Từ câu chuyện vắc xin cho thấy sự lúng túng quản trị quốc gia

Có thật không?
- Quảng Cáo -

Trần Dzạ Dzũng – (VNTB) – Sự lúng túng này dễ nhận ra qua việc một số tỉnh, thành đang phải ‘xin cơ chế’ để tự nhập vắc xin về chích ngừa Covid cho người dân.

Chiều 21-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo lược thuật của báo chí thì về những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn với tinh thần “3 không”: không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị.

Đồng thời cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để việc phòng, chống dịch được phù hợp với tình hình và đạt hiệu quả hơn như: xây dựng các quy định về mua vắc xin; quy định chống dịch trong các khu công nghiệp, các cơ sở y tế, các khu cách ly; tiêu chuẩn, quy định thí điểm cách ly tại nhà; cơ chế xã hội hóa xét nghiệm…

- Quảng Cáo -

Các nội dung được cho là điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến, không khó để nhận ra là ẩn tình đàng sau đó chính là vấn đề của Bộ Chính trị ‘buông rèm nhiếp chính’ vẫn hay được nhắc đến bằng cụm từ sáo ngữ, ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’.

Vì sao lại có thể nói như vậy?

Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất thân là một sĩ quan an ninh tình báo kinh tế, ông thừa hiểu quyền lực của người đứng đầu Chính phủ được ghi rất cụ thể ở Luật Tổ chức Chính phủ (tu chính 2019). Các yêu cầu của “hành lang pháp lý” thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Cụ thể, đó là “Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật” – trích Điều 6, Luật Tổ chức Chính phủ.

Tuy nhiên trên thực tế thì ai cũng hiểu, trước tiên Chính phủ phải thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, sau đó mới là luật.

Trở ngược thời gian để kiểm chứng về nhận định mọi chuyện phải chờ gật đầu của Bộ Chính trị.

Sáng 18-2-2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII nhằm đánh giá về tình hình chăm lo, tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021.

“Tại Phiên họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư sáng 18/2, các thành viên cũng đã cho ý kiến về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Việt Nam. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác” – trích bản tin tường thuật của VTV.

Cụm từ “cơ bản đồng ý” đã khiến vụ việc phải dằng dai thêm thời gian nữa để đến ngoài trung tuần tháng 5-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới có thể ý kiến cụ thể như sau – trích Thông báo số 109/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ:

“Chiều ngày 17 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về phương án mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định là Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18 tháng 5 năm 2021.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:

1. Việc mua vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19 tháng 02 năm 2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021.

2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc-xin phòng COVID-19; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo nêu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ.

3. Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc-xin phòng COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc-xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo các quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

4. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị phiếu xin ý kiến Thành viên Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, gửi xin ý kiến các Thành viên Chính phủ trong ngày 17 tháng 5 năm 2021 và xin lại ý kiến các Thành viên Chính phủ trước 9 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 2021.

5. Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định chính thức bằng văn bản về phương án mua vắc-xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế đề xuất, đồng thời dự thảo Quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Có thể tóm tắt nội dung dài dòng ở trên như sau: ngày 18-2, Tổng bí thư đồng ý mua vắc xin về ‘cơ bản’, sau đó ngày 19-2, yêu cầu ‘cơ bản’ này được chuyển tải qua Công văn số 50-CV/TW, để sau đó từ căn cứ ‘lệnh bề trên’ này, phía Chính phủ mới dám ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-02-2021 về chuyện nhập vắc xin.

Đến ngày 17-5, phía Bộ Y tế vẫn còn ngại câu thòng Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, nên phải chờ vào quyết đoán của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Từ đó đến nay, vẫn chưa biết cụ thể khi nào vắc xin sẽ được nhập khẩu về Việt Nam, vì mọi chuyện đều đang chờ gom đủ số tiền quyên góp Quỹ vắc xin…

Có lẽ vẫn phải chờ ‘tín hiệu’ tiếp theo của người đứng đầu Bộ Chính trị.

- Quảng Cáo -