Việc thực hiện các biện pháp chống dịch một cách máy móc, tùy tiện ở một số bộ, ngành và địa phương hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân. Đặc biệt là tại Sài Gòn, vì thiếu nguồn cung ứng. Dân bán rau sạch tự cung tự cấp tự sản tự tiêu trong khu dân cư của mình cũng bị cấm trong khi cả thành phố đang đói rau.
Họ phạt rất nặng người dân ra đường tập thể dục, phạt tiệm bách hóa, quán ăn, cà phê, xe bánh mì… lén bán cho người mang về.
Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Nha Trang), Trần Lê Hữu Thọ, nói bánh mỳ không phải là thực phẩm, và phạt người đi mua bánh mỳ. Người này còn xưng hô mày, tao với dân. Điều buồn cười là thay vì đuổi cổ tay phó chủ tịch phường ngu xuẩn nhất trần gian này, thì anh Trần Văn Em, người đi mua bánh mỳ lại bị cho nghỉ việc, như báo Người Lao Động đưa tin ngày hôm qua (19/7).
Vì vậy, cuộc chống dịch Cúm Vũ Hán biến thành cuộc “ngăn sông cấm chợ” triệt để hơn thời bao cấp!
Điều khó hiểu là các chợ truyền thống bị cấm, nhưng các siêu thị và Bách Hóa Xanh (BHX) thì không. Vì vậy người dân đổ xô vào những nơi này và đương nhiên bị chặt chém.
Tại các chợ mặt bằng rộng, có thể bố trí người bán ngồi giãn cách và người mua theo thứ tự, còn an toàn hơn là siêu thị và BHX chật chội, chen chúc nhau, chưa nói là môi trường lạnh ở 2 nơi này là điều kiện lý tưởng cho virus cúm Vũ Hán phát triển. Hơn nữa siêu thị và BHX chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của người dân mà thôi. Như báo Tuổi trẻ ngày 18/7 đưa tin: Mỗi ngày TP.HCM thiếu 1.500 tấn rau củ quả và 400.000 quả trứng.
Nguồn cung cấp rau củ quả cho Sài Gòn hàng ngày chủ yếu là các tỉnh miền Tây, nhưng nay bị cấm, đã khiến dân chúng thành phố lớn nhất nước lao đao trong những ngày qua.
Vì sao bị ách tắc:
Bộ Y tế yêu cầu các lái xe phải có giấy xét nghiệm cô vít thì mới cho lưu hành. Mà mỗi giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày, và phải đóng mấy trăm ngàn, trong khi làm xét nghiệm đã mất 1 ngày.
Bộ GTVT yêu cầu các xe trong diện “luồng xanh” được cấp thẻ mới được lưu thông. Và các lái xe đi vào “luồng xanh” vẫn phải có giấy xét nghiệm cô vít. Nếu không là xe phải quay đầu.
Điều buồn cười là: Nguồn cung cấp rau quả lớn nhất cho Sài Gòn là các tỉnh miền Tây, chỉ cách Sài Gòn mấy chục cây số, cao lắm là trăm cây số, thì bị ngăn trở. Nhưng người ta lại đang định đưa rau từ miền Bắc vào bằng đường hàng không. Điều này được ông Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo Tuổi trẻ 18/07/2021.
Dư luận đặt câu hỏi: Kẻ nào đã trực tiếp gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm tại Sài Gòn?
Trước áp lực khủng khiếp về việc thiếu nguồn cung ứng, buộc những người có trách nhiệm phải có biện pháp tháo gỡ.
Báo Thanh Niên ngày 18/7 đưa tin: Chợ truyền thống ở TP.HCM được mở lại, chỉ bán hàng tươi sống, đồ thiết yếu”.
Theo đó: “UBND TP.HCM cho biết, chợ truyền thống ở TP được mở cửa, ưu tiên trước mắt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả”.
Báo Tuổi Trẻ ngày 19/7 đưa tin: “Bộ Công thương: Mở lại tất cả chợ truyền thống theo cách an toàn”.
Theo đó: “Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu mở lại tất cả các chợ truyền thống trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh”.
Trong khi nhân dân đang phấn khởi vì cấp trên đã nhìn xuống và đã phần nào thấy được nỗi thống khổ của người dân vì bị “ngăn sông cấm chợ”, thiếu nguồn thực phẩm thiết yếu.
Thì bỗng dưng, như một gáo nước lạnh đổ vào đầu dân, làm cho mọi nguồn hy vọng có thể sống lây lất qua ngày đang le lói đã bị tắt ngấm.
Báo Thanh Niên ra sáng nay (20/7) có bài: “Bác tin đồn hàng trăm chợ truyền thống tại TP.HCM được hoạt động trở lại”.
Theo Sở Công thương TP.HCM, thông tin TP đã mở lại hàng trăm chợ truyền thống để bán hàng thiết yếu đang lan truyền trên mạng xã hội là tin giả.
Kính thưa ông Giám đốc Sở công thương thành Hồ.
Những nguồn tin về chợ truyền thống sẽ được họp lại không phải là tin giả trên mạng xã hội như các ông nói. Mà đó là những nguồn tin chính thống từ báo đảng. Ngoài báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ đưa tin, còn có các báo VnExpress, Một thế giới.v.v. đã đưa tin này. Mà những tờ báo lớn này là của ai chắc các ông đã rõ. Vậy các ông nói rằng những tin ấy là tin giả, thì chính các ông đang vả vào mồm ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban TGTƯ, và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đấy.
Hơn nữa các ông vu cho mạng xã hội đưa tin giả là các ông đang xúc phạm đến Nhân Dân, là những người đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lưng còng lòng mỏi, một nắng hai sương, làm ra đồng tiền để đóng thuế để nuôi các ông.
Những luồng thông tin này đã làm cho người dân hoa mắt, và chẳng biết tin vào ai.
Điều đó chứng tỏ các ông chống dịch theo vòng luẩn quẩn mà không có sách lược phù hợp, chỉ mạnh ai nấy làm, nên dân hoa cả mắt theo kiểu “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Có người đã cay đắng tột cùng và phải thốt lên rằng:
“Má ơi, cứu con!
Trời đất ơi, cứu con!
Ông Thiệu ơi, cứu con!
Bệnh viện tâm thần ơi, cứu tui! Huhu…”.
Và một lần nữa, lời ông Thiệu đã được người dân nhắc đến./.
#csvnchốngdịch
Leave a Comment