Chấp nhận Bitcoin như là đồng tiền thanh toán, lợi hay hại?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Sự ổn định của đồng tiền là điều kiện quan trọng nhất để cho một nền kinh tế ổn định và phát triển. Bản chất tiền không làm ra của cải mà lao động mới làm ra của cải cho xã hội. Một doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt, họ phải tốn rất nhiều công sức để làm cho giá trị hàng hóa tăng lên, vì ham lợi họ nhận thanh toán bằng bitcoin, một ngày xui xẻo đồng tiền này mất giá 50% thì công ty phá sản. Nếu nhiều doanh nghiệp mà nhận thanh toán đồng tiền này thì cả nền kinh tế sẽ tan nát. Đó là điều không khó nhận ra.

Đồng bitcoin hay bất kỳ đồng tiền điện tử cùng dạng nào mà không được phát hành bởi ngân hàng trung ương thì nó đều có biên độ biến thiên lên xuống kinh khủng như vậy. Từ 62.000 USD/bitcoin ở đỉnh nó bổ nhào xuống còn 33.000 USD/bitcoin chỉ trong vòng một tháng thì bất kì doanh nghiệp dù khỏe đến đâu cũng đều bị bitcoin giết chết tức tửi nếu nhận thanh toán bằng loại tiền này.

Để điều tiết nền kinh tế, nhà nước thực hiện 2 chính sách, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tài khóa, và ngân hàng trung ương sẽ thực hiện chính sách tiền tệ. Để phát triển lâu dài thì chính sách tài khóa có hiệu quả, nhưng để chặn đứng thật nhanh đà khủng hoảng thì chính sách tiền tệ chiếm ưu thế hơn. Đồng tiền bitcoin là đồng tiền ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương, nếu chấp nhận nó được thanh toán như là một loại tiền tệ thì liệu rằng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện chính sách tiền tệ để đối phó với khủng hoảng như thế nào đây?

- Quảng Cáo -

Khi chuyển tiền chuộc cho tội phạm bằng cách giao tiền tận tay, bằng ngân hàng hay bằng dịch vụ chuyển tiền hợp pháp như Western Union, Money Gram đều dễ dàng bị lực lượng chống tội phạm lần ra dấu vết. Khi loại tiền Crypto ra đời thì vấn đề chuyển tiền không qua hệ thống trung gian hợp pháp là một lựa chọn tốt cho giới tội phạm, và đặc biệt, cách chuyển loại tiền này có tính ẩn danh cao nên nó càng được giới tội phạm ưa dùng. Từ năm 2015, giới tội phạm công nghệ rất chuộng đòi tiền chuộc bằng bitcoin, mới đây công ty sản xuất thịt lớn nhất thế giới JBS – Mỹ chi nhánh tại Brazil đã bị tin tặc tấn công và đòi tiền chuộc 11 triệu đô la bằng bitcoin. Đấy chỉ là mấy ví dụ điển hình, rất nhiều vụ đòi tiền chuộc bằng tiền crypto và vụ án loại này ngày một trở nên phổ biến hơn.

Nền kinh tế nước nghèo thường cậy nhờ rất lớn vào lượng kiều hối. Năm 2020, lượng kiều hối rót về Việt Nam là 17,2 tỷ đô la, bằng 6,4% GDP trong khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam cùng năm chỉ 2,92% GDP. Mà như ta biết, lượng kiều hối tính được là lượng tiền chuyển qua hệ thống hợp pháp như ngân hàng, Western Union hay Money Gram vv… Nếu là tiền bẩn, rất khó chuyển được qua hệ thống này vì nó dễ bị phát hiện và lần ra dấu vết. Ở những nước sản sinh ra tội phạm nhiều như những quốc gia Nam Mỹ thì nếu mở cửa cho bitcoin, lượng tiền bẩn tuồn về nước không phải là ít.

Mới đây đất nước El Salvador ở Nam Mỹ đã chấp nhận thanh toán đồng bitcoin như là đồng USD. Quốc gia này là quốc gia nghèo, thành phần tội phạm cao, đặc biệt là thành phần tội phạm ở nước ngoài họ rất cần một con đường chuyển tiền phi pháp về trong nước. Giải thích về lý do chấp nhận bitcoin như là đồng tiền hợp pháp, ông Nayib Bukele của El Salvador – tổng thống nước này đã nói rằng “Bitcoin sẽ giúp ích nhiều trong việc kiều dân gửi tiền về quê nhà”. Vâng! Kiều dân El Salvador nếu làm việc hợp pháp ở nước ngoài thì thiếu gì con đường chuyển tiền về nước mà phải cần dùng đến bitcoin? Ý ông tổng thống trẻ này là muốn tạo sân chơi cho cả đồng tiền bất hợp pháp để kiều dân El Salvador chuyển về nước.

Việc cho phép đồng bitcoin thanh toán như là đồng tiền chính thức ấy nó chỉ có cái lợi duy nhất là đất nước này vét được đồng tiền bẩn từ nước ngoài, nhưng ngược lại nó hạn chế khả năng ứng phó của ngân hàng trung ương trước tình huống nền kinh tế gặp khủng hoảng. Và điều quan trọng hơn, nền kinh tế El Salvador có thể bị sự trồi sụt thất thường của loại đồng tiền này tàn phá. Đây là một nguy hiểm khôn lường. Ông tổng thống 39 tuổi này đã “thả con tép bắt con tôm” rất thiếu sáng suốt hoặc có thể ông ta chịu áp lực ngầm nào đấy bởi bọn tội phạm.

Đứng trước quyết định của ông tổng thống Nayib Bukele, Quỹ tiền tệ Quốc tế- IMF đã cảnh báo quốc gia này về những rủi ro mà do bitcoin mang lại. Và hiện nay IMF đang xem xét khoản vay 1 tỷ đô la của quốc gia này. Nếu cho El Salvador vay, có nguy cơ 1 tỷ đô la này bay mất trong vòng một nốt nhạc nếu đồng bitcoin tiếp tục sụt giá mạnh. Không ai muốn cho những kẻ vừa liều vừa thiếu khôn ngoan vay tiền, những khoản vay đó rất dễ thành nợ xấu./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://baotintuc.vn/…/tai-sao-tin-tac-doi-tien-chuoc…

https://vneconomy.vn/imf-canh-bao-el-salvador-ve-dung…

https://congnghe.tuoitre.vn/…/toi-pham-cong-nghe-chuong…

https://vneconomy.vn/bi-tan-cong-mang-cong-ty-san-xuat…

https://viettimes.vn/hon-17-ti-usd-kieu-hoi-ve-viet-nam…

- Quảng Cáo -