Chống dịch phải đi đôi với hỗ trợ

- Quảng Cáo -
Nguồn dự trữ ngoại hối của nhà nước Việt Nam nắm trong tay khoảng 100 tỷ USD. Lúc này là lúc nhà nước cần phải trích một phần tiền dự trữ kể trên để hỗ trợ công dân Việt Nam trong cảnh khó khăn.
Đợt dịch này rất khủng khiếp. Nhà nước VN tỏ ra quyết tâm chống dịch. Ai cũng công nhận. Nhưng nhà nước VN có đang làm những điều cần làm để hỗ trợ cụ thể cho công dân VN hay không?
Thứ nhất, cần hỗ trợ tiền điện trong thời gian phong tỏa. Chính phủ Indonesia và nhiều quốc gia đã bỏ hàng tỷ dollars để trợ giúp, giảm phí hoặc miễn tiền điện cho công dân của họ. Với công dân Việt Nam: Tại sao không?
Thứ nhì, nhà nước phải hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở buôn bán tư nhân. Nhà nước VN có chính sách hỗ trợ những công ty đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp quốc doanh trong đại dịch. Vụ chi tiền cứu nguy cho Vietnam Airline là ví dụ điển hình. Vậy các doanh nghiệp tư nhân tại VN cũng từng đóng thuế như ai và lại là nguồn sống của phần đông giới lao động nghèo VN, nhà nước phải ưu tiên hỗ trợ tài chánh cho các cơ sở tư nhân để họ cầm cự và tiếp tục hoạt động. Nếu không hỗ trợ kịp thời thì mảng kinh tế vi mô, mảng kinh tế có tính nền tảng của xã hội có nguy cơ bị xóa sổ, đẩy hàng chục triệu người lâm vào cảnh khốn cùng. Hậu quả của nó rất lớn và lâu dài.
Thứ ba, Bộ lao động thương binh xã hội là bộ quản lý, thu phí, đưa những người VN đi xuất khẩu lao động. Khi người đi xuất khẩu lao động bị mất việc về nước thì BLĐTBXH phải hỗ trợ họ một cách cụ thể: Chẳng hạn như phí cách ly, phí di chuyển, tư vấn tài chánh, nợ nần..v..v.. không thể nào lấy tiền xong rồi phủi tay kiểu đem con bỏ chợ.
Thứ tư, Tổng liên đoàn lao động VN phải hỗ trợ, bảo vệ tối đa quyền lợi cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu được làm việc an toàn và được trả công xứng đáng. Liên đoàn cũng phải thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho công nhân toàn quốc.
Tại Úc, công đoàn độc lập vẫn gọi điện thoại thường xuyên cho tôi trong mùa dịch để hỏi thăm, giúp đỡ và cố vấn. Ngoài việc bênh vực quyền lợi các công nhân, các công đoàn tại Úc luôn đấu tranh, thúc đẩy chính phủ phải quan tâm đến người lao động. Do đó trong cơn đại dịch các công nhân Úc gặp khó khăn đã được nhận trợ cấp vì mất nguồn thu nhập và công nhân cũng có thể xin rút tiền hưu bổng sớm để tiêu xài. TLĐLĐVN đã làm gì cụ thể để giúp giới công nhân VN?
Cuối cùng là vấn đề cung cấp thực phẩm, các dịch vụ xã hội, các dịch vụ tư vấn sức khỏe cộng đồng và gia đình ở những nơi bị dịch hoành hành. Cơn đại dịch không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế, nó cũng gây ra nhiều vấn nạn, mất mát về mặt tinh thần. Nhà nước và các ban nghành trong chính quyền địa phương phải có kế hoạch, phải tổ chức những cơ cấu làm việc rõ ràng, thông tin đầy đủ để hỗ trợ dân chúng về những lãnh vực kể trên. Có không?
Công dân VN là những công dân của một quốc gia 98 triệu dân có lãnh thổ và tài nguyên. Vì bất cứ lý do nào mà công dân VN không được hỗ trợ thích đáng trong thời điểm này thì phải xét lại vai trò của thể chế cầm quyền.
Một chính phủ đúng nghĩa không phải là một guồng máy chỉ biết kiên quyết phát động phong trào chống dịch và dập dịch. Một chính phủ đúng nghĩa là phải có khả năng đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của quốc dân. Đại dịch cho chúng ta thấy sự khác biệt và thấy rõ điều đó.
Xuan Hao Tran
- Quảng Cáo -