Tôi xây cho anh một công trình 5,9 tỷ đô la, nhưng anh chỉ phải trả tôi khoản nợ tôi có 480 triệu đô, anh đồng ý không? Đấy là lời mời chào của chính phủ Trung Quốc với nhà nước Lào. Trông rất hấp dẫn, nhưng thực chất, Trung Quốc có tốt thế không, hay là đằng sau nó có bẫy?
Thực chất dự án này là sự góp vốn giữa Trung Quốc và Lào theo nguyên tắc 70-30. PhíaTrung Quốc bỏ ra tổng cộng 4,2 tỷ đô la tương đương 70%, phía Lào bỏ ra 1,7 tỷ đô la tương đương 30%. Ở phần xuất vốn cho dự án, Ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 3,5 tỷ đô la (tương đương 60% dự án), phần còn lại là 2,4 tỷ đô là do công ty Liên Doanh Trung – Lào góp vào (tương đương 40% dự án). Công ty Liên Doanh Trung – Lào đó có 4 cổ đông lớn, trong đó có 3 cổ đông là các công ty nhà nước Trung Quốc, cổ đông còn lại là công ty nhà nước Lào chiếm 30% cổ phần.
Lại nói về khoản vay 3,5 tỷ đô Eximbank Trung Quốc cho vay thì phía chính quyền Trung Quốc nhận khoản nợ 2,4 tỷ đô la, còn lại chính quyền Lào nhận khoản nợ 1,1 tỷ đô la. Trong đó khoản nợ 1,1 tỷ đô la ấy Lào không nhất thiết phải trả tiền mặt mà có thể được khấu trừ bằng cách nhượng quyền khai thác tài nguyên cho phía Trung Quốc. Đây chính là cái bẫy.
Lại nói về khoản góp 2,4 tỷ đô la mà công ty liên doanh Trung – Lào bỏ ra ấy, phía cổ đông Lào sẽ phải bỏ ra 720 triệu đô (theo tỷ lệ 30% cổ phần trong liên doanh). Tuy nhiên, trong gói 720 triệu đô này thì Ngân Hàng Eximbank Trung Quốc lại cho cổ đông Lào vay 480 triệu đô, còn lại chính phủ Lào xuất ngân sách 240 triệu đô.
Vậy là để có được dự án này, Lào đã dính nợ Trung Quốc 1,58 tỷ đô nhưng trong đó 1,1 tỷ đô là không nhất thiết phải trả bằng tiền mặt mà phía Trung Quốc có thể cấn trừ bằng cách buộc Lào nhượng quyền khai thác tài nguyên. Cuối cùng phía Lào chỉ thanh toán một khoản tiền 480 triệu đô la mà một công ty nhà nước Lào đã vay thôi. Như vậy là Lào có dự án 5,9 tỷ đô mà chỉ phải trả cho phía Trung Quốc 480 triệu đô, không sai chút nào so với lời mời chào. Quá hời, đúng không? Không, không hời chút nào đâu. Vì Trung Quốc không hào phóng cho ai bao giờ.
Nói về khoản nợ 1,1 tỷ đô ấy phía Trung Quốc đã cho phía Lào 2 chọn lựa, hoặc là trả bằng tiền hoặc trả bằng cách nhượng quyền khai thác tài nguyên. Nghe có vẻ như Trung Quốc nhân đạo với Lào vậy, nhưng không, đây là cái bẫy có tính toán. Với khoản nợ 1,1 tỷ đô la đó tưởng như dễ trả nhưng với Lào là không thể nên khả năng 99% là Lào sẽ nhượng quyền khai thác tài nguyên. Vì sao? Vì dự trữ ngoại tệ của Lào chỉ 1,1 tỷ đô thôi nhưng nợ nước ngoài của Lào năm 2020 là 14 tỷ đô la chiếm đến 70% GDP. Nếu trả tiền cho Trung Quốc thì Lào phải xuất ra 1,58 tỷ đô, tiền đâu họ trả? Nên dính bẫy là cái chắc.
Theo báo chí Việt Nam đánh giá, dự án đường sắt cao tốc tại Lào đã giúp cho Trung Quốc đạt được 3 mục đích lớn: “Xuất khẩu vốn; xuất khẩu công nghệ và xuất khẩu con người”, tuy nhiên theo tôi còn có một mục đích nữa, đó là nó sẽ giúp Trung Quốc chiếm dụng tài nguyên nước khác. Tuy hiện tại Tàu chưa chiếm dụng tài nguyên của Lào bằng khoản nợ 1,1 tỷ đô ấy, nhưng khi khoản vay đến thời kỳ đáo hạn thì chắc chắn con cá Lào đã nằm gọn trong cái nơm của Tàu và lúc đó, Lào đành phải dâng tài nguyên cho Tàu thôi. Thoát sao được?
Với khoản nợ 1 tỷ đô với Eximbank, Sri Lanka đã mất cảng Hambantota vào tay Trung Cộng với thời gian sở hữu đến 99 năm, và hiện nay Trung Quốc đang biến cảng này thành cảng quân sự dùng cho mục đích kiểm soát vùng Ấn Độ Dương và tuyến đường biển từ Vịnh Ba Tư vào Biển Đông. Vậy với khoản nợ 1,1 tỷ đô không nhất thiết phải thanh toán bằng tiền thì Lào sẽ thoát được bẫy của Tàu sao? Khó như lên trời hái sao.
Đấy là bài học nhãn tiền cho quốc gia nào đang thân thiện Trung Quốc quá mức. Hiện nay Việt Nam đang xúc tiến dự án đường sắt cao tốc với giá trị gấp 10 lần dự án của Lào. Liệu rằng phía Việt Nam có thể vay ai trong lúc này? Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của Lào. ĐCS có tránh được hay không thì cần có thời gian dài để kiểm chứng, tuy nhiên có một yếu tố chắc chắn là quan chức CS đang rất muốn thực hiện dự án vì những khoản lại quả khổng lồ. Quan chức CS chỉ biết vì quyền lợi của họ chứ không vì quyền lợi quốc gia, lịch sử đã chứng minh quá nhiều rồi. Quyền lợi cá nhân, đến quyền lợi đảng và cuối cùng mới quyền lợi quốc gia. Với bản chất như vậy, Trung Quốc không khó để quẳng mồi để đưa ĐCS vào bẫy./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.iseas.edu.sg/…/ISEAS_Perspective_2019_101.pdf
https://bnews.vn/trung-quoc-gop-von-cho-du-an…/41539.html
https://www.bbc.com/vietnamese/business-57886014
https://datviet.trithuccuocsong.vn/…/trung-quoc-giup…/
https://nhadautu.vn/bay-no-tu-cac-du-an-co-so-ha-tang-cua…
https://datviet.trithuccuocsong.vn/…/trung-quoc-giup…/
#bẫynợtrungquốc
Leave a Comment