Quảng Cáo

Ai khó, ai nghèo?

Quảng Cáo

Vu Kim Hanh

Một doanh nghiệp inbox cho tôi sau khi đọc bài anh Đỗ Long share từ báo Tuổi Trẻ có tựa đề: “Nhanh một ngày, cứu ngàn doanh nghiệp”. Anh ấy nhắn: “Nói xuôi là vậy, còn nói ngược, là Chậm một ngày, chết ngàn doanh nghiệp, đúng không?”

Tôi chợt nhớ lời Tiến sĩ Alan Phan: Trên đời có một thứ không bao giờ ngủ, đó là… lãi suất ngân hàng. Nó là ác mộng của người kinh doanh. Khi doanh thu anh bằng không, “thằng” lãi suất sống vĩnh cửu vẫn cứ lao tới mỗi ngày. Còn thuế, điệp khúc, muốn thay đổi gì phải đưa ra Quốc hội bàn.

Sài Gòn tháng trước đang thu 2.900 tỷ một ngày. Nay chỉ thị 10 phải tiếp tục, mỗi ngày nền kinh tế mất bao nhiêu, vẫn phải chi ra bao nhiêu và bao nhiêu công ty, con người lãnh đủ. Nên chỉ chậm một ngày là gây hại cho nền kinh tế bao nhiêu…

Thuế và vốn (là tiền vay ngân hàng) là “nỗi niềm thương đau” của chủ DN mùa Covid này. Chậm nộp thuế: phạt và bêu tên trên giang hồ. Chậm trả nợ ngân hàng? Thì trả lãi suất trả chậm + tiền phạt trả chậm + đánh giá xếp hạng tín nhiệm, huhu, vào ngay nhóm nợ xấu. Được ưu ái vào danh sách của Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Việc chống dịch như chống giặc, ta đã tiêm vac xin thần tốc, thì cần vế thứ hai cũng thần tốc, mới gọi là mục tiêu kép và đúng là hai chân cùng chống giặc (thay vì đi cà thọt ?). Vế thứ hai chính là: cứu doanh nghiệp, cứu người nghèo.

Cứu doanh nghiệp là việc quốc gia rồi, và Thủ tướng đã chỉ đạo chống dịch như chống giặc. Để chống giặc…phá sản của DN thì Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế cần phân loại những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh rồi hướng dẫn các địa phương, ngân hàng, cơ quan thuế hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp (Ngân hàng nào chẳng nắm “lịch sử” giao dịch của từng DN nên giúp khoanh nợ đến cuối năm là có đảm bảo, đâu phải chuyện bấp bênh).

Còn người nghèo thì kể không hết. Đã và đang “truy vết thần tốc” từng ca F1, F2…sao chưa “truy vết thần tốc” những ca sắp chết đói và cũng “truy vết thần tốc” luôn những cán bộ quận, phường, khu vực quan liêu, lề mề không thương dân, chia sẻ đến cùng với dân. Bộ Chính Tri cũng quyết rồi, người nghèo ơi, ráng chờ thêm, nhanh thôi. Còn dân thì chỉ xin: những khoản đã công bố là giúp người nghèo thì “giải ngân” ngay đi, thần tốc đi, ai chậm thì kỹ luật đi.

Doanh nghiệp, khi mất hết doanh thu, còn không dám xin nhà nước tặng, giúp gì, chỉ xin mấy chữ: GIẢM, HOÃN rồi mới MIỄN. Chẳng hạn, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, thì được khoanh lại đến tháng 12-2021 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.

Bức bách đều khắp từ mỗi doanh nghiệp, từng gia đình, từng con người cho đến cả nền kinh tế, sao còn phải kêu: nhanh lên, vội vàng lên, làm ơn đi, nhanh một ngày cứu ngàn doanh nghiệp! Mà vẫn chậm?

NGƯỜI ĐƯỢC DỰNG TƯỢNG: “ĐỪNG DỰNG TƯỢNG TÔI KHI DÂN CÒN QUÁ NGHÈO!”

Trái khoáy nữa là ở tỉnh nghèo hạng nhì cả nước là Thanh Hóa, với 186 thôn “khó khăn đặc biệt”, lại sắp đi xây tượng đài khủng. Tin do báo chí Nhà nước đưa ngày 21/6, công trình tượng đài trăm tỷ mang tên “Con tàu tập kết” sẽ khởi công vào quý 3/2021. Đây là dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc mang tên “Con tàu tập kết”, với trị giá 255 tỷ đồng trên diện tích đất 38 hecta.

Một người cán bộ miền Nam tập kết gần đây nổi tiếng với cuộc đi kiện các công ty Hoa Kỳ đã cung cấp chất độc màu da cam rãi khắp nhiều vùng thôn quê VN, bà Trần Tố Nga, đã viết trên báo Diễn Đàn: Sầm Sơn chỉ là nơi chúng tôi xuống bến để rồi được đưa đi khắp nơi. Các gia đình ở đây đã nhịn đói nhường phần cho chúng tôi, đó mới là những người cần được tạc tượng.

…Bây giờ, khi cả nước đang gồng mình đối phó với đại dịch, từ em bé 6 tuổi đập ống heo, cụ hưu trí trút tiền dưỡng già, sao có thể cam tâm bỏ ra mấy trăm tỷ đồng, mấy chục ha đất để làm một việc mà chính chúng tôi, những người được tạc tượng sẽ có mặc cảm có lỗi với đồng bào.

Những người miền Nam tập kết có đồng tình với việc làm này không ? Xin thưa là KHÔNG.

Xin chuyển thẳng mấy trăm tỷ này sang mua vaccin hoặc hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Đó là chưa kể một sự thật đau lòng: Thanh Hoá là tỉnh có số thôn thuộc diện “đặc biệt khó khăn” nhiều đứng thứ hai cả nước, với 186 thôn, chỉ xếp sau tỉnh Gia Lai với 203 thôn. Đây là con số thống kê trong Quyết định số 433/QĐ-UBDT, phê duyệt danh sách thôn “đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2021-2025, do Ủy ban Dân tộc ban hành ngày 18/6/2021.

Nếu đem 255 tỷ đó mà chia cho 186 thôn đặc biệt khó khăn thì cứu được bao cảnh đời tối tăm? Vì sao người ta không nặng lòng với gần 200 thôn đặc biệt khó khăn, cũng không nặng lòng với chủ trương “chống dịch như chống giặc” bằng xây một tượng đài mà chính người được tạc tượng thấy đau lòng, xấu hổ?

#giảncáchxãhội #vaccine #tượngđài

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux