Không biết có phải từ quyết định của Quốc Hội công nhận ba loại bằng : bằng chính quy, bằng chuyên tu, bằng tại chức, có giá trị như nhau, khiến người soạn thảo văn bản, người ký ban hành, người đọc hiểu và thi hành văn bản có thể có bằng cấp như nhau nhưng khác nhau về loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, chuyên tu) nên đôi khi không tránh khỏi hiệu ứng không đồng bộ với nhau, xoay quanh một quỹ đạo tròn không trùng vận tốc góc (loại hình đào tạo), gây ra nhiều chuyện xử lý vi phạm chỉ thị 16CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dở khóc dở cười ?
Trở ngại lớn nhất trong việc xử lý vi phạm mà nhiều người cho là không hiểu nổi của các cán bộ thi hành công vụ thời gian qua là:
– Hàng hóa thiết yếu là những loại hàng hóa nào ? Thiết yếu đối với người ra văn bản? Người ký văn bản? Người xử phạt hay người bị xử phạt? Chẳng hạn, đối với phụ nữ thì băng vệ sinh, tả em bé là hàng hóa thiết yếu, nhưng người soạn văn bản, ký ban hành văn bản và người thực thi văn bản chắc là đàn ông, nên đối với họ băng vệ sinh, tả em bé không phải là hàng hóa thiết yếu, và dĩ nhiên những ai đi mua loại hàng này có thể bị phạt… Nói cách khác, hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu sống mỗi người, mỗi giới, mỗi lứa tuổi khác nhau, rất khó để liệt kê, nên sao không làm ngược lại, là liệt kê những loại hàng hóa bị cho là không thiết yếu, bị cấm hoặc hạn chế mua bán trong thời gian giãn cách? Để lỡ có thiếu sót liệt kê hàng không thiết yếu thì cũng không ảnh hưởng gì đến ai, hạn chế điều tiếng như vụ xử lý vi phạm mua bắp, mua bánh mì, chở gaz, chở thuốc men, vật tư y tế v.v…
– Thế nào là người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết ? Người ra văn bản, ký ban hành văn bản, người thi hành văn bản và người chấp hành văn bản hiểu về sự cần thiết chưa hẳn trùng nhau. Theo cán bộ soạn thảo, ban hành và thừa hành thì đi cấp cứu, mua thuốc uống, mua lương thực thực phẩm, làm việc trong một số cơ quan, ngành nghề nào đó… Là chuyện cần thiết. Nhưng người dân thì cho là việc kiếm tiền là chuyện rất cần thiết, vì không có tiền lấy gì đi bệnh viện, đi mua thuốc uống, đi mua lương thực thực phẩm? Tỉ như giới nông dân, làm gì có ruộng đất trong khu dân cư, phải đi ra khỏi xã phường để chăm sóc hoa màu, chăn nuôi thường nhật, bị hạn chế không đi ruộng đồng được lấy gì sống? Việc đi nhận hàng tiếp tế của người thân gửi đến cũng là việc cần thiết. Nghĩa là có việc cần thiết cho người này, ngành nghề này nhưng lại không cần thiết cho người kia, ngành nghề kia. Áp dụng một khái niệm mang tính chung chung để xử phạt dễ tạo ra sự tùy tiện theo cảm xúc và sự lạm quyền.
Một lẽ khác, theo pháp luật Việt Nam, chỉ thị chỉ là văn bản điều hành của chính phủ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể căn cứ chỉ thị để xử phạt. Có thể đó là lý do ông chủ tịch UBND TPHCM đã nói lòng vòng về chỉ thị 12 của TP rằng không phải là lệnh giới nghiêm dù nó là giới nghiêm.
Nghĩa là nếu là lệnh giới nghiêm thì đó là pháp lệnh, có thể tạm ngưng hành lang pháp lý hiện hành để thay thế bằng những sắc lệnh cấp bách mà không cần thông qua QH, nhằm ổn định trị an. Còn chỉ thị chỉ là văn bản điều hành, không phải là văn bản quy phạm pháp luật, càng không thể là lệnh giới nghiêm, nên căn cứ chỉ thị để xử phạt là hơi khó hiểu.
Tuy nhiên, hiểu rõ và dẫn giải luật pháp là lãnh vực của giới luật sư, NR là dân ngoại đạo không dám lạm bàn. Chỉ cứ mãi ám ảnh, theo QH giá trị ba loại bằng: chính quy, tại chức, chuyên tu như nhau dù chất lượng ba loại bằng ấy khác nhau, tức đồng thời vừa như nhau vừa khác nhau vừa giống nhau vừa… Bánh mì, bắp không phải là thực phẩm, vừa băng vệ sinh, tiền, tả em bé, thuốc men và vật tư y tế… Không phải hàng thiết yếu, tử không phải là chết v.v… Và đi ra trụ ATM rút tiền không phải là việc cần thiết. Chỉ chưa biết, bị bó giò hết tiền ăn ngồi khóc hu hu có phải là chuyện cần thiết?
Nguyen Khan
Leave a Comment