Về ý nghĩa cơ bản, xét nghiệm là để tạo sự an toàn cho cộng đồng và cho chính người bị nhiễm. Những người bị phát hiện dương tính sẽ được sàng lọc để không tiếp tục phát tán virus ra cộng đồng, chuyện đã rõ. Nhưng, chính bản thân người bị nhiễm cũng có lợi, họ sẽ được theo dõi và điều trị kịp thời. Ngay từ đầu mùa dịch, Ý và Tây Ban Nha là hai bài học thảm khốc. Vì không thể xét nghiệm kịp thời người dương tính mà bệnh nhân được đưa đến bệnh viện quá trễ, dẫn đến con số tử vong tăng vùn vụt và y tế vỡ trận trong kinh hoàng.
Thực tế đã chứng minh, những nước có chiến lược xét nghiệm cao, như Đức, Hàn Quốc, Singapore… tuy có số ca nhiễm được ghi nhận vượt bực nhưng họ có thể đứng vững trong đại dịch (so với các nước quanh vùng hay những nước có cùng tỉ lệ tiêm chủng). Đứng vững trong đại dịch có nghĩa là, sống chung với dịch mà y tế vẫn không vỡ trận, sống chung với dịch mà kinh tế vẫn không bị thiệt hại trầm trọng, sống chung với dịch mà đời sống người dân không bị khủng hoảng.
Ở Đức, sống chung với dịch còn có nghĩa là trong mùa dịch vẫn mở toang hoang cửa biên giới để thông thương và phát triển kinh tế, không phải phong tỏa toàn phần làm xáo trộn đời sống người dân, các hoạt động xã hội căn bản (như chợ búa, giao thông, thăm khám bệnh, sữa chữa máy móc, chăm sóc điện nước…) vẫn diễn ra bình thường.
Năng lực xét nghiệm luôn luôn là năng lực của chính phủ. Không có nước nào trên thế giới tăng năng lực xét nghiệm bằng phương án thô bạo móc túi người dân. Nếu chính phủ không đủ tiền, không đủ cơ sở vật chất để tăng năng lực xét nghiệm, họ phải cúi đầu chấp nhận sự thất bại của chính họ trong phương án chống dịch.
Xã hội Việt Nam do thiếu thông tin rõ ràng từ bộ y tế mà lan truyền lối ngụy biện tai hại và thiếu cơ sở khoa học, dù rằng mới nghe qua người ta tưởng đó là khoa học. Có những quan điểm cho rằng: “Xét nghiệm chỉ cho biết tình trạng không nhiễm bệnh của 1 người trước đó hay ngay tại thời điểm đó, cho nên xét nghiệm là vô nghĩa, là ngu ngốc”. Hiểu như vậy là sai về ý nghĩa. Mục đích của xét nghiệm không bao giờ là để xác định người âm tính mà là, xét nghiệm để tìm và ngăn chận người dương tính.
Nếu bạn âm tính ngay tại thời điểm đó, bạn sẽ được lọc qua. Vậy thôi.
Nếu bạn dương tính. Bạn có khả năng lây bệnh cho người khác. Nên cách ly.
Không có bộ lọc nào hoàn hảo 100%, nhưng lọc được 60-80% cũng là đỡ cho cộng đồng rồi.
Ở khía cạnh khác, về phía chính quyền. Chiến lược xét nghiệm ở Việt Nam đang bị áp dụng và lạm dụng một cách lệch lạc (vì lý do gì, tôi không rõ):
1.Trong mùa dịch, chính quyền thò tay móc túi người lao động thì rất tệ bạc.
2. Biến chuyện xét nghiệm thành luật ngăn sông cấm chợ là sai ý nghĩa. Mục đích việc tăng xét nghiệm là tạo độ an toàn tối đa cho người lành mạnh, giới hạn tối đa sự tiếp xúc của người dân với mầm bệnh. Tách người dương tính ra khỏi cộng đồng, thì các sinh hoạt chủ yếu: chợ búa, thăm khám bệnh, sửa chữa nhà cửa điện nước… phải được ổn định.
3. Biến những tụ điểm xét nghiệm thành ổ dịch. Cái sai này, miễn bàn.
4. Đóng cửa xí nghiệp, phong tỏa nhà thương, cấm tụ tập mua bán các mặt hàng thiết yếu, ngăn cản người lao động di chuyển là phương án sai. Tăng xét nghiệm để hỗ trợ kinh tế phát triển. Người lao động dương tính cần sớm được phát hiện và cách ly, để cho, người lao động âm tính vẫn được làm việc bình thường.
5. Biến người bị nạn thành kẻ tội đồ xấu xa. Hành hạ họ bằng chế độ cách ly tập trung (hay chữa bệnh tập trung!). Sai:
– Tạo sự sợ hãi, lẫn tránh, chống đối xét nghiệm.
– Tạo hàng loạt những ổ dịch mới trong khu cách ly tập trung.
– Chà đạp và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.
– Đa phần người nhiễm bệnh không cần hỗ trợ y tế. Họ chỉ cần nằm nhà 10-14 ngày, sau xét nghiệm nhanh (antigen test âm tính là có thể được ra ngoài).
– Gây quá tải cho lực lượng y tế. Khi nhà thương, bác sĩ, y tá còn phải chăm sóc, chữa trị cho các bệnh nhân nặng hay bệnh nhân của các căn bệnh hiểm nghèo khác thì họ phải lo cho một đám người chẳng có nguy cơ gì.
Trên cơ sở khoa học của xét nghiệm, tôi tạm thời có những kiến nghị:
1. Để cùng nhau chống dịch, chính quyền nên thành thật với người dân. Cần tuyên bố thẳng thắng: dịch đã bùng phát trên toàn quốc và chính quyền không có khả năng chặn dịch.
2. Lên phương án sống chung với dịch. Cần cho dân biết, sống chung với dịch là mở cái gì và đóng cái gì. Không thể đóng mở tùy tiện, bừa bãi được.
3. Tăng xét nghiệm là để bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm không làm ảnh hưởng đời sống dân sinh tối thiểu (mua bán thực phẩm, thăm bệnh, mưu sinh). Nghĩa là, khi tăng xét nghiệm rồi thì không đóng cửa chợ, không đóng cửa nhà thương, không đóng cửa các cơ sở điện máy gia dụng, không cấm cản lực lượng làm thuê kiếm ăn mỗi ngày…
4. Bởi vậy, nên xác định cụ thể khi nào, chỗ nào cần xuất trình giấy xét nghiệm để tránh hành hạ dân và gây lãng phí. Những khu vực trọng yếu cần bảo vệ (bệnh viện, cơ quan hành chánh, công ty điện nước…), những khu vực không thể giảm tiếp xúc (xí nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà trẻ…), những nơi dễ tạo nguồn lây nhiễm (bếp ăn tập thể, nhà hàng, trung tâm thương mại…) nên có quy định xét nghiệm rõ ràng. Nghèo thì không nên lãng phí.
5. Tăng xét nghiệm đồng nghĩa với tăng cơ sở xét nghiệm để không gây ùn tắc nguy hiểm. Thao tác xét nghiệm antigen-test rất dễ. Chính quyền có thể chuyển năng lực xét nghiệm về các xí nghiệp lớn, các trường học nhà trẻ, các trạm y tế, ủy ban nhân dân, hội Phụ Nữ, Thành Đoàn… Mở ra các tụ điểm xét nghiệm do sinh viên, chiêu đãi viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch… thực hiện dưới sự hỗ trợ của 1 người được đào tạo y tế căn bản. Chuyện quan trọng chỉ là, chính quyền phải quản lý kết quả xét nghiệm. Mọi kết quả dương tính cần được các cơ sở báo cáo trung thực.
6. Cho người dân cách ly và tự chống bệnh tại gia cùng với sự hỗ trợ y tế và lương thực của chính quyền. Người bị bệnh covid thì chẳng thể ăn uống nhiều đâu, vài bữa cháo kèm nước chanh tươi thôi. Một 100 người bệnh ăn uống 10 ngày cũng không thể bằng một cán bộ lãnh đạo bốc hốt một buổi. Nuôi họ trong nhà 10 ngày, họ lại trở thành lực lượng lao động ưu tú “mới – khỏe – an toàn” nuôi lại xã hội. Đối xử tốt với họ 10 ngày, họ trở thành những cảm tử quân vô nhiễm quay lại chống covid cho xã hội.
7. Nên cấp giấy chứng nhận cho người khỏi bệnh, đặc cách miễn các biện pháp cách ly và lockdown đối với họ. Cho họ hưởng quyền lợi như người đã được tiêm chủng đầy đủ.
8. Dẹp cách đếm số người nhiễm, cách diễn giải chi li và cách công bố 3 lần trong ngày. Nó vừa tạo áp lực sợ hãi, vừa mang tính ngụy biện, vừa tốn nhân lực – vừa không giống ai. Sống chung với dịch là chấp nhận số ca nhiễm mỗi ngày, chỉ công bố tóm gọn con số trong ngày, một lần là đủ.
9. Phải xét nghiệm miễn phí cho dân. Các chuyên gia kinh tế cần làm phép tính cụ thể để thấy rằng, chính quyền bỏ tiền cho xét nghiệm vẫn rẻ hơn là gây thiệt hại kinh tế nếu phải đóng cửa bừa bãi hay phong tỏa toàn phần cả thành phố, hoặc phong tỏa toàn quốc. Và, đối với người dân, tham gia xét nghiệm vẫn đỡ tồi tệ hơn là bị phong tỏa toàn phần.
10. Đừng biến chuyện xét nghiệm đơn giản và an toàn thành cơn ác mộng kinh hoàng cho người dân.
Mong mọi người tham gia thảo luận để xác định nguyện vọng và mong muốn của mình. Nếu có gì mới hơn, tốt hơn, chúng ta cần kiến nghị thêm.
Đừng bỏ cuộc, các bạn./.
#xétnghiệmcovid-19
Leave a Comment