Nhà tù là hình mẫu về trường hợp cách ly với xã hội. Tù nhân ở trong tù, ăn trong tù và sinh hoạt trong tù, hầu như không có người ngoài xã hội tiếp xúc với họ ngoại trừ cai ngục. Ấy vậy mà ngày 6/7 vừa qua trại giam Chí Hòa đã xảy ra cuộc nổi loạn, nguyên nhân là Covid xâm nhập vào trại giam. Mà khi covid nhập vào đây thì tốc độ lây lan còn kinh khủng hơn ngoài xã hội rất nhiều bởi vì môi trường quá chật chội và dơ bẩn. Tù nhân bị đẩy vào thế phải nổi loạn để được chính quyền đưa đi họ cách ly chứ ở lại là dính chắc. Chuyện nhà tù bị bùng thành ổ dịch đâu chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng bị.
Chính quyền CS Việt Nam dùng mô hình “3 tại chỗ” để “chống dịch” cho các doanh nghiệp thì lợi bất cập hại. Một doanh nghiệp rất đông công nhân mà lại hoạt động sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ thì khác nào một nhà tù? Tính ra công nhân xí nghiệp tiếp xúc với xã hội bên ngoài dễ dàng hơn tù nhân, ấy vậy mà nhà tù bị bùng thành ổ dịch thì làm sao xí nghiệp an toàn hơn được? Đã có nhiều xí nghiệp xảy ra hiện tượng công nhân phá rào chạy thoát thân vì trong xưởng có người nhiễm. Tâm trạng của công nhân lúc đó khác nào tâm trạng của tù nhân nhà tù Chí Hoà khi bạo loạn?
Vậy rõ ràng là mô hình “3 tại chỗ” hoàn toàn vô tác dụng. Đấy là chưa nói đến việc doanh nghiệp phải gồng mình lo chi phí ăn ở và xét nghiệm y tế cho công nhân vô cùng tốn kém. Với cách làm bắt buộc như thế, chính quyền CS Việt Nam đã đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, nhân lực của công ty cũng phải được tăng cường tối đa, đôi khi không đủ nhân lực lo cho công nhân. Chính vì thế chủ doanh nghiệp thì đuối sức, công nhân thì ngao ngán và mệt mỏi vì bị nhốt tù. Cuối cùng, dù không bị virus tấn công thì doanh nghiệp cũng hụt hơi, và đã có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì chi phí sản xuất quá lớn không có lời.
Hiện nay cả Thái Lan và Việt Nam đều đang trong tâm bão cơn đại dịch. Số ca bệnh của Thái Lan hiện đã lên đến trên 20 ngàn ca, tuy vậy quốc gia này cũng không ra những chính sách manh tính chất bào mòn nội lực doanh nghiệp như mô hình “3 tại chỗ” mà CS đã nghĩ ra. Thay vào đó, người ta chỉ quy định đơn giản là khi ra khỏi nhà phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách, nhớ khử khuẩn và không được tụ tập nơi công cộng. Đối với những trường hợp đã nhiễm thì tự phát hiện, tự cách ly và tự chăm sóc cho cả doanh nghiệp và gia đình. Chính quy định thế cũng đã giảm tải cho doanh nghiệp và cho hệ thống y tế. Đơn giản vậy thôi, cho nên các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra có điều là cường độ ít hơn lúc không có dịch.
Hôm nay trên báo Vneconomy có cho biết, cảng Cát Lái, cảng lớn nhất Việt Nam, cảng đảm nhiệm 40% hàng xuất khẩu của cả nước đã chính thức tắc nghẽn. Nguyên nhân là do hàng loạt doanh nghiệp nhập cảng ngưng hoạt động. Mà các doanh nghiệp nhập cảng ngưng hoạt động thì có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là do doanh nghiệp bị bùng thành ổ dịch vì mô hình “3 tại chỗ”, thứ nhì là doanh nghiệp bị đuối phải đóng cửa vì mô hình này làm cho chi phí sản xuất quá cao. Nói chung là mô nình “3 tại chỗ” của ĐCS đưa ra giờ nó không những không hiệu quả mà vô cùng tác hại. Chính nó góp phần vào việc chặt đứt chuỗi cung ứng làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày một khó khăn hơn.
Năm 2020, ĐCS đã may mắn không gặp cơn bão đại dịch tấn công, thay vì nhìn nhận đó như là sự may mắn thì ĐCS đã tự mãn lo khoe khoang chứ không lo học hỏi. Đến khi đại dịch tấn công thật thì vẫn thói tự mãn quyết vẽ vời cách chống dịch riêng chứ không chịu học hỏi ai. Họ đã đẻ ra nhiều cách chống dịch quái đản không những không mang lại lợi ích gì mà đẩy đời sống nhân dân đến chỗ khốn cùng, đẩy hàng loạt doanh nghiệp đến bờ phá sản và đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày một lún sâu vào khủng hoảng. Những sai lầm đó, nếu ai dám chỉ trích thì không những ngoan cố không sửa mà ngược lại còn tấn công người nói sự thật. ĐCS là vậy, không bao giờ biết nhận sai nên nó trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác và đổ mọi hậu quả lên đầu dân./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57718382
Leave a Comment