Những vụ như “ông ngoại”, “anh trai”, “chú em” sẽ chẳng ai biết cả nếu chính các “cháu ngoại”, “em gái mưa”, “người anh cả” không ồm ộp khoe lên. Nhưng tại sao họ lại khoe?
Thứ nhất, nếu biết đó là xấu, là sai, là vi phạm pháp luật thì có cậy mồm các vị ấy cũng không khai, nói chi đến reo hò lên như thế! Khi hoàn toàn mất khả năng phán đoán của lý trí, khoe là tất nhiên.
Thứ hai, quan trọng – nếu nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, thực ra người Việt rất nghèo. Rõ ràng, các “đồng chí” khoe tiêm vaccine xịn ấy đều giàu có, địa vị, danh giá cả. Họ không phải hạng cùng đinh, không phải dân đen nghèo rớt mùng tơi. Cuộc sống của họ xa hoa và đầy quyền uy. Vậy tại sao họ lại phải khoe khoang một liều vaccine như thế? Thực ra đây không phải lần đầu họ khoe, trước đó họ đã khoe giày, khoa nón, khoe xe, khoe ăn nhà hàng, khoe uống rượu ngoại… Họ thèm khát sự công nhận của đồng loại đối với cái giàu và cái oai của mình. Nếu không có sự trầm trồ của tha nhân thì cuộc sống của họ lập tức vô nghĩa. Cho nên, khoe là một cơ chế tự động, là lý do sống còn, là niềm hạnh phúc tột cùng và gần như duy nhất. Tại sao thế? Vì đời sống nội tâm của những con người ấy nghèo nàn thảm hại, gần như trống rỗng. Nếu không có những sự xuýt xoa và ánh mắt ngưỡng mộ của người khác thì đời sống ấy lập tức vô nghĩa.
Nhiều nhà giàu VN, vì có cả sự giàu lên bằng những lý do vốn nằm ngoài 2 bàn tay nên ngoài một sự cứu rỗi là phải giàu thêm thì họ chỉ còn một lý do duy nhất nữa để sống, đó là phải phô phang sự giàu có và xa hoa ấy ra. Ông Giuốc-đanh là một điển hình cho loại này. Việt Nam bây giờ thì có quá nhiều ông Giốc-đanh như thế. Giàu có bằng sự bất minh, bằng tham ô nhũng lạm, bằng muôn phương nghìn kế đã để lại trong tâm hồn họ một khoảng trống mênh mông, vì sự vắng mặt của tri thức và văn hóa.
Nhớ cách Nietzsche gọi loại người này: Người lùn.
Những người có nhân cách, có văn hóa và sự đủ đầy của nội tâm là do sự quay về với thế giới bên trong, suy tư và xây dựng hệ giá trị của phẩm tính văn minh cùng niềm hạnh phúc nội tại. Họ không nô lệ hoàn cảnh, không nô lệ ánh nhìn của kẻ khác. Họ tự tin và tự chủ. Họ tự do và cống hiến.
Những vụ “ông ngoại” vừa qua cho thấy rất nhiều điều về xã hội Việt Nam. Từ đây mà phân tầng thì có thể chia hai: tầng lớp dưới thì nghèo tiền, tầng lớp “thượng lưu” thì nghèo văn hóa. Cả một đất nước đói nghèo, đói nghèo ngay cả khi ngự trong các villa và ngồi trên xe bạc tỉ. Cả 2 tầng lớp ấy đều đáng thương, vì một bên là hành khất của miếng ăn, bên kia là ăn mày cho ánh mắt (tha nhân). Cái đau khổ là, loại sau vốn nhiều khi lại chính là nguyên nhân sinh ra loại trước./.
Thái Hạo
Leave a Comment