Ngay khi cầu thủ người Đan Mạch Christian Eriksen ngã xuống ở phút 41, dường như nhận biết điều chẳng lành, các đồng đội của anh lập tức đứng vòng quanh tạo một lá chắn trước hàng ngàn Camera đang chỉa vào Eriksen. Và đồng đội của anh vừa tạo ra lá chắn lại còn dâng lời cầu nguyện cho Anh. Lá chắn này tôi gọi đó là lá chắn nhân phẩm.
Là một con người sinh ra và sống trong xã hội luôn bị nhà cầm quyền áp bức và chà đạp nhân phẩm, tôi nhận thấy, điều này thật quý giá. Tuy nó rất bình thường trong một xã hội tôn trọng Nhân quyền, hành động văn minh, đầy nhân văn này cũng làm cho chúng ta không khỏi suy tư.
Việc lá chắn nhân phẩm này được dựng lên vì nó có 2 lý do: một là đồng đội Eriksen hiểu khi anh không còn kiểm soát hành vi thì bất cứ hình ảnh riêng tư nào của anh khi chưa được sự cho phép đều là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, hành động đó bị hạn chế bởi luật pháp. Nếu không tạo vòng chắn, thì có thể có những hình ảnh không “đẹp” được tung ra. Và không phải là chỉ hạn chế bởi luật pháp, vì ai cũng hiểu, Nhân phẩm là một điều thiêng liêng, là quý giá, là bất khả xâm phạm.
Thứ 2: khi bị làm phiền, quấy rối thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý nhân viên chăm sóc y tế, thao tác y khoa bị ảnh hưởng thì tính mạng của Eriksen sẽ nguy hiểm hơn. Eriksen đã tỉnh lại và thoát khỏi cơn nguy kịch sau khi được cấp cứu kịp thời, nhờ những phản ứng rất nhanh của đồng nghiệp, trọng tài, chắc chắn cũng nhờ phần nào đó lá chắn này kịp thời dựng lên.
Việc bảo vệ quyền riêng tư không chỉ là quyền mà nó là nhân phẩm. Tôi nhớ lại, tuyên giáo Việt Nam tung lực lượng phóng viên đông hơn bác sỹ, y tá, chĩa máy quay vào từng đường mổ trong ca mổ 12 tiếng, để tách đôi hai bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi bị dính liền phức tạp vùng bụng chậu. Ở Việt Nam Tuyên giáo là nhất chẳng cần biết nhân phẩm hay phẩm giá gì cả. Miễn sao đạt được mục đích tuyên truyền ngạo nghễ là được [hình ảnh ở còm đầu tiên]. 2 trường hợp trên cho chúng ta thấy cách nhìn về bóng đá lẫn mức độ thượng tôn pháp luật của 2 xã hội khác nhau thế nào.
Và cũng cần nói thêm, trong khi bác sỹ cấp cứu cho Eriksen, trên khán đài, các cổ động viên hai đội cư xử rất văn minh. Họ động viên Eriksen bằng cách cổ động viên Phần Lan hô vang “Christian” thì cổ động viên Đan Mạch hô “Eriksen”.
Các cầu thủ đội tuyển Đức cũng sắp hàng chụp ảnh động viên Eriksen…. bằng chiếu trên màn hình hình ảnh xuất thần nhất của Eriksen.
Và Khi 2 đội đã quay trở lại sân, các cầu thủ Phần Lan vỗ tay khi các cầu thủ Đan Mạch ra sân, để động viên và trấn an tinh thần họ. Và kể cả khi đội tuyển Phần Lan thắng thì cả cổ động viên và cầu thủ Phần Lan không thể hiện vui vẻ, tự hào gì.
Vì bóng đá thắng thua là lẽ thường, không phải vì thế mà đạp tất cả dưới chân, không phải vì thế mà tưởng mang nặng trọng trách sứ mệnh dân tộc gì cả.
Vì bóng đá không chỉ là một trò chơi mà còn có tình con người trong đó.
Khi tôi viết những dòng này, tuyên giáo Việt Nam qua các kênh chính thức và không chính thức ảo tưởng về một trận bóng thắng Mã Lai, thắng Indonesia như là sự vĩ đại, còn say mê ngông cuồng hả hê, chế ảnh trước các đội tuyển đã thua.
Đôi khi, bóng đá không phải là đá bóng, chẳng cần chiến thắng, mà đằng sau đó cần có thái độ như một con người./.
#nhânphẩm #tuyêngiáovc
Leave a Comment