Việt Nam có khoảng trên 140 triệu thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động. Tính theo dân số thì số lượng người có đến 2 chiếc điện thoại không phải là hiếm. Trong cả tuần vừa qua, các số điện thoại này nếu mở ra mỗi ngày nhận được ít nhất hai tin nhắn nhắc nhở người ta phải “sáng suốt”. Tính sơ sơ, có đến khoảng 2 tỷ thông điệp được gửi đi chỉ riêng trong hệ thống sms của điện thoại di động, chưa kể Zalo, chưa kể VTV, chưa kể hệ thống loa phường khắp hang cùng ngõ hẻm.
Tôi phải tính chi li ra như vậy để mọi người thấy, có một sự lạ đã lấn át mọi kênh truyền thông nhà nước. Ấy là sự việc bà chủ giàu có ở miền Nam lên sóng Facebook và YouTube cả tháng nay để tố cáo nhiều thứ về chuyện lừa đảo.
Chuyện lừa đảo thì ở cái đất này thì quá nhiều thứ, diễn ra hàng ngày, kéo dài hàng chục năm. Nạn nhân có khi còn không tỉnh ngộ ra, dù đã từng tan cửa nát nhà, mà lại đem cái sự lừa đảo ấy đi lừa người khác. Ấy thế nhưng cái sự tố lừa đảo của bà chủ giàu có ấy lại hết sức thu hút dư luận, bởi hai lẽ. Một là nó sốc, độc, lạ… bởi vì dính dáng đến rất nhiều người của công chúng. Hai là… nó an toàn.
Tôi nói nó an toàn bởi, nếu quý vị để ý mấy kênh livestream chuyên tố cáo lừa đảo, tố cáo cướp đất, tố cáo quan chức nhà cửa xênh xang… họ nói ra rả đấy nhưng có mấy ai nghe đâu. Thế mà rồi cũng bị trấn áp, sách nhiễu đủ trò. Những kênh còn tồn tại được đến giờ này thì chủ của nó nếu không phải là sinh sống ở nước ngoài thì cũng “tan xác” lâu rồi.
Tôi cũng có nghe thử mấy buổi đăng đàn của vị nữ thí chủ nọ. Có buổi rất hùng hồn. Có buổi lại hơi căng thẳng. Nói chung là nó hay dở thế nào tuỳ thuộc vào nhãn quan từng quý vị, tôi không dám phán xét. Nhưng phải thừa nhận với nhau một điều là không phải tự dưng nó được lôi ra xem trong bữa cơm của khá nhiều gia đình.
Tất nhiên, tôi không bao giờ muốn cổ xuý cho một cái thứ văn hoá đấu tố phát triển tràn lan trên mạng xã hội. Nó cũng ghê rợn và phi nhân tính chẳng khác gì như hồi Cải cách ruộng đất hay đấu Nhân văn giai phẩm ngày xưa.
Muốn mọi sự ấy không trở thành việc đấu tố, nói cái gì là phải có nhân chứng, bằng chứng. Đúng hay sai phải có toà án phân xử. Chưa kể, toà án ấy phải thực sự công minh, dựa trên pháp luật và không chịu sự điều khiển của riêng bất kỳ nhóm người nào.
Chúng ta dù sao còn rất may mắn so với các cụ ngày xưa, là có trong tay những phương tiện mạng xã hội để lên tiếng. Đã là báo chí thì ít hay nhiều cũng không thể khách quan hoàn toàn. Như hồi trước năm 1975, ở miền Nam có một cuốn sách tên là Thủ Đoạn Chính Trị của tác giả Vũ Tài Lục. Ở trong đó, tác giả có viết một đoạn rất thú vị về báo chí như thế này:
<<<… Năm 1815 khi Napoléon vượt ngục trở về Pháp, tờ báo Moniteur đã báo cho dân chúng biết tin ấy lần lượt từng ngày như sau:
– 9 Mars: Tên quái vật đã vượt ngục
– 10 Mars: Tên hung bạo đến mỏm Juan
– 11 Mars: Con hổ đã xuất hiện ở Gap. Quan quân đang bao vây để lùng bắt nó và nó đã trốn chạy vào vùng rừng rậm.
– 12 Mars: Bạo chúa hiện thời đang ở Lyon. Hãi hùng đã hiện ra khắp nơi nào mà ông ta có mặt.
– 14 Mars: Người tiếm ngôi chỉ còn cách thủ đô sáu mươi giờ đi.
– 15 Mars: Bonaparte cố tiến, nhưng rất khó lòng đến được Paris.
– 20 Mars: Napoléon ngày mai sẽ tới chân thành Paris.
– 21 Mars: Đại Đế Napoléon hiện đang ở Fontainebleau.
– 22 Mars: Ngày hôm qua đức Hoàng thượng Ngài đã vào điện Tuileries. Không gì ngăn được nỗi vui mừng của dân chúng…>>> Hết trích.
Đọc trích đoạn vừa rồi, quý vị sẽ thấy gì trong đầu người dân Pháp lúc đó khi đọc báo chí? Nghe, nhìn, suy nghĩ, đối chiếu, so sánh… là những kỹ năng rất quan trọng mà mỗi công dân cần phải có để tiến đến một xã hội văn minh. Thế nên nếu bây giờ dân chúng có ồn ào, có “cuồn cuộn” chuyện này chuyện kia cũng tốt thôi. Còn hơn là một xã hội hoặc im lặng hết, hoặc tụng ca lãnh tụ ầm ĩ như Bắc Hàn.
Dù có biết hay không, hầu hết chúng ta đều tham gia vào việc chống lại hoặc tạo ra một xã hội mới. Những tình cảm yêu thương, xót xa, tức giận, phẫn nộ… sẽ là động lực bên trong để làm xã hội thay đổi. Hãy lắng nghe mọi chuyện, theo nhiều chiều khác nhau, và đừng vội phán xét… để rồi ân hận vì đã cản trở sự tiến bộ.
Yêu thương tất cả!
Leave a Comment