Tại sao gọi “tự ứng cử” là màn kịch?

Gs Nguyễn Đình Cống
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Bầu cử ở Việt Nam lâu nay ai cũng biết là những màn trình diễn để tô son điểm phấn cho bộ mặt dân chủ giả hiệu của đảng CSVN. Chẳng những giả hiệu mà còn tiêu tốn nhiều tiền thuế của nhân dân, nhưng bộ máy tuyên truyền của chính quyền vẫn ra sức đề cao một điều không có thật: “công dân có quyền tự do bầu cử và ứng cử.

Nếu đảng CSVN chỉ quy định theo thông lệ, những người ra ứng cử đại biểu quốc hội bắt buộc phải do Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu và không có màn cho “tự ứng cử” thì mọi chuyện bầu bán dưới “ánh sáng” của chủ nghĩa xã hội sẽ không có ai quan tâm, chê trách hay phản đối làm gì vì đó là chuyện riêng của đảng.

Ngay từ những ngày đầu, cuộc bầu bán đã diễn ra đúng “quy trình” hiệp thương 3 vòng mà đảng quy định và giao cho Mặt Trận Tổ Quốc thi hành: Thiết lập danh sách ứng cử viên – tổ chức cho cử tri chất vấn. Cuối cùng Mặt Trận đóng vai người thanh lọc và quyết định danh sách đề cử ứng cử viên căn cứ vào chỉ đạo của đảng.

- Quảng Cáo -

Người ta không biết từ lúc nào đảng cho người dân có quyền “tự ứng cử,” tức không thông qua sự đề cử của các tổ chức, đoàn thể nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc. Và trên nguyên tắc người được đề cử và người tự ứng cử đều có quyền lợi giống nhau căn cứ theo luật bầu cử ban hành. Nhưng khổ nỗi, trong chế độ độc tài cộng sản, nhà nước vốn nổi tiếng nói nhiều làm ít, nói một đàng làm một nẻo hay nói mà không bao giờ làm. Cái quyền lợi mà đáng ra người tự ứng cử được hưởng rốt cuộc chỉ là chiếc bánh vẽ.

Để bầu cử “công bằng, minh bạch”, nhất là phải thực hiện thành công theo đúng con đường đã vạch ra, đảng CSVN phải nắm chặt từng người ứng cử từ quan điểm, hành vi chính trị, lý lịch cho đến người ấy giữ vai trò gì sau khi trở thành đại biểu quốc hội. Do đó đảng không thích thú gì cho người dân được tự ứng cử đúng theo tiêu chí công bằng, minh bạch mà Ủy Ban Bầu Cử rêu rao trên hệ thống báo đài nhà nước. Nhưng nếu không có mục này cuộc bầu cử diễn ra với số người được chỉ định ra ứng cử thì đúng là “đảng cử dân bầu” như lời phê phán của người dân lâu nay.

Vì thế một mặt hệ thống tuyên truyền của đảng ra sức rêu rao cho tự ứng cử, một mặt tìm đủ mọi cách để loại những người này ngay từ vòng đầu tiên, thường gọi là “vòng gửi xe” tức không qua hiệp thương vòng 1. Cách làm của Mặt Trận Tổ Quốc để loại bỏ những người tự ứng cử không được đảng ưa thích là gì?

– Làm khó dễ ngay lúc nộp hồ sơ ứng cử. Đây là những bước hành hạ tận tình, buộc ứng viên phải đi đi về về nhiều lần, bổ túc nhiều loại giấy tờ để họ chán nản và bỏ cuộc;

– Cho viết thư tố cáo nặc danh, đưa ra những sai phạm bịa đặt về tư cách, đạo đức, hành vi chính trị của người tự ứng cử;

– Cho công an trực tiếp đến nhà đe dọa, uy hiếp phải tự ý rút đơn vì một lý do vu vơ nào đó;

– Dựng chuyện chống đảng, chống chính quyền trong mục đích răn đe hay bắt giữ. Đây là trường hợp đã xảy ra với hai ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội và ông Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình bị bắt sau khi tuyên bố tự ứng cử. Riêng giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội bị loại vì lý do “không đủ sức khoẻ” sau một cuộc họp đấu tố của cử tri do nhà nước chọn lọc mời đến.

Ai cũng thừa biết những thủ đoạn này nên qua những cuộc bầu cử gần đây, số người tự ứng cử càng ngày càng như lá mùa thu. Trong kỳ bầu cử khoá 14 đã có đến hơn 70 người tự ứng cử nhưng hầu hết bị loại, chỉ còn hai người được chọn vào danh sách ứng cử viên, nhưng cuối cùng cũng rớt đài, vì danh sách đắc cử đã có sẵn trước khi bầu.

Năm nay 2021, Quốc Hội khóa 15 được bà Chủ Tịch Kim Ngân rao trước, “phấn đấu” có từ 25 đến 50 đại biểu là người ngoài đảng. Tuy nhiên, lúc đầu có khoảng 20 người nộp đơn tự ứng cử nhưng nay chỉ còn lại 9 người. Trong đó Hà Nội có 3 người, Thành Hồ 2 người, Cần Thơ, Bắc Kạn, Nam Định và Sóc Trăng mỗi nơi có 1 người. Nhưng nhìn vào danh sách tự ứng cử này, người ta thấy họ đều là những viên chức lớn trong các cơ quan nhà nước như viện trưởng, giám đốc, chủ tịch. Chẳng biết có bao nhiêu người sẽ đắc cử trong danh sách “đìu hiu” 9 người tự ứng cử này. Cho dù chẳng may 9 người này đều đắc cử thì chỉ tiêu phấn đấu có từ 25 đến 50 người ngoài đảng cũng thành lời quảng cáo thuốc cao đơn hoàn tán.

Để che giấu bức tranh thất bại thê thảm của cái gọi là “tự ứng cử,” báo Công An Nhân Dân đã ra tay làm chuyện ngược ngạo là mạt sát những người tự ứng cử và gọi đó là màn kịch của các “nhà dân chủ” nhằm phá hoại cuộc bầu cử. Báo này đã không ngần ngại dựng lên những chuyện mà chỉ có công an mới nhiều âm mưu quỷ quyệt, nhằm triệt hạ những người dân lương thiện muốn ra làm đại diện dân chống lại bộ máy cai trị độc tài.

Bài báo còn đem những người đã từng là ứng cử viên của quốc hội khóa 14 năm 2016 như nhà văn Nguyễn Tường Thụy nay đang bị tù vì yêu nước, thường có những quan điểm phê phán chế độ độc tài phản dân chủ. Từ đó hết lời dè bỉu là “các nhà dân chủ dỏm” và kết luận rằng họ cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài, dựng lên màn kịch chống phá nhà nước, chống phá bầu cử.

Chưa bao giờ đám tuyên giáo của báo Công An lại trắng trợn hàm hồ đến thế! Đúng là miệng lưỡi công an muốn nói sao thì nói miễn sao họ đạt được mục tiêu tuyên truyền: Vì sao bầu cử Quốc Hội khóa 15 có quá ít người tự ứng cử.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -