Thời gian qua, việc sáp nhập tỉnh đang được báo chí và dư luận quan tâm. Vì việc sáp nhập địa giới hành chính còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác mà người dân phải gánh chịu. Còn việc có đem lại lợi ích như mong muốn hay không thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề.
Báo VNEXPRESS ra hôm nay (18/7/20221)có bài: “Xem xét việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh từ năm 2026”.
Theo đó: “Các tỉnh dân số dưới 700.000, diện tích dưới 2.500 km2, riêng tỉnh miền núi dưới 450.000 người và dưới 4.000 km2, có thể được xem xét sáp nhập từ năm 2026.
Ngược dòng thời gian: Trước 30/4/1975, miền Nam có 44 tỉnh,thành; miền Bắc có 25 tỉnh, thành. Thời cố TBT Lê Duẩn đã sáp nhập còn lại 36 tỉnh, 3 thành phố trực thuộc TƯ và 1 đặc khu. Các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai – Kon Tum, Thuận Hải,, Minh Hải… xuất hiện từ đó.
Lập luận người ta đưa ra lúc đó là càng to càng mạnh. Nhưng sáp nhập rồi thì thừa mặt bằng và máy móc trang thiết bị tại cơ quan cũ, bị đem bán đấu giá rẻ mạt, gây thiệt hại rất lớn. Đồng thời sát nhập lại thì thừa cán bộ, 2 chủ tịch, 2 bí thư nay chỉ còn 1. Điều này có thể nảy sinh nạn chạy chức chạy quyền, ai muốn ở lại thì phải chạy. Các sở, ban ngành và phòng, ban cấp dưới cũng thế.
Khi một tỉnh nhỏ sáp nhập vào tỉnh lớn thì càng phức tạp. Hàng ngũ cán bộ tỉnh nhỏ, từ lãnh đạo đến cấp dưới chỉ làm cấp phó mà thôi, và không có tiếng nói trong các công việc quan trọng như bổ nhiệm, xây dựng cơ bản.v.v.Từ đó sinh ra tình trạng cục bộ, bè phái, mất đoàn kết.
Như tỉnh Thừa Thiên-Huế hồi xưa, thủ phủ được đặt ở Huế, nhưng dàn lãnh đạo thì hầu hết là Quảng Trị, họ đưa con em và người thân vào làm. Vì thế mới có câu ca: “Ơi Huế của ta, hai phần ba Quảng Trị”.
Việc sáp nhập mang nặng tính hành chính và cơ học này dần bộc lộ hệ lụy nhiều mặt về kinh tế – xã hội, nên sau đó toàn bộ các tỉnh sáp nhập trước đó đều tách ra như cũ.
Và cuộc giải phẫu chia tách lại diễn ra, Vậy là hàng chục ngàn tỷ lại đổ ra để xây dựng các cơ sở mới và mua sắm trang thiét bị. Lý luận cũng rất êm tai, như “to quá quản lý không nổi, như “bè lim chống sào sậy; “có chia nhỏ ra mới dễ quản lý và phát triển”.v.v.
Đồng thời khi chia tách thì thêm nhiều vị trí mới. Vậy là một cuộc chạy đua lại diễn ra.
Các năm 2003-2004, lại chia tách tỉnh. Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên. Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông. Cần Thơ thành Cần Thơ và Hậu Giang.
Nay cùng với việc sáp nhập tỉnh thì việc sáp nhập một số huyện, xã cũng diễn ra. Những địa phương nhỏ phải xé ra như miếng thịt cắt làm đôi để ghép vào 2 địa phương 2 bên.
Điều gây phiền phức cho nhân dân là, khi đơn vị hành chính đã thay đổi, thì người dân phải đi chỉnh lý các giấy tờ liên quan. Lại phải mất thời gian chầu chực và tốn kém tiền bạc. Vì thủ tục hành chính của nước ta hiện nay, nói một cách môm na, là…hành dân là chính.
Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chí là: “Các tỉnh dân số dưới 700.000, diện tích dưới 2.500 km2, riêng tỉnh miền núi dưới 450.000 người và dưới 4.000 km2, có thể được xem xét sáp nhập”.
Tiêu chí để xác định một tỉnh là diện tích và dân số là điều không thể hiểu nổi với thời đại 4.0.
Lai Châu diện tích quá lớn đã phải tách ra Điện Biên để “dễ quản lý hơn”. Bây giờ có khi lại nhập lại để cho đủ dân số.
Nếu nói việc sáp nhập để giảm chi phí ngân sách là chưa hợp lý. Vì hiện nay tiền thuế của dân đang được dùng để nuôi bộ máy quá lớn, trong đó “30% công chức sáng vác ô đi tối vác về”(lời của ông Nguyễn Xuân Phúc năm 2013, khi còn làm phó thủ tướng).
Vậy tại sao không cho họ nghỉ việc. Nuôi một lúc 3 hệ thống là đảng, chính quyền và đoàn thể, ngân sách nào kham nổi? Sao không cắt những cái râu ria không cần thiết ấy đi?
Một quốc gia muốn phát triển không thể phụ thuộc theo diện tích và dân số thế nào, mà phụ thuộc quy hoạch kinh tế của thể chế đó, và chất lượng nhà quản lý cùng mô hình quản lý dân chủ, sáng tạo và hệ thống luật pháp tiên tiến.
Lấy việc xây dựng mô hình quản lý theo diện tích và số dân để sát nhập tỉnh là một bước lùi, chứng tỏ sự yếu kém trước cuộc cách mạng 4.0 của thời đại.
Qua đó càng chứng tỏ chưa có cơ sở vững chắc về mặt lý luận . Và nó cứ đi theo cái vòng luẩn quẩn:
“Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành gãy leo vào leo ra…”
Thế thôi./.
Thao Ngoc
Leave a Comment