“Chống dịch như chống giặc” là đươc xem phương châm, là khẩu hiệu, là chìa khóa thành công của Việt Nam từ lâu nay. Đợt dịch thứ 4 này chống dịch như chống giặc bộc lộ nhiều bất cập, càng chống mạnh, dịch càng tăng nhanh, số ca nhiiễm mỗi ngày đã vượt qua 4 con số, mặt khác gây ra nhiều hệ quả xấu đến kinh tế, xã hội, đời sống, sức khỏe người dân.
Các nước trên thế giới và ngay cả WHO đều đưa ra các giải pháp chống dịch như giãn cách xã hội, 5K, vacxin, chưa có đâu đề ra đươc phương châm “chống dịch như chống giặc” độc đáo như Việt Nam.
Chống dịch: thành tích ngạo nghễ
Năm 2020, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hả hê với thành quả chống dịch như chống giặc và ngạo nghễ phát ngôn “cây cột điện bên Mỹ cũng muốn chạy sang Việt Nam”
Chừng như phương châm này ngầm định niềm tự hào chính trị truyền thống của đảng, từng giành chính quyền trên tay Nhật, đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ dù phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn. Chống dịch không chỉ là chuyện cứu dân mà còn là thành tích diệt giặc của người làm tướng.
Năm nay, đối đầu với đợt dịch thứ 4, tân Thủ Tướng Phạm Minh Chinh tiếp tục phương châm đó và còn bổ sung bằng những lý luận hoành tráng tóe lửa hơn: “Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh”. (1)
Những khẩu hiệu chính trị mang tính nghị quyết này có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào vì trên không đụng trời dưới không đụng đất nhưng diễn giải thành ra những biện pháp chống dịch thì có lẽ ngoài khả năng của các thầy thuốc thông thường.
Qua những biện pháp đã áp dụng có thể hiểu nôm na là huy động toàn bộ sức mạnh, lực lượng toàn dân và hệ thống chính trị tham gia. Sẳn sàng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất, chấp nhận tổn thương, tốn kém cho dù xác đinh mục tiêu kép và dập dịch nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Chống dịch không thể giết người
Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn chủ quan của giới lãnh đạo. Suy ngẫm lại chín chắn, đối chiếu cả lý luận và thực tiễn thì dịch và giặc có nhiều khác biệt. Giặc dù ngoại xâm hay nội chiến là những con người, có thể tiêu diệt, khuất phục bằng sức mạnh, bằng mưu kế, bằng tuyên truyền tâm lý… Dịch là virus nhỏ đến gần như vô hình sống ký sinh trên cơ thể của con người, chúng phát sinh, lây nhiễm, phân hủy theo các quy luật tự nhiên. Ngăn chặn, khống chế dịch phải bằng phương pháp, phương tiện khoa học phù hợp, chính xác để khống chế, phân hủy virus và bảo vệ con người nhất là những người đang là nguồn lây lan virus. Mỗi sai lầm trong giải pháp chống dịch đều sẽ gây tổn thương, thiệt hại cho con người, đối tượng mà ta đang bảo vệ.
Virus không thể khuyến dụ bằng tuyên truyền nghị quyết hay trấn áp tinh thần bằng biểu tình, khẩu hiệu.
Người nhiễm virus là nguồn truyền cho người khác nhưng không thể giết chết, đe dọa, dụ dỗ họ để ngăn chặn sự lây truyền mà phải bảo vệ, điều trị, hướng dẫn cho họ tự điều trị, tự giác thay đổi hành vi để hạn chế lây lan cho bản thân và cộng đồng.
Chính vì vậy, lực lượng chống dịch không cần đến toàn hệ thống chính trị mà phải là lực lượng tinh chuyên về y học, dịch tễ học,…phối hợp các chuyên ngành liên quan về kinh tế, xã hội. Người quyết định các mục tiêu, giải pháp chiến lược phải là những nhà chuyên môn. Lãnh đạo chính trị, lãnh đạo quốc gia chỉ là ngưởi huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các quyết sách ấy. Nếu ý chí chính trị đặt lên trên các nguyên tắc, giải pháp khoa học sẽ gây hậu quả tai hại khôn lường.
Áp đặt chính trị lên trên y học
Kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy khi cựu Tổng Thống Trump xem thường các khuyến cáo của các nhà khoa học, không mang khẩu trang, kích động khuyến khích người dân tụ tập biểu tình, bộ máy điều hành chống dịch bị vô hiệu dẫn đến hậu quả dịch tàn phá nước Mỹ, 600.000 người Mỹ tử vong. Sau gần 6 tháng TT Biden nỗ lực thực hiện các chính sách chống dịch, thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin, dịch đã bị khống chế.
Ngay dưới thời Trump, trong những vấn đề chiến lược thì ý chí, quyền lợi chính trị của Trump cũng không vượt qua đươc các chế định y học. Trump rất cần và rất muốn có loại Vắc-xin nào đó được đưa vào sử dụng trước ngày bầu cử. Và có lẽ chỉ cần có vắc-xin trước bầu cử một tuần thôi, Trump sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, quyền quyết định chuyện vắc-xin nằm ngoài tầm với, ngoài quyền lực của Trump mà hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan FDA và CDC.
Nhưng ở Việt Nam, với tinh thần chống dịch như chống giặc thì mọi quyết định tùy thuộc vào ý chí, quyền lực chính trị ngay cả những vấn đề chuyên môn nhất.
Điển hình là việc sản xuất và sử dụng vắc-xin. Doanh nghiệp sản xuất vắc-xin Nano Covax đã không ngần ngại gởi văn bản thẳng đến Thủ Tướng Chính Phủ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mà không cần thông qua Bộ Y Tế vì cho rằng thủ tuc hành chính rườm ra nhiêu khê mất thời gian.
Trong thái độ thẳng thắn hiếm có, Bộ Y Tế đã khẳng định rằng Nano Covax chưa đủ điều kiện cấp phép vì chưa có báo cáo khoa học giai đoạn 2, mới bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 3. Ý kiến này đươc nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đồng tình ủng hộ vì phù hợp với các quy tắc y học và có trách nhiệm với sức khỏe của người dân.
Các chuyên gia rất ủng hộ vắc-xin nội, nhưng cho rằng vắc-xin không cần rẻ mà cần chất lượng tốt nhất ngặn chặn dịch và bảo đảm sức khỏe người dân. Chất lượng ấy phải dược chứng minh bằng khoa học.
Thế nhưng bằng sự quyết đoán chính trị, ông Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bô Y tế phải cử người tham gia với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vắc-xin và ra thời hạn cuối cấp phép sử dụng vắc-xin là tháng 6- 2022. Theo các quy định của WHO và quốc tế, việc cơ quan quản lý cùng tham gia với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vắc-xin là vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích trong quy trình đánh giá cấp phép. Việc định mốc thời gian cấp phép sử dụng vắc-xin ngay trong giai đoạn nghiên cứu là không có căn cứ khoa học nào. Nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo này, vắc-xin Nano Covax được đưa vào sử dụng thì sẽ tạo nguy cơ rất lớn cho sức khỏe, tính mạng người dân.
Một trường hợp điển hỉnh khác cho thấy ý chí chính trị áp đặt lên lĩnh vực chuyên môn y học trong chống dịch là trường hợp Phú Yên
…Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc – giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên – báo cáo toàn tỉnh Phú Yên đã có 301 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (tử vong 1 ca) tại 7/9 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Hiện đã truy vết được 3.050 F1, hơn 9.800 F2.”Do số F1 hiện nay cách ly khá cao, hơn 3.000 người, nên khả năng kết quả xét nghiệm lần 2, lần 3 của nhóm đối tượng này có thể thêm nhiều người dương tính với SARS-CoV-2, đồng thời có thể có F1 khai báo chưa đầy đủ nên trong cộng đồng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch cao”. Bà Ngọc đề nghị Bộ Y Tế cho phép để các trường hợp F1 cách ly tại nhà, ông Ông Đỗ Xuân Tuyên – thứ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 trả lời: “Về đề xuất cho cách ly F1 tại nhà, đến nay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới chỉ đạo cho TP.HCM thực hiện thí điểm, một số địa phương khác cũng có đề xuất như vậy và chúng tôi đang tổng hợp, báo cáo để Phó thủ tướng xem xét, chỉ đạo bộ xây dựng quy định về cách ly F1 tại nhà.” (2)
Một Thứ trưởng Bộ Y Tế, Phó Ban Chỉ đạo Trung Ương không thể quyết đoán vấn đề thuần túy chuyên môn trong chống dịch.
Bất chấp hậu quả chết người
Trong khi đó, tình trạng cách ly F1 tràn lan đang là nút thắt nghiêm trọng, có thể nói là sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Hơn hai tháng qua, cả nước đang chống dịch theo chiến lược xét nghiệm, tìm F0, truy vết và cách ly F1. Khu vực có người nhiễm virus bị phong tỏa dù là chợ búa, trường học, bệnh viện, khu dân cư đã xảy ra nhiều hệ quả xấu đến đới sống người dân và kinh tế xã hội.
Dịch bùng phát lan rộng, số người F1 bị cách ly tăng lên theo cấp số nhân so với số F0. Những khu cách ly lập ra vội vã, thiếu các điều kiện vệ sinh tối thiểu, thiếu đội ngũ chăm sóc y tế gây ra thảm cảnh lây chéo nên bị người dân gọi là “ổ ấp dịch”. Theo số thống kê của Bộ Y Tế hàng ngày, thì có đến khoảng 90% số nhiễm mới nằm trong khu cách ly, phong tỏa.
Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19, sau khi kiểm tra thực tế một số khu cách ly được trưng dụng từ ký túc xá các trường đại học trên địa bàn TP đã nhận định “Việc bố trí phòng cách ly chưa đảm bảo khoảng cách, đặc biệt việc dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm trong khu cách ly tiềm ẩn nguy cơ lây chéo cao. (3)
Một hệ quả khác của tình trạng cách ly phong tỏa tràn lan là có đến gần 50% số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM bị phong tỏa. Hệ thống bệnh viện này thông thường vốn chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, tình trạng sắp hàng chen chúc diễn ra hàng ngày giờ lại giảm phân nửa dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh khác tử vong hoặc bệnh nặng hơn do không đươc điều trị.
Nhà báo Trương Hiệu, báo Kinh Tế Đô Thị viết trên fb về hoàn cảnh thương tâm của một đồng nghiệp “Anh Thanh là phóng viên báo Nhân Đạo. Khu nhà anh ở trong quận 4, TP.HCM bị phong tỏa. Khi vợ anh sốt, ho, tức ngực thì gia đình báo cán bộ y tế phường, quận nhưng không ai xuống vì khu vực đang phong tỏa không cho ai vào, ra.
Hôm qua khi vợ anh yếu hẳn thì lực lượng y tế xuống chở đi bệnh viện, nhưng không cứu kịp. Khám nghiệm tử thi, thông báo vợ anh không bị mắc Covid-19.
Vì khu cách ly nên chính quyền cho gia đình anh Thanh trong vòng 24 giờ mang xác người mất đến chùa liệm rồi mang đi thiêu. Thời gian ngắn nên bà con xa không kịp về. Chỉ một vài người trong gia đình gấp gáp làm tang lễ tiễn người đã mất.
Qua điện thoại, anh Thanh cho biết vì gia đình trong khu cách ly nên phải chấp nhận những quy định như vậy. Người mất đi không kịp thời gian cho người còn sống đến viếng tang tiễn biệt lần cuối”. (4)
Việc cách ly, phong tỏa diện rộng này đã tạo nhiều phản ứng mà nghiêm trọng nhất là ngày 23/6, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận phát hiện có 1 trường hợp dương tính là nữ bác sĩ làm việc tại Khoa Sản. Ngay lập tức, các ngành chức năng đã tiến hành phong tỏa, cách ly toàn bộ bệnh viện gồm 1.637 người từ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nuôi bệnh cách ly trong 7 ngày. Ngày 1/7, báo chí đưa tin Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận có vụ việc “500 trăm người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi bệnh viện” (5)
Mất chức vì trái ý cấp trên
Trước thực tế cách ly tập trung F1 không ngăn đươc dịch ngược lại gây nhiều hậu quả xấu, dịch đang lan rộng trong cộng đồng, ngày 25-6 bác sĩ Nguyễn Trí Dũng Giám đốc HCDC đã có ý kiến về một phương án khác
“Bên cạnh phương án truy vết, khoanh vùng nhanh nhất như hiện nay, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, bác sĩ Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình.
Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, TP HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm”.(5a)
Đây không chỉ là ý kiến cá nhân như bác sĩ Dũng đã nói khiêm tốn mà còn là suy nghĩ chung của nhiều chuyên gia lâm sàng, có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch của TP.HCM như bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phan Xuân Trung, đặc biệt là bác sỹ Phạm Ngọc Thắng từng có thư ngỏ gởi Thủ Tướng Phạm Minh Chính với những đề xuất chi tiết theo phương án này.
Nhưng có lẽ trung ngôn nghịch nhỉ nên lập tức ngay sau đó có dư luận râm ran là bác sĩ Dũng bị kỷ luật.
Ngày 7.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã ký quyết định phân công Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp Ban Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, việc phân công công tác của Sở là hết bình thường. Bởi hiện đang giai đoạn chống dịch căng thẳng và quyết liệt, Ban giám đốc Sở Y tế phân người đến HCDC để cùng HCDC chống dịch và sâu sát hơn. (6)
Nhưng sau đó, lại có quyết định điều chuyển bác sĩ Nguyễn Trí Dũng về làm Phó Giám Đốc một trung tâm Kiểm định. Bác sĩ Dũng không phải là người duy nhất bị “sát thương” trong chống dịch. Bắc Giang và một số địa phương khác cũng đã có cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật vì làm trái ý cấp trên.
Gây gổn thương lâu dài
Với ý chí chống dịch như chống giặc, cần phải mạnh tay hơn, chiến lược sàng lọc F0, truy vết F1, F2, cách ly phong tỏa đã tiếp tục lan rộng trong cả nước và đặc biệt là điểm nóng TP.HCM với quy mô lớn huy động nguồn nhân lực của nhiều địa phương đặc biệt là chiến dịch đưa 500 sinh viên Hải Dương mở “Đường mòn Hồ Chí Minh trên không” vào giải phóng Sài Gòn tạo ra dư luận bất bình, gây bất hòa giữa hai miền Nam Bắc, tạo ra chấn thương tâm lý sâu sắc vùng miền. Mới đây, MC Trác Thúy Miêu đã thành nạn nhân bị cơ quan quản lý đề nghị xử phạt vì viết bình luận trên Fb. (7)
Việc mở đường trên không để chống dịch như chống giặc bất thành nhưng lại hồi sinh sự chia cắt của con sông Bến Hải trong lòng dân tộc.
Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục. TP.HCM đang oằn mình chịu đựng thêm hai tuần cách ly để thực hiện cuộc chiến đại tốn kém nhất lịch sử, xét nghiệm trên 10 triệu người để quét sạch F0. Trận đánh mà ông tân Phó Bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi: ‘Có thể đây là trận chiến cuối cùng’ (8)
Chỉ có những người muốn làm vua mới cần thắng giặc, cần ra tay chống dịch như chống giặc. Người dân rất sợ dịch, chỉ cần chống dịch cho hiệu quả và giảm tốt thất về nhân mạng, sức khỏe và cả miếng cơm manh áo. Vì như Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết
nghĩ cho cùng
mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại
1-https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-can-tap-trung-chong-dich-tai-tp-hcm…
2=https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-y-te-noi-gi-ve-viec-phu-yen-de-nghi-cho…
3-https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguy-co-lay-nhiem-cheo-trong-khu-cach-ly-t…
4-https://www.facebook.com/hieu.truong.370
5-https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/so-y-te-binh-thuan-len-tieng-vu-500-ng…
5a-https://vnexpress.net/giam-doc-hcdc-co-the-phai-tinh-phuong-an-song-chun…
7-https://tuoitre.vn/de-nghi-xu-ly-mc-trac-thuy-mieu-dang-bai-tren-faceboo…
8-https://vtc.vn/pho-bi-thu-tp-hcm-phan-van-mai-co-the-day-la-tran-chien-c…
Leave a Comment