Lẽ ra lúc này tôi không nên bông phèng hay khôi hài dù bất cứ dưới dạng nào. Nhưng thú thực, càng chua chát vì Sài Gòn bao nhiêu, tôi lại nhớ đến câu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Thủ tướng bấy nhiêu: “Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam!”. Sau câu nói này chưa đầy nửa năm, mọi chuyện lại trở nên bi thảm, và mức độ bi thảm có thể chạm ngưỡng thảm kịch trong thời gian sắp tới. Bởi từ hai phía, cả nhân dân và nhà cầm quyền. Vì sao?
Bởi: Có hai thứ tâm lý mà bất kì người Việt Nam nào từng trải dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa đều mắc phải, đó là tính lạc quan cộng sản và sự tổn thất lương tri.
Lạc quan Cộng sản được thể hiện dưới hình thái luôn tin vào những điều hết sức mơ hồ và hoang tưởng, thiếu thực tế và sẵn sàng đạp nát những phản biện trước sự lạc quan này. Bởi đây là thứ lạc quan có phần bệnh hoạn và bao trùm, nó được ký gửi trong chiến dịch tuyên truyền và đồng nhất giữa tuyên truyền với giác quan xã hội của người dân. Lộ trình của sự lạc quan này chính ở chỗ tung hê và vẽ ra thiên đường, lần đầu nói người ta không tin thì nói nhiều lần, nói cho đến bao giờ nó nhiễm vào máu người dân là xem như có thành tựu. Và đồng hành với việc tuyên truyền lạc quan Cộng sản, người Cộng sản cũng đưa ra những chương trình hành động phù hợp với nó. Ví như việc bắt bớ, đánh đập, hành hung những ai hoài nghi chủ nghĩa, hoài nghi sự lạc quan và bỏ tù những nhà phản biện để răn đe… Tất cả đều nằm trong lộ trình nhanh chóng biến đám đông nhân dân trở thành trại súc vật.
Và giữa một cái trại súc vật, miếng ăn luôn được đặt làm chân lý, bởi không có gì tốt hơn cho chuồng trại là miếng ăn. Miếng ăn được điều phối, dứ trước miệng nhân dân từ thời kinh tế tập trung bao cấp cho đến bây giờ. Và, thảm cảnh xếp hàng rồng rắn, chen lấn để tranh lương thực vốn dĩ chưa bao giờ thiếu trong nhân dân, nó là thứ bệnh hoạn sâu kín trong đại bộ phận nhân dân khi cái ăn, cái mặc đầy đủ và nó càng bùng phát mạnh hơn khi có biến cố. Nghĩa là từ cái không khí chen lấn, mánh lới, đi cửa sau để có lát thịt heo, có ký gạo ở thành phố Sài Gòn sau 1975 đến 1986, những tưởng khi miếng ăn đầy đủ thì căn bệnh ấy đã được điều trị dứt điểm. Nhưng không, căn bệnh này được gieo rắc bởi tư tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nó là thứ phần mềm chiếm ưu thế nhưng chưa được dùng tới. Bởi chủ nghĩa vật chất được tôn sùng, tôn giáo và tín ngưỡng bị hất ra khỏi lề xã hội bằng cách chính trị hóa hoặc mê tín hóa, đời sống, qui ước xã hội được phân tầng theo cơ chế vật dục… Thì làm sao con người không coi trọng miếng ăn?!
Lúc no, sự coi trọng này không thể hiện ở sự tranh giành mà biểu hiện ở sự kèn cựa hơn thua từ chỗ ‘miếng của tao ăn phải ngon hơn miếng của mày, nhà tao ở phải cao hơn nhà mày, xây nhiều tiền hơn nhà mày, xài đồ đắt tiền hơn nhà mày cho đến con tao học trường phải có học phí cao hơn con mày, xe tao đi phải sang cảnh hơn xe mày, áo quần tao mặc phải đắt đỏ, hàng hiệu so với áo quần mày mặc, nhà hàng tao ngồi phải nhiều sao, trả tiền cao hơn chỗ mày ngồi…’ Tất cả những kiểu kèn cựa này, nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ nhầm tưởng rằng đây là một sự nỗ lực của bàn thân để vượt qua quá khứ nghèo khổ, vượt qua ngày hôm qua, nhưng kỳ thực, đây là sự kèn cựa, đố kị đã được hiện thực hóa bằng vật dục. Những kiểu đồng nhất vật dục với đẳng cấp xã hội có được do cốt lõi trọng vật chất đã nhanh chóng đẩy tâm thức con người trở thành một con thú đói và bản năng bầy đàn ngày càng tích tụ nhưng nó bị che mờ bởi đủ ăn, đủ mặc. Cho đến khi có sự cố, người ta cần đến miếng ăn thì bản năng này sẽ trỗi dậy. Và sự trỗi dậy của nó càng mãnh liệt hơn khi người ta bị đe dọa bởi cái đói và cái chết.
Đừng hỏi vì sao (không riêng Sài Gòn) người ta tìm cách trốn khu cách ly và đòi hỏi chuyện ăn uống trong quá trình cách ly. Đừng hỏi vì sao người ta sẵn sàng cắt xén, ăn bòn từng lát thịt heo trong khẩu phần bệnh nhân. Đừng hỏi vì sao người ta có thể nghĩ ra chuyện kiếm tiền bằng cách bán rau củ quả giá cắt cổ cho đồng bào của mình trong vùng dịch. Đừng hỏi vì sao người ta có thể ung dung kiếm tiền trên từng lọ vaccine, trên từng lít xăng và trên từng tờ giấy thông hành có con dấu miễn phòng dịch. Đừng hỏi vì sao người ta xô đẩy, chen chúc nhau để mua thức ăn, bất chấp bệnh dịch và tính mạng. Bởi đã quá lâu, tâm thức của chúng ta đã nhiễm đầy sự kèn cựa, tiếng gọi vật dục và cả sự tranh ăn tranh thua trên máu đồng tộc, đồng bào. Bởi chúng ta đã được và bị giáo dục, nhồi sọ như thế trong lớp áo mỹ miều thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Và ngay bây giờ, giả sử hỏi cho chính xác rằng Cộng sản đã gieo rắc vào chúng ta những gì? Thì chúng ta cũng vô phương cứu chữa bởi chúng ta đã quen với đời sống chuồng trại, quen với cây gậy và miếng ăn. Và chúng ta luôn gáy te te về những gì chúng ta nghĩ rằng đó là thành tựu to lớn, đó là tài năng, đó là kỳ vĩ.
Cho đến lúc này, rất khó để tin rằng người Sài Gòn đủ bình tĩnh ứng phó với bệnh dịch nếu như nhà cầm quyền không có một chiến lược, chiến dịch thực sự vì dân, điều tiết, điều hướng giãn tĩnh và tinh thần, miếng ăn cho người dân một cách phù hợp và bỏ gấp không khí hồng vệ binh thì may ra còn kịp cứu vãn. Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện của cái đập đã vỡ. Cứu đập, cứu mạng như thế nào là chuyện mang tinh thần trách nhiệm, xả thân, hi sinh và lương tri nhà cầm quyền. Đừng bao giờ hô hào và nghĩ rằng sự hô hào là thuốc đặc trị!
Leave a Comment