Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Nhằm mục tiêu “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp,” Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị Quyết 4, “phấn đấu” đến năm 2025 có được 40% cán bộ thuộc thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đây có thể là một sự phấn đấu rất tốt đẹp với hy vọng qua đó, người dân đánh giá chính quyền cộng sản ngày nay là nơi tập trung nhiều thành phần danh giá, không phải là những nhà cai trị không có bằng cấp!
Tuy nhiên sự danh giá của các cán bộ cộng sản trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nếu có, cũng cần có nhiều điều phải bàn.
Thông thường, nền giáo dục của một quốc gia trong thời đại công nghiệp hóa và tiến đến kỹ thuật số như hiện nay, có hai giai đoạn học vấn căn bản phải đạt được trong việc đào tạo công dân. Đó là trình độ trung học phổ thông 12 năm và đại học 4 năm sau trung học. Đây là 2 nấc thang cần thiết để xây dựng một nền tảng nhân sự ở mọi cấp, có kiến thức tổng quát để có thể đảm trách những công việc mà công ty, trường học hay các cơ quan chính quyền cần đến.
Nói cách khác, tùy theo tình trạng nhân dụng chung, các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp hay cơ sở giáo dục sẽ đưa ra nhu cầu tuyển dụng. Và căn cứ trên từng công việc cao thấp mà những nơi đó ấn định điều kiện phải có văn bằng trung học hay đại học để thu hút người nộp đơn xin việc.
Mặt khác khi đề cập đến nhu cầu trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ, là đã bước vào lãnh vực chuyên môn hóa mang tính chất nghiên cứu để đào sâu một đề tài trong khoa học, kỹ thuật hay khoa học xã hội. Do đó, những người có trình độ này thường sẽ làm việc trong các viện nghiên cứu hay trong các đại học danh tiếng. Không có nơi nào trên thế giới sử dụng trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ trong những công việc bàn giấy hành chánh từ ngày này qua ngày nọ trong một khung cảnh không thay đổi. Điều đó không những uổng phí công lao đào tạo sau đại học mà còn cho thấy sự vô lý trong sự sử dụng nhân tài. Cho dù bào chữa cách nào đi nữa, đó cũng là cách chôn vùi trí thức một cách ngu muội.
Thật hoang phí tiền của và thời gian khi phải mất thêm 2 năm hay từ 4 đến 6 năm để có thêm văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ rồi sau đó không sử dụng đến khi đặt họ ngồi trong văn phòng cạo giấy lãnh lương. Thay vào đó, chỉ cần chú tâm đào tạo những người có trình độ trung học hay đại học để làm đúng nhiệm vụ của người công chức hay công nhân với đầy đủ năng lực. Chính trong quá trình làm việc này, họ mới được vun bồi kinh nghiệm bản thân để trở thành cán bộ giỏi, đa năng biết cách ứng phó với những tình huống phức tạp của công việc. Thực tế trong một cơ quan hành chánh hay công ty, người ta không chỉ dựa trên trình độ hay văn bằng mà chính là qua quá trình kinh nghiệm tích lũy khi làm việc.
Việt Nam muốn phát triển thật sự, trước khi hóa rồng, hóa hổ cần làm điều bình thường nhất là phải dựa trên vốn kinh nghiệm của công chức cán bộ. Đừng phí tiền bạc đào tạo cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vì mục tiêu không phải để họ vào làm công việc nghiên cứu trong các cơ quan nhà nước, các công ty.
Thước đo của một cán bộ trong bộ máy hành chánh chính là sự tận tâm phục vụ người dân trong phạm vi trách nhiệm của mình, kèm theo tính minh bạch, trong sáng và hiệu quả mỗi khi người dân cần đến. Chứ không phải trong cơ quan nhà nước chứa nhiều cán bộ có bằng cấp thật cao mà thái độ phục vụ thì hống hách, ngạo mạn. Cái đó không khác sự lòe bịp của chế độ để che giấu sự bất lực của chính mình.
Trong một khía cạnh khác, điều lợi chưa thấy mà nghị quyết của Thành ủy Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự gian dối lan tràn trong thành phần công chức, cán bộ. Những người này muốn sớm có đủ điều kiện văn bằng để đáp ứng điều kiện của Thành ủy Hà Nội hầu tiếp tục ngồi lại, không gì bằng bỏ tiền mua ngay một tấm bằng giả được sản xuất từ các lò ấp tiến sĩ.
Thành phố Hà Nội nên bỏ Nghị Quyết 04 và quay về với thực tế, rà soát lại những cán bộ hiện nay có thật là những người “học thật, thi thật, nhân tài thật” không. Hay chỉ là những người được cất nhắc vào chức vụ béo bở nhờ vào những liên hệ mờ ám của những nhóm lợi ích chằng chịt trong đảng.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment