VietTuSaiGon’s blog – RFA
Câu trả lời đơn giản, giản dị: Người dân cần một cán bộ có lòng tự trọng! Chưa bao giờ con người trở nên khủng hoảng đạo đức như hiện nay, đặc biệt là khủng hoảng lòng tự trọng, chính vì khủng hoảng lòng tự trọng mà mọi thứ thói hư tật xấu đều có mặt ở giới cán bộ, và đáng sợ hơn cả là khi nói về cán bộ, người ta nghĩ ngay đến những kẻ dày mặt, không biết xấu hổ, thiếu lòng tự trọng. Trong khi đó, lòng tự trọng là gốc, căn tính của mọi thứ giá trị xoay quanh lòng đạo đức.
Bởi khi lòng dân đã mỏi, con thuyền quốc gia e rằng khó vững tay chèo, bởi khi hình ảnh người cán bộ không còn gần gũi và có gì đó trở thành đối nghịch với lương tri nhân loại, thì chắc chắn rằng, con thuyền quốc gia sẽ khó mà mát tay chèo. Đó là một sự thật tại Việt Nam, khi mà chỉ còn vài giờ nữa đã bước vào cuộc bầu cử hội đồng nhân dân ba cấp, một cuộc bầu cử mà đài báo trong nước gọi là “ngày hội toàn dân”, cán bộ gọi là “lễ hội của chúng ta” nhưng với người dân, đây là một thứ chẳng đặng đừng, người ta phải chấp nhận đi bỏ phiếu cho nó qua chuyện, cho khỏi vướng rắc rối.
Câu chuyện trở nên bi hài khi người dân bằng mặt mà không bằng lòng, bởi nếu bằng lòng, đương nhiên trong lòng người dân phải có niềm tin yêu, khi cầm lá phiếu, người ta đặt niềm tin vào sự lựa chọn của mình chứ không phải người ta nghĩ rằng bây giờ giữa đám này, chọn ra đứa tốt nhất trong đám để giữ lại. Sự nguy hiểm, tệ hại nằm ở chỗ khi người dân cầm lá phiếu trên tay mà buộc phải giữ lại vài ứng cử viên để lá phiếu hợp lệ, khỏi phải bầu đi bầu lại, khỏi phải bị điều tra, tìm hiểu là phiếu này của ai chứ không phải đi là để đặt một nền tảng tương lai ngắn trong một nhiệm kỳ vào một ai đó để làm một công việc gì đó có lợi cho nhân quần, cho đất nước. Không, người ta từ lâu đã mặc định rằng tham nhũng là chuyện tất nhiên của cán bộ, hèn cũng là chuyện tất nhiên của cán bộ, và đáng sợ hơn là bỉ ổi, vô liêm sỉ, chơi bẩn cũng là chuyện tất nhiên của cán bộ.
Vì sao lại có chuyện thảm não như thế này? Bởi từ trứng nước, động cơ để thành một cán bộ nhà nước tại Việt Nam là thứ động cơ của Ăn, Mặc, Ở. Nghĩa là trục triết lý phát triển đất nước, phát triển tâm lý, giáo dục, kinh tế và hàng loạt các lĩnh vực liên đới đều xoay quanh trục ăn mặc ở. Vật dục chi phối, lấy vật dục làm kim chỉ Nam cộng thêm quá trình kinh tế tập thể đầy thảm họa và sai lầm đã đẩy con người đến chỗ xem miếng ăn, xem vật dục là chân lý. Và để đạt được chân lý này, người ta buộc phải có quyền lực, bởi chỉ có quyền lực người ta mới có thể nắm những thứ cần thiết ấy trong tay. Và trong một hệ thống quyền lực lấy vật dục làm kim chỉ Nam, đương nhiên những thành tố, phần tử trong hệ thống đó là những hữu thể vật dục, cụ thể ở đây, các cán bộ nhà nước lấy vật dục làm chân lý.
Một khi hệ thống quyền lực, nơi điều phối và chi phối cao nhất của quốc gia lấy vật dục làm chân lý thì đương nhiên, các tác động của hệ thống này lên nhân dân cũng căn cứ trên vật dục, và quyền lợi của nhóm quyền lực cũng là vật dục, họ tồn tại trên cơ sở vật dục. Lúc này, người dân không ít trông chờ vào chính sách của chế độ, trông chờ vào các khoản cứu trợ, ứng cứu, tiền tuất, tiền dưỡng già, tiền chính sách… Còn nhà cầm quyền thì tha hồ chia chắc, hưởng lạc trên một tấm chiếu hoa thêu đầy những thứ hoa văn giả tạo về đạo đức bằng những sợi chỉ vàng bạc lấy về từ nhân dân bằng nhiều cách. Và khi nhân dân cam chịu, nhà cầm quyền sẽ tự cho họ cái quyền ngồi hưởng lạc trên đầu nhân dân, cán bộ sẽ cho họ cái quyền ngồi trên đầu nhân dân, xem nhân dân là con em, là cỏ cây dưới chân họ. Chính vì vậy mới có dân oan, mới có những tiếng thở dài thườn thượt trong lòng người dân, trên những cánh đồng, trong các cơ xưởng…
Chính vì vậy mới có những cán bộ quản lý giáo dục sẵn sàng đứng ra làm tú ông, tú bà, có những cán bộ giáo dục lạm dụng tình dục học sinh, có những cán bộ sẵn sàng cướp đất của dân, có những cán bộ sẵn sàng ăn trên ngồi trước, thụt két công quĩ, nuôi chân dài bằng tiền ngân sách, chơi bời, bước vào phòng karaoke thì nói năng bổ bả, tay chân quơ quào… thậm chí rút súng dọa bắn đồng nghiệp chỉ vì tranh nhau một cô chân dài nào đó… Nói tới cán bộ, người ta nghĩ ngay tới những cái phong bì lì xì cho họ, thậm chí cán bộ nào đó gọi điện thoại mượn tiền, tức là họ đang xin khéo, cho dù bạn khinh bỉ hay không khinh bỉ, cho hay không cho thì họ vẫn cứ thản nhiên mà gọi “mượn”. Đương nhiên chuyện gọi mượn tiền chỉ là chuyện của những con muỗi trong hệ thống quyền lực, còn những con trâu, con bò trong hệ thống thì đã có những kẻ cơ hội đứng ra xu phụ, xun xoe để toa rập kiếm ăn, đương nhiên sự kiếm ăn này cũng xúc phạm nhân dân trầm trọng, thậm chí đẩy không ít gia đình ra đường, trắng tay.
Có thể nói rằng nói tới sự ngu dốt, u tối của cán bộ Việt Nam, đặc biệt là cán bộ địa phương thì có một ngàn lẻ một chuyện để bàn, để nói. Trong khi đó có hàng triệu sinh viên, tri thức phải ra đường chạy xe ôm, phụ hồ, kéo xe bò, bán vé số, chạy taxi… để kiếm cơm qua ngày. Ở một đất nước mà kẻ dốt không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ, sẵn sàng đạp qua mọi qui ước của thế giới tiến bộ để ngồi vào ghế quyền lực trong lúc các trí thức có đủ năng lực phải ra đường làm lao động chân tay kiếm cơm độ nhật… Thì đương nhiên, hình ảnh của cán bộ chẳng bao giờ đáng tin cậy. Mà hiện tại, mọi thứ có liên quan đến hệ thống công quyền đều có tính đảng, có tính toa rập, tính dù che cán, tính gốc gác con nhà đảng chứ không căn cứ trên tri thức và cơ hội, người trí thức chưa bao giờ và hình như vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội thử năng lực hay sự sáng tạo của mình trong hệ thống công quyền, nếu may mắn có được công việc trong hệ thống, người trí thức cũng chỉ là một thứ nô bộc sai đâu đánh đó của kẻ nắm quyền lực, mà kẻ nắm quyền lực là ai? Đây là câu hỏi rất khó, rất tế nhị để trả lời một cách nghiêm túc và công tâm tại Việt Nam lúc này!
Cũng vì vậy mà hình như, ước mơ của vài thế hệ hay cũng không chừng là ước mơ kinh niên, thâm căn cố đế của người Việt lại là có những ông quan, những cán bộ giữ được lòng tự trọng. Bởi khi giữ lòng tự trọng, người ta sẽ hiểu được trách vụ thiêng liêng của một người nắm quyền lực, nắm sứ mệnh phục vụ nhân dân. Điều này khác xa với nỗ lực bước vào hệ thống để ăn trên đầu nhân dân, coi nhân dân như những con gà, con vịt để mà vặt lông, vặt nhẹ, vặt từ từ cho nó khỏi kêu. Thời bây giờ, tìm đỏ con mắt để ra một cán bộ giữ liêm sỉ, giữ lòng tự trọng cũng không có. Nhưng tìm một cán bộ để cho tiền, cho ít nhiều tùy vào khả năng tài chính, để mua chuộc y/thị cùng áp phe làm một việc gì đó quả là không khó, nếu không mua được bằng tiền thì mua bằng thật nhiều tiền và mua bằng thật nhiều tiền cũng chưa đủ hiệu quả thì mua bằng vàng, bằng gái chân dài và bằng cả các quá khứ đầy rẫy bẩn thỉu của chính con người cán bộ đó.
Khi đất nước trở thành cái nồi lẩu với lúc nhúc sâu bọ và chẳng thể phân biệt thể loại của nó thì đương nhiên, thứ mà nhân dân cần nhất là lòng tự trọng. Bầu cử, liệu có bao nhiêu ứng viên đảm bảo còn giữ chút xíu lòng tự trọng? Câu trả lời là: Xin thưa, tìm đỏ con mắt chưa chắc đã tìm ra!
Leave a Comment