Tôi cố bám lấy đất nước tôi

Từng đoàn người di tản về quê lánh dịch Covid-19. Ảnh chụp Youtube Việt Tân
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Tôi đã bám lấy đất nước tôi, bằng sức người vô hạn.
Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom,
Tim mang nghìn dấu đạn.
Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi
Để mong ở lại đây
Dù thế nào cũng ở lại đây.

Nhưng đất đã đỏ, vì bị nung bằng những lời dối trá
Người bám vào lửa đã đốt cháy tay
Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng
Người lừa nhau, trời đất còn bưng mặt thảm thương

Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ?
Người giết người, không kịp mở mắt trông
Ba mươi năm mạng người như rác cỏ
Giây hóa bình, còn thắt cổ người tin

Tôi đã bám lấy đất nước tôi, bằng sức người đã kiệt
bằng sức người đã tả tơi ước mơ, tay chân dường rũ liệt
Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh, trong sông biển yêu thương.
Cho dẫu lòng đã bạc lòng mong.

- Quảng Cáo -

– Nguyễn Đình Toàn

Hôm qua, một người bạn gửi cho tôi tấm ảnh người ta giao tro cốt những người đã chết vì Covid-19 về cho thân nhân như giao một mớ rau ở Saigon. Những lọ sành đựng tro cốt, chồng chất trên một cái thùng nhựa đựng hàng buộc phía sau một chiếc xe máy. Tôi thấy những người dân nghèo lao ra đường giơ tay cầu xin những gói mì, những ổ bánh mà những thiện nguyện viên cố liều mình “thông chốt phong tỏa,” lao vào quăng cho những người dân đang đói lả trong khu cách ly.

Tôi thấy những bóng hình gầy gò, mò mẫm những thùng rác góc đường dưới ánh đèn vàng vọt cố tìm được thứ gì có thể ăn, những đứa trẻ lăn lóc trên vỉa hè cùng cha mẹ trên hành trình dài trốn chạy khỏi Saigon, những khuôn mặt héo quắt, xạm đen vì đói, vì lo sợ, vì tuyệt vọng khắp mọi nơi… Bất giác, cảm xúc không còn thể nào kiềm nén được, nước mắt ầng ậc tuôn ra, môi phải mím chặt lại để ngăn không bật lên thành tiếng.

Tôi mới xa Saigon ít bữa, mà giờ đây mảnh đất nơi tôi đã nương náu, đã hòa mình vào triệu kiếp tha phương bao nhiêu năm tháng, đã gắn bó, đã hiểu và đã yêu mảnh đất ấy như một phần cơ thể mình, nơi tôi thấy mình đã được sống một đời sống vui vẻ, bỏ lại sau lưng những sầu hận, cay đắng, mất mát ở xứ Bắc, nơi có những tình thương anh em, có tình vui vơi bớt sầu viễn xứ… Vậy mà, giờ đây, đâu rồi Saigon hoa lệ? Cả triệu người khóc than, ngàn vạn sinh linh, thân xác thành tro bụi, những dáng người rã rời vật vờ góc phố vỉa hè, vừa phải trốn chạy đám sai nha vừa chờ đợi vô vọng may mắn có ai đó đem tới cho một gói cơm, miếng nước. Đồng bào của tôi, anh em của tôi sao phải chịu quá mức đọa đày thế này? Chợt nhớ những câu ca oán thán, nỉ non, đau đớn tột cùng của nhạc sĩ tài danh Nguyễn Đình Toàn với tiếng hát liêu trai ai oán của Khánh Ly như trăm ngàn mũi dao kiếm xé nát tâm can, khiến lòng ta vỡ vụn trong cảm xúc bi thương.

Hôm nay, đọc “báo đảng” thấy ông bí thư thành Hồ đăng đàn nói rằng tro cốt những người chết vì Covid-19 sẽ do Bộ tư lệnh thành phố bảo quản, chi phí hỏa táng, khâm niệm và giao về cho gia đình sẽ hoàn toàn do thành phố chi trả. Tôi lại thấy đám quan chức cộng sản nói về những khoản trợ cấp này nọ. Câu chuyện tiền trợ cấp đã nhàm tai lắm rồi.

Xóm trọ Pouchen nơi tôi ở, hàng vạn người bị mất việc từ những đợt dịch thứ 2, thứ 3, lay lắt bám đất Saigon hy vọng dịch giã rồi cũng qua, công ty sẽ gọi họ lại làm việc. Nhưng càng đợi, càng hy vọng thì càng vô vọng. Người quay ra chạy xe ôm, phu hồ, người bán mớ rau, con cá, vé số, ve chai… Nhưng rồi, khi cơn dịch lần thứ 4 tới, thì không ai còn công việc gì nữa. Nắm gạo cuối cùng nhiều người đã ăn từ tháng trước. Mọi người đắp đổi cho nhau từng nắm rau, bát gạo, gói mì. Rồi thì tất cả cũng hết!

Chưa ai được lãnh một đồng tiền “hỗ trợ” nào từ nhà nước này. Nhưng số tiền mà công ty hỗ trợ họ mất việc theo thâm niên đã bị khấu trừ thẳng “thuế thu nhập cá nhân” ngay khi công ty chi trả quyền lợi cho người lao động. Số tiền bảo hiểm xã hội muốn rút một lần thì bị cắt, bị bớt, bị chặn đầu đuôi, lót tay cho đám cán bộ BHXH mới được thanh toán, khi xong hết các thủ tục, nhận về số tiền tiết kiệm hơn 20 năm trời mà mình “gửi ông nhà nước,” giờ chẳng còn lại được phân nửa số đã gửi “đảng và nhà nước” giữ hộ.

“Báo đảng” nói 100% người nghèo đã được hỗ trợ mà cả vạn người ở cái xóm Pouchen ấy không một ai được nhìn thấy cái mặt ông Hồ in trên đồng tiền “hỗ trợ” nó ngang dọc ra làm sao? Thế mới thấy, cái sự ưu việt của chế độ của bọn kẻ cướp. Chúng nó cướp bóc thật ưu việt làm sao. Bây giờ, “chúng nó” lại nói rằng sẽ chi trả hết chi phí thiêu xác, khâm liệm, giao tro cốt cho thân nhân những người chết vì Covid-19. Sao chúng nó cứ nói láo hoài, bức hại người dân đến cùng đường mà không sợ Trời đánh hay sao?

Mấy hôm nay, người dân lại được một phen “bổ ngửa” khi nghe câu chuyện “y đức sáng ngời” của ông bác sĩ nào đó tên là Trần Khoa đã rút ống thở của mẹ đẻ để cứu một sản phụ bị nhiễm Covid-19 nằm cùng phòng khi mà tiên lượng bà mẹ đẻ không qua khỏi. Câu chuyện cảm động này được một phó tổng biên tập một tờ báo đảng là ông Nguyễn Đức Hiển “tút” trên trang cá nhân và được chia sẻ rầm rầm. Nhưng sau khi Sở Y Tế TP.HCM khẳng định đó chỉ là “câu chuyện hư cấu” và ông bác sĩ Trần Khoa đích thị là một phiên bản Lê Văn Tám thứ 2 khiến cho rất nhiều người choáng váng vì không thể tin nổi đám bồi bút CSVN vẫn có thể hàng ngày trắng trợn bịa tạo ra những câu chuyện như vậy.

Thậm chí, một việc lớn như việc “đảng và nhà nước” đặt mua 50 triệu liều vaccine của Pfizer cũng đích thị là câu chuyện “vườn mơ trước mặt” mà Tào Tháo nói dối với đám quân sĩ đang chết khát trên đường hành quân. Người ta không hề thấy thông tin về hợp đồng này trên trang nhà của công ty Pfizer. Những thông tin, báo đài chính thống của “đảng và nhà nước” vốn không thể tìm được một mẩu sự thực và trên không gian mạng xã hội có vô vàn đám bồi bút vô sỉ tri cực như Nguyễn Đức Hiển và hàng chục ngàn đám “bò đỏ,” dư luận viên sẵn sàng tấn công tất cả người dân nào có ý kiến phản biện hay nói lên sự thực. Chúng lúc nào cũng có thể dối trá, lừa đảo, trắng trợn nói không thành có, ngụy tạo ra những câu chuyện hư cấu để tuyên truyền, lừa đảo người dân nhẹ dạ. Chúng gọi là “nghệ thuật tuyên truyền.”

Ở ngoài kia, gió rít lên từng cơn, sấm sét kinh hoàng sáng lòa đêm đen giông tố, tôi vẫn nghe thấy tiếng hát não nề, ai oán.

“Tôi đã bám lấy đất nước tôi, bằng sức người đã kiệt
bằng sức người đã tả tơi ước mơ, tay chân dường rũ liệt
Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh, trong sông biển yêu thương.
Cho dẫu lòng đã bạc lòng mong.”

Đất nước tôi, phận dân tôi, rồi thì trôi nổi về đâu?

Tân Phong

- Quảng Cáo -