Rừng ngập mặn ở Việt Nam đang nhanh chóng biến mất

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Rừng ngập mặn là hệ sinh thái rừng đặc biệt ven biển, do quần xã thực vật có khả năng chịu được mặn và chế độ thủy triều ở vùng ven bờ, khu vực tiếp giáp giữa biển và đất liền tạo thành, chủ yếu là cây đước, cây bần, sú vẹt. Các loài thực vật nước mặn có đặc thù bởi bộ rễ phát triển mạnh, cắm xuống nền bùn nhão, tạo ra một mạng lưới khổng lồ ngăn chặn xói lở bờ biển và tạo nơi trú ẩn, bãi đẻ cho sinh vật biển và sinh vật nền đáy, bãi triều và nhiều loài động thực vật khác.

Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái có giá trị rất lớn bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ các công trình kinh tế ven biển khỏi bị sạt lở. Những cây thực vật nước mặn thì không có giá trị khai thác gỗ nhưng do lợi nhuận lớn từ việc nuôi tôm, thủy sản trong vùng bãi triều, rừng ngập mặn và nhu cầu đất đai nên trong nhiều thập kỷ sau 1975, phong trào phá rừng ngập mặn để “phát triển kinh tế” trở thành bệnh trầm kha khắp mọi miền từ Bắc tới Nam, khiến hơn 80% diện tích rừng ngập mặn đã “biến mất” theo đánh giá của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam.

Trong một báo cáo của ông Như Văn Kỳ, Vụ Phát Triển Rừng – Tổng Cục Lâm Nghiệp, đưa ra tại diễn đàn Khuyến Nông và Nông Nghiệp tổ chức tại Cà Mau năm 2014 có đưa ra những con số tuy có giảm bớt nhưng cũng khiến cho những người quan tâm tới môi trường sẽ phải giật mình. Ông Như Văn Kỳ đã viết:

- Quảng Cáo -

“Ở thời điểm năm 1943, tổng diện tích rừng ngập mặn toàn quốc là 408.500 ha, nhưng hiện tại chỉ còn 166.000 ha (mất đi hơn 242.000 ha, chiếm gần 60%). Nguyên nhân chủ yếu là do nạn phá rừng làm đầm nuôi tôm tự phát, quảng canh, chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản; thảm họa thiên nhiên như gió bão tàn phá rừng, sạt lở đất bờ biển, bờ sông. Đặc biệt là những tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng…”

Vừa qua, báo Tuổi Trẻ trong nước có phản ánh một cánh rừng ngập mặn vùng Núi Thành, Quảng Nam gồm 7,5 ha rừng tự nhiên và 25 rừng trồng đang chết lụi mà “không rõ nguyên nhân.” Báo Tuổi Trẻ Online cho biết:

Dọc theo tuyến đường mòn ven cửa biển tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, nhiều cụm mắm, bần, đước với nhiều độ tuổi khác nhau chết trơ trụi lá, gốc cây khô héo, tàn lụi hai bên đường. Theo người dân địa phương, tình trạng rừng ngập mặn chết diễn ra từ đầu năm 2021 và trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Chính (64 tuổi, thôn Đông Xuân) cho biết trước đây chỉ có lác đác vài cây già rồi chết, nhưng năm nay sau hai cơn bão vào tháng 10/2020 thì hàng loạt cây bị rụng lá rồi chết dần chết mòn.

Hình 1: Ảnh flycam báo Tuổi Trẻ chụp rừng ngập mặn ở Núi Thành, Quảng Nam chết lụi.
Hình 1: Ảnh flycam báo Tuổi Trẻ chụp rừng ngập mặn ở Núi Thành, Quảng Nam chết lụi.

Dựa trên ảnh thực địa do phóng viên Tuổi Trẻ Online cung cấp, chúng ta thấy rõ nguyên nhân này.

Những thực vật nước mặn như bần, sú vẹt phát triển trên bãi bồi phù sa, địa hình ưa thích của chúng là các vụng, vịnh phá kín, nông, độ dốc thoai thoải và ít sóng. Bộ rễ của chúng rất phát triển để cắm xuống lớp bùn nhão, đứng vững, chịu sóng gió và thích nghi với chế độ bán ngập theo thủy triều. Dù vậy, tất cả những thực vật này đều không thể chịu được tình trạng nước ngập sâu hàng tuần. Theo ảnh thực địa, thì chúng tôi nhận thấy mực nước ở khu rừng ngập mặn này cao bất thường.

Hiện tượng này, người viết đã quan sát được nhiều lần, ở nhiều địa phương ven biển có rừng ngập mặn. Nguyên nhân chính là do việc đắp đập be bờ ở phía ngoài cửa vụng để làm đầm nuôi thủy sản. Việc đắp đập, be bờ khiến nước trong vụng dâng cao, ngập úng hết toàn bộ rễ của những cây bần, đước… lâu ngày sẽ khiến cho những quần xã thực vật ở rừng ngập mặn chết vì úng thối rễ.

Hình 2: Rừng ngập mặn chết lụi vì nước ngập quá cao, nhiều khả năng bị đắp đập phía ngoài cửa vịnh để khai thác hải sản hoặc mục đích kinh tế khác.
Hình 2: Rừng ngập mặn chết lụi vì nước ngập quá cao, nhiều khả năng bị đắp đập phía ngoài cửa vịnh để khai thác hải sản hoặc mục đích kinh tế khác.
Hình 3: Nước ngập sâu khiến cho những cây bần 150 tuổi cũng chết.
Hình 3: Nước ngập sâu khiến cho những cây bần 150 tuổi cũng chết.

Tuy vậy, cũng không loại trừ các nguyên nhân khác như ô nhiễm nguồn nước ven bờ trên diện rộng. Tuy vậy, trường hợp này khó xảy hơn vì nếu như ô nhiễm tới mức các quần xã thực vật nước mặn chết hàng loạt thì tất cả các loại động thực vật ở khu vực này cũng không thể còn. Cho nên, nguyên nhân thường thấy hơn cả là việc đắp đập be bờ phía ngoài khiến mực nước dâng cao và ít có nước ra vào, khiến vừa gây úng rễ và ô nhiễm trong rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn không những là khu dự trữ sinh học, bảo vệ môi trường vô cùng quí giá mà còn là nơi cung cấp thực phẩm và sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển nếu biết khai thác và quản lý hiệu quả. Việc phá rừng ngập mặn vì bất cứ lý do gì đều rất không thể chấp nhận được trong khi tình hình xói lở bờ biển khắp từ Bắc chí Nam đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn kinh tế quốc dân.

Theo thông tin của báo Tuổi Trẻ đưa tin, chúng tôi xin chia xẻ với sự quan tâm, kinh nghiệm về nguyên nhân gây chết rừng ngập mặn và góp ý cho chính quyền địa phương trong công việc bảo vệ môi trường nói chung, đặc biệt là bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn nói riêng, vì lợi ích chung cho cộng đồng và địa phương.

Tân Phong

- Quảng Cáo -