Phạt MC Trác Thúy Miêu là thất sách

- Quảng Cáo -

Nguyễn Ngọc Già – RFA

Câu chuyện chống dịch virus Vũ hán ngày càng đẩy lên cao trào tại Việt Nam bằng thông tin mới nhứt từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ký văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM yêu cầu xem xét, xử lý MC Trác Thúy Miêu vì có bài viết đăng Facebook.
Văn bản nói trên nêu rõ[1]: “Qua công tác kiểm tra, rà soát, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử phát hiện MC Vũ Hoài Phương (nghệ danh: Trác Thuý Miêu) đăng tải trên mạng xã hội Facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kĩ thuật, Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19”.
Trong status đăng trên mạng xã hội, Trác Thúy Miêu cho rằng Tp.HCM tự thân dư nội lực, tri thức và sức người để chống dịch, cô viết, có đoạn: “Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm”. Status ngắn này cũng đã được nữ MC gỡ bỏ sau đó. Dĩ nhiên, những ai khó chịu vì status này sẽ chụp lại và coi đó là bằng chứng.
Xoay quanh câu chuyện đoàn nhân vĩên y tế Hải Dương vô Tp.HCM giúp đỡ chống dịch được biết là việc tự nguyện. Họ đến với tư cách đồng bào miền Bắc vào cứu “miền Nam ruột thịt” bằng tấm lòng cao cả như họ tự nhận, thì hà cớ gì mà ông Lê Quang Tự Do ra văn bản đòi Sở Thông tin-Truyền thông Tp.HCM phạt vạ cô Trác Thúy Miêu?
Đó là điểm vô lý thứ nhứt. Điểm vô lý thứ hai, đoàn nhân viên y tế Hải Dương chưa hề có văn bản nào gán cho cô Trác Thúy Miêu “gây mâu thuẫn, kích động” gì hết. Vậy căn cứ vào đâu mà ông Lê Quang Tự Do (nhấn mạnh) với tư cách Phó Cục trưởng cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (tức là công bộc – chỉ được phép làm theo luật) ra văn bản đòi Sở Thông tin-Truyền thông Tp.HCM phạt cô Trác Thúy Miêu?
Điểm vô lý thứ ba, đoàn y tế Hải Dương với tấm lòng cao cả lại có phần quá lố khi dám dùng câu chữ “giải phóng Sài Gòn” cho chuyến đi đầy tai tiếng. Điều đó cho thấy lỗ hổng kiến thức quá sơ đẳng của thế hệ trẻ ngoài Bắc ngày nay, khi không hề biết Sài Gòn đã chính thức mất tên và được thay bằng Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng Bảy năm 1976. Lớp trẻ Hải Dương có thể lầm lẫn nhưng trưởng đoàn-phó đoàn và các nhân vật lớn tuổi cùng theo đoàn, không được phép sai lầm khi để việc gọi “giải phóng Sài Gòn” tràn lan trong đoàn như là chỉ dấu hạ nhục ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN.
Tất cả nhà trường hiện nay đều dạy học sinh: Muốn người khác tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người ta trước. Do đó, không chỉ toàn thể đoàn y tế Hải Dương mà cả cá nhân Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do nên học lại lý luận được dạy dỗ chính thức trong nhà trường XHCN, trước khi bắt tay vào làm bất kỳ việc gì.
Đòi phạt cô Trác Thúy Miêu một cách vô căn cứ, phi pháp, vô giáo dục như phân tích trên càng chứng tỏ việc ỷ thế cậy quyền hiếp đáp người vô tội, vốn là một tàn dư hủ lậu của thời phong kiến. Phạt cô Trác Thúy Miêu càng rất khó hóa giải sự kỳ thị Nam – Bắc mà ĐCSVN cố công, hết sức trong hàng chục năm qua vẫn chưa thành công.
Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương lớn và xuyên suốt của ĐCSVN trong quá trình tiến nhanh-tiến mạnh-tiến vững chắc lên CNXH như báo Nhân Dân – tờ báo quan trọng số Một của nhà cầm quyền CSVN – đã khẳng định [2].
Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do không nên chấp nhặt những việc vô cùng nhỏ mọn như vậy mà làm xấu xí thêm hình ảnh cá nhân một người đàn ông miền Bắc XHCN với văn hóa cao cùng dáng vóc thanh lịch của xứ sở ngàn năm văn hiến, cũng như việc phạt vạ nhỏ nhen này đánh mất sự sáng ngời của ĐCSVN, sự thanh cao của bác Hồ kính yêu (của quý vị).

_____________________________

- Quảng Cáo -