Thành phố SG có 238 chợ truyền thống (kể cả 3 chợ đầu mối). Bây giờ, chỉ còn 46 chợ còn hoạt động và đang có 3 chợ tương đối lớn sau thời gian nghỉ đang hoạt động thí điểm trở lại là : chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bình Thới (quận 11) và chợ Phú Lâm (quận 6).
Khi có nhiều tiểu thương bị nhiễm Covid, nỗi lo dịch bệnh bùng phát dẫn tới lệnh đóng cửa các chợ. Giờ nghĩ lại mới rùng mình, bài toán giải pháp thay thế lẽ ra phải được tính kỹ hơn khi dẹp cái rụp tất cả chợ truyền thống. Phòng chống dịch là mục tiêu “tôn nghiêm” không ai dám cãi, nhưng ngay sau đó, nhu yếu phẩm cho đời sống hơn 10 triệu dân vẫn phải có chứ? Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện chỉ thỏa được 30% nhu cầu dân TP, mà hàng tươi không phải thế mạnh của hệ thống này. Khi giãn cách, từ (chỉ thị) 15 rồi đến 16, thời gian đầu, nhu cầu dân tăng lên gấp đôi (tâm lý trữ để đề phòng). Hệ thống 30% liêu xiêu vì quá tải và dân thiếu hàng là phải rồi. Biện pháp đưa những chuỗi cửa hàng bán thuốc, đồ dùng trẻ em theo tôi, không căn cơ và nhiều rủi ro.
Chợ phải sống lại thôi!
Bộ Công Thương đã đưa ra 3 điều kiện: (1)Phải chấp nhận chỉ bán hàng tươi thiết yếu; (2)Giãn cách và 5K tối đa; (3)Tiêm vac xin cho tất cả tiểu thương.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản rồi, giờ là lúc bình tĩnh nghe các ban quản lý các chợ và tiểu thương nói thật là với 3 nguyên tắc đó nên làm gì? Chính họ mới biết cách thực hiện 3 nguyên tắc đó trong cuộc sống thật của chợ.
Hai điều kiện 1 và 3 không phải bàn. Giờ bàn điều kiện thứ hai. Bán cũng phải giãn cách mà mua cũng phải giãn cách. Không gian bán sắp xếp thế nào là quan trọng. Và bày biện gian hàng sao cho giãn cách. Tùy điều kiện không gian chợ mà bày.Ban quản lý các chợ đếu có danh sách tiểu thương bán rau củ quả, thịt cá trứng… Nên chăng thuyết phục họ là giờ phải bán cách ngày. Hàng nên xếp sẵn, bỏ vào bao sẵn luôn càng tốt, theo đơn vị thông dụng, ví dụ, nửa ký cải, chục trái chanh, trứng xếp theo vĩ…để không cần lựa chọn mãi khi người khác chờ. Trả tiền mặt, có khử khuẩn ngay tiền và tiêu thương luôn mang bao tay…
Người mua. Có thể mua hàng ngay chẵn gày lẽ. Khách đăng ký mua trên App đặt lịch đi chợ. Hoặc không thì đăng ký đặt lịch trên zalo, lấy số thứ tự luôn. Cũng chỉ ngày đầu, khách số chẵn hay lẽ thôi. Rồi thì quen và điều chỉnh chút ít. Thậm chí khách đi chợ tự ghi sẵn nhu cầu, đến thẳng dãy gian hàng bán loại mình cần, lấy hàng nhanh. Trả tiền, nhận tiền thối lại cũng nhanh. Tạm gác lại cái thú 888 với các chị tiểu thương quen, chờ ít lâu sẽ được về thú vui đó.
Các quan chức và chuyên viên của Bộ Công Thương, theo tôi được chờ đợi nhất là 2 việc lớn mà nếu quí vị không làm thì Sở Công Thương TPHCM cũng khó làm: (1)Điều phối luồng hàng giữa các tỉnh và TPHCM sao cho thông suốt. Vướng mắc hiện nay do chính sách mỗi tỉnh mỗi khác về lưu thông hàng hóa, và nhất là phải năn nỉ, biết điều với các chốt chặn, sinh ra tốn kém thời gian, tiền bạc và nhất là sinh ra sự ngán ngẫm vô tận trong tâm lý tài xế (nhiều người sợ quá, trình giấy xét nghiệm xong phải biết điều, thiệt đơn thiệt kép, bỏ nghề luôn ) và (2) Quản lý thị trường. Điều khiển đội ngũ quản lý thị trường khắp các tỉnh, có mặt trên các cung đường để chấn chỉnh ngay những gì phạm luật, làm khổ thương nhân, tiêu thương. Được vậy thì dòng chảy hàng hóa sẽ dần dần hồi sinh lại, điều chỉnh dần cho đến mức đở bị ách tắc như hiện nay.
Những ngày chợ dẹp, lòng “nhớ thương” mùi chợ, tôi lang thang chụp một số bức ảnh. Cảnh bán hàng như ăn trộm. Khu chợ chính chợ Phú Nhuận ngày vắng lặng. Con đường chính giữa chạy từ đầu đến cuối chợ và hai dãy nhà ven đường này, rất thuận để bày hàng giãn cách. Khu nhà lồng sắp xếp lại cho cá thịt trứng. Cửa ra vào xếp riêng, đi theo luồng. Loa chợ nhắc ngay những trường hợp vi phạm và ngưng ngay việc bán hàng khi vi phạm.
Mấy bức ành chợ rau củ của Myanmar hay chợ ướt ở Mỹ cũng là ví dụ hay…
Viết thế này, còn nhiều thiếu sót, chỉ để gợi cho nhiều người góp thêm ý để “hồi sinh” chợ của chúng ta./.
Leave a Comment