bức tranh xám xịt đằng sau tất cả những con số đầy ma mị, khoa trương và dối trá. Nó cũng cho thấy, cái thành tựu “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay” mà ông Nguyễn Phú Trọng liên tục tự sướng nó được xây bằng việc nô dịch hàng triệu người dân Việt Nam, bóc lột một cách tinh vi và cai trị vô nhân tính với một nửa đất nước như thế nào.
Nếu như chỉ riêng thành Hồ có tới hơn 4,7 triệu người dân nghèo cần được cứu trợ khẩn cấp thì 19 tỉnh thành con số này sẽ là bao nhiêu? Như người viết ước tính sơ bộ đã có ít nhất 10 triệu dân nghèo các đô thị miền Nam cần được cứu trợ ngay lập tức. Nếu không, sẽ có một thảm họa nhân đạo tồi tệ và điều này nhanh chóng dẫn đến một khủng hoảng xã hội ở tầm quốc gia.
Tân Phong
Leave a Comment