Tân Phong – Việt Tân
Phần I
Sự kết thúc của “điều kỳ diệu Châu Á”
Những lễ hội và kỳ nghỉ 30 tháng Tư vừa qua đã thực sự “giải phóng” mầm bệnh Covid-19 không giới hạn, nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh thành với mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm cao hơn của chủng virus mới từ Ấn Độ và Anh. Đúng như lo ngại của người viết về những lễ hội tâm linh đã được tổ chức như ở chùa Tam Chúc, Đền Hùng, việc “kích cầu du lịch nội địa,” cũng như rủi ro lây nhiễm chéo ở các bệnh viện, khu cách ly không đảm bảo an toàn đã trở thành nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.
Sự trở lại của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 không chỉ khiến nỗ lực trước đó thành “nước lã ra sông” mà nó còn đặt ra một tình thế khiến nền kinh tế vốn dĩ “mong manh dễ vỡ” sụp đổ, hệ thống an sinh xã hội tan rã và năng lực sản xuất dịch vụ của 700.000 doanh nghiệp tư nhân nội địa không thể khôi phục ngay cả khi dịch bệnh được khống chế.
- XEM THÊM: Sự mông muội của người Việt
Trong hơn một năm qua, cơn dịch bệnh Covid-19 đã trở thành thảm họa toàn cầu. Những tác động của cơn đại dịch này giống như một cuộc thế chiến về mức độ hủy diệt cả về sinh mạng, xã hội và kinh tế. Nền kinh tế thế giới bị chao đảo, rung lắc tới tận gốc rễ và khiến cho nhiều cường quốc rơi vào tình trạng tê liệt như trong chiến tranh. Việt Nam may mắn nằm trong số những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất và duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương hiếm hoi so với bức tranh kinh tế ảm đảm của phần còn lại thế giới.
Vô hình chung, cơn dịch bệnh chết chóc đem lại cơ hội vàng cho giới chức cộng sản khẳng định tính hiệu quả của hệ thống toàn trị. Từ sự ngộ nhận về sức mạnh của bản thân, họ sẽ dễ dàng dẫn đến quyết định sai lầm khác về kinh tế xã hội cũng như mạnh tay hơn trong các chính sách cai trị và đàn áp xã hội dân sự ở Việt Nam.
Những con số tăng trưởng của một nền kinh tế rỗng vẫn nhảy múa trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và bóng ma siêu lạm phát hiển hiện. Điều đó càng làm cho cơn “ngáo tăng trưởng” của giới chức CSVN không có điểm dừng. Họ tin rằng “thành tựu” tăng trưởng kinh tế “top đầu thế giới” đó là do sự chỉ đạo thần thánh của đảng.
Phát biểu của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ Tịch UBND TP.HCM, về mục tiêu thành Hồ trở thành “trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu” trong cuộc hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” hôm 5 tháng Năm, 2021 có thể coi là một ví dụ điển hình của thói kiêu ngạo cộng sản.
XEM THÊM: Những “lỗ đen” của nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào gia công giản đơn, xuất khẩu tài nguyên thô và lao động phổ thông. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng suốt hơn 3 thập kỷ sau 1986 đang tiến gần tới điểm tới hạn khi dư địa về lao động và vốn ngày một khó khăn hơn. Sau hơn 45 năm “giải phóng” và hơn 30 năm “mở cửa” với định hướng XHCN, Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ được bất kỳ một ngành công nghệ nền tảng như luyện kim, cơ khí chính xác, chế tạo máy, tự động, điện tử… Thay vào đó, việc những tập đoàn nhà nước nhận nhiều đầu tư và ưu đãi chính phủ đã làm được là để lại những món nợ khổng lồ ngày một phình to.
Mô hình kinh tế kiểu Chaebol Hàn Quốc thời ông Nguyễn Tấn Dũng sụp đổ cùng với con tàu Vinashin. Đến thời ông Nguyễn Xuân Phúc quay sang nhiệt tình PR cho các tập đoàn tư nhân như Vingroup để “dây máu ăn phần” và vẽ ra chiến lược phát triển kiểu …Singapore. Còn thời ông Phạm Minh Chính thì hẳn những mô hình kiểu Thâm Quyến, Thượng Hải, Sán Đầu, Nam Hải… sẽ là những mẫu hình mà ông ta ấp ủ và đem áp dụng ở Quảng Ninh – Hải Phòng, Vân Phong, Phú Quốc với sự ủng hộ của các tập đoàn “hồn Trung xác Việt”?
Đối với một “nền kinh tế rỗng” thì những con số tăng trưởng GDP thường mang rất ít ý nghĩa về thu nhập và chất lượng đời sống cho tuyệt đại đa số người lao động. Câu chuyện này đã xảy ra với Brazil, Venezuela… Việc GDP duy trì tăng trưởng ở thời điểm hiện tại của kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào đà phục hồi sản xuất của khối doanh nghiệp FDI khi cung của thị trường ở các quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Thái Lan… đang bị đứt gãy vì dịch bệnh, cũng như được hưởng lợi từ việc gian lận thương mại thông qua các hiệp định FTA với Mỹ và Liên Âu.
Nếu gạt đi lớp “son phấn” này, kinh tế Việt Nam còn lại gì? Tuy nhiên, nếu như Việt Nam để mất kiểm soát dịch bệnh thì yếu tố then chốt quan trọng nhất đã giúp Việt Nam có được đà tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm 2021 sẽ không còn.
Nước xa, liệu cứu được lửa gần?
Kế hoạch chi 1,2 tỷ Mỹ Kim mua vaccine nếu được thực hiện như công bố thì đó là một quyết định đúng đắn đầu tiên của ông Phạm Minh Chính. Mấu chốt còn lại là thời gian vì dịch bệnh không chờ đợi các chính sách của bộ máy quan liêu chậm chạp, chưa tính tới vấn đề đầu tiên là “Tiền đâu?” Nghe 1,2 tỷ Mỹ Kim thì có vẻ “nhạt phèo” với nền kinh tế có GDP hơn 300 tỷ Mỹ Kim. Nhưng nếu biết rằng để trả được nợ lãi hàng năm, Hà Nội phải “vác rá đi vay,” vay nợ mới để trả nợ cũ.
Vài chục triệu Mỹ Kim bồi thường cho vụ án Trịnh Vĩnh Bình cũng khiến Bộ Tài Chính méo mặt thì 1,2 tỷ Mỹ Kim không phải là đơn giản. Vì tiền Hồ thì in bao nhiêu cũng được nhưng tiền dollar thì không. Số dự trữ ngoại tệ 90 tỷ Mỹ Kim cũng không phải là tiền rút ra mà tiêu được. 31 triệu liều vaccine vẫn còn ở thì tương lai nhưng dịch bệnh thì đã lan ra 30 tỉnh thành!
Cảnh báo nguy cơ có thể gây sụp đổ nền kinh tế thì người viết đã có hàng loạt phân tích về kinh tế vĩ mô như nợ công, bong bóng bất động sản và tín dụng, gian lận thương mại, đồng tiền yếu… của giới chức CSVN từ trước đó. “Sụp đổ” là từ khóa mà người viết nhắc lại nhiều lần trong các bài viết mà giờ đây báo chí trong nước đang đề cập tới. Nhưng thay vì chỉ rõ nguyên nhân, truyền thông “lề đảng” đang hướng lái đổ mọi tội lỗi lên những đám “dân đen con đỏ,” đám cò con “theo voi ăn bã mía,” sự tham lam của đám đông… mà hoàn toàn né tránh các sai lầm về chính sách và ảnh hưởng khuynh loát của liên minh ma quỉ giữa giới doanh nghiệp “cá mập” và quan chức CSVN.
Những rủi ro chết người của nền kinh tế rỗng trong cơn bão Covid-19 đang hiện rõ và đám truyền thông đang định hướng dư luận theo chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo TW và Bộ 4T để tìm kiếm những con “dê tế thần” cho cuộc khủng hoảng kề cận. Vì “mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài đảng ta.”
Ngoài lý do Covid-19 thì cần thêm những “tội đồ” để dân chúng rủa xả bớt cơn oán hận. Lý tưởng nhất là đám “củi đốt lò” đã được xếp sẵn trong kho của ông tổng Trọng và những kẻ ngã ngựa trong cuộc bầu bán vừa qua. Giống như để đổ lỗi cho sự yếu kém trong suốt hơn một thập kỷ trị vì của “triều đại” Nguyễn Tấn Dũng thì vài ông bộ trưởng và chủ tịch các tập đoàn thuộc “tổng công ty 91” đã được “hưu trí” trong các trại giam của Bộ Công An. Những núi nợ sẽ được khoanh lại và để khắc phục hậu quả thì “giải pháp” luôn luôn là… tăng thuế phí cũ, ban hành các sắc thuế mới. Gông ách thuế phí sẽ ngày một tàn bạo hơn.
Nhưng ngay cả khi thuế phí tăng với tốc độ phi mã trong bối cảnh hiện nay cũng không còn là biện pháp khả thi. Đơn giản dị là “vịt” đã hết lông để vặt. Nền kinh tế “mong manh dễ vỡ” Việt Nam không sẵn sàng cho một cú sốc lớn như Covid-19 và không có “tấm đệm” nào ngoài khả năng chịu đựng phi thường của đám dân đen đã quen với thiếu thốn và sự hà khắc của chế độ toàn trị.
Khác với những năm 90s của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào các sân chơi quốc tế và những khoản nợ quốc tế thì khó lòng “khoanh” được. Bối cảnh xã hội cũng khác xa và thời đại thông tin có nhiều sự ưu việt xong lại có một đặc tính tệ hại là Internet, mạng xã hội có thể tạo ra những hiệu ứng đám đông khổng lồ và khi niềm tin sụp đổ nó sẽ nhấn chìm mọi hệ thống vững chắc nhất.
(Còn tiếp Phần II)
Tân Phong
Leave a Comment